Mẹo thắng của Tuấn Quỳnh: Hét to cho đối thủ... sợ

Trong ngày thi đấu đầu tiên môn bóng bàn SEA Games 28, ở nội dung đánh đôi, Trần Tuấn Quỳnh và đồng đội Nguyễn Anh Tú đã thi đấu xuất sắc, giành quyền vào bán kết. Công lớn trong thành tích này thuộc về lão tướng Tuấn Quỳnh, khi anh “át vía” đối thủ không chỉ bằng tài năng mà còn nhờ vào... những pha ăn mừng đầy cảm hứng.

Sinh năm 1983, là tay vợt nhiều tuổi nhất trong đội tuyển bóng bàn Việt Nam dự SEA Games 28, Trần Tuấn Quỳnh cũng tự xác định đây là kỳ SEA Games cuối cùng của anh.

Ở tuổi 32, Tuấn Quỳnh giờ không còn ở đỉnh cao phong độ nữa. Nhưng bù lại, khát vọng chiến thắng của tay vợt kỳ cựu này vẫn cháy bỏng như thời trai trẻ, khi anh giành huy chương vàng đơn nam tại SEA Games 22 trên sân nhà cách đây 12 năm.

Kỳ này, đánh đôi với Tuấn Quỳnh là tay vợt trẻ Nguyễn Anh Tú, kém anh 10 tuổi và cũng kém nhiều về kinh nghiệm, bản lĩnh cũng như độ “quái” trong các pha xử lý bóng. Gánh nặng vì thế càng đè nặng hơn lên vai Trần Tuấn Quỳnh. Nhưng đúng như lời phát biểu: “Tôi sẽ nỗ lực đến tận cùng khả năng để phát huy vai trò “anh cả”, động viên tinh thần cho anh em trẻ” trước khi lên đường tới Singapore, Tuấn Quỳnh đã có một ngày thi đấu tuyệt hay và để lại dấu ấn đậm nét tại Indoor Stadium trong buổi chiều 1.6.

Mẹo thắng của Tuấn Quỳnh: Hét to cho đối thủ... sợ - 1

Kinh nghiệm, đẳng cấp và... những tiếng hét của Trần Tuấn Quỳnh đã áp đảo tinh thần đối phương, giúp đôi nam Việt Nam giành chiến thắng

Vòng 1/8, đôi Tuấn Quỳnh- Anh Tú đụng cặp Muhamad Muham- Ibrahim Muhd (Malaysia), đối thủ mà chính Tuấn Quỳnh cũng nhận định là cực kỳ khó khăn. Thêm một chi tiết đáng chú ý: Trước giờ khai cuộc, Ban tổ chức sắp xếp lịch thi đấu nội dung đôi nam-nữ vào buổi chiều, nội dung đôi nam, đôi nữ vào buổi tối nhưng sau đó lại đảo ngược. Điều này khiến Tuấn Quỳnh không có được sự chuẩn bị tốt nhất. Nhưng khi xung trận, anh lại là chính mình: Đầy đam mê, sắc bén và vô cùng mạnh mẽ.

Phải “dìu” thêm Anh Tú, hẳn Tuấn Quỳnh hiểu nhiệm vụ của mình khó khăn đến nhường nào. Thực tế cũng chứng minh, Anh Tú đã nhập cuộc không tốt, dễ dàng đánh hỏng những pha bóng tưởng như chắc chắn ghi điểm. Chính lúc nguy nan, Tuấn Quỳnh đã phát huy kinh nghiệm bằng một mẹo đấu độc đáo: Hò hét, ăn mừng cực kỳ khí thế với mỗi điểm đội nhà giành được.

“Đánh đi, không sợ”, “Quyết tâm lên nào”, “Đánh đi, Mẩu ơi” (“Mẩu” là tên gọi thân mật của Anh Tú trong đội)..., với bầu nhiệt huyết sục sôi và khả năng truyền sự tự tin đến đồng đội, Tuấn Quỳnh đã biến trận đấu này thành màn độc diễn của cá nhân anh.

Khởi đầu loạng choạng nhưng nhanh chóng bùng nổ, những tiếng hét giàu cảm xúc, khuôn mặt bừng sáng và ánh mắt kiên định của Tuấn Quỳnh dường như đã khiến đôi nam Malaysia bị... mất vía. Điều đó thể hiện rõ ở séc 3 và 4, khi đôi nam Việt Nam thắng chóng vánh 11-6 và 11-4 và thắng chung cuộc 3-1.

Chính tinh thần lên cao ấy khiến đôi Tuấn Quỳnh- Anh Tú vững tiến ở trận tứ kết. Gặp đối thủ nhẹ ký hơn hẳn là  Lim Sok Long- Nay Saravey, những tiếng hét đầy “nhiệt” của Tuấn Quỳnh lại khiến đối thủ lao đao và mang đến cảm hứng để đôi Việt Nam thắng tuyệt đối 3-0.

Chắc chắn giành ít nhất nhất huy chương đồng khi đã vào tới bán kết, nhưng Tuấn Quỳnh không sớm thoả mãn với thành tích này. Dù đối đầu với bộ đôi Gao Ning- Li Hu (Singapore) rất mạnh và được coi là “độc cô cầu bại” của khu vực Đông Nam Á, nhưng Tuấn Quỳnh vẫn quả quyết: “Phải đánh bại được họ, tôi mới coi đó là thành công ở nội dung này. Khó, thậm chí là cực khó nhưng tôi và đồng đội sẽ không mất niềm tin và quyết tạo nên một cuộc lật đổ ngoạn mục”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Đức-Đức Hiếu (Dân Việt)
Bóng bàn SEA Games 30 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN