Huyền thoại Muhammad Ali qua đời ở tuổi 74

Sau 3 thập kỷ đấu tranh với căn bệnh Parkinson, Muhammad Ali đã từ trần ở tuổi 74.

Muhammad Ali, một trong những tay đấm boxing xuất sắc nhất mọi thời đại và một trong những VĐV thể thao giàu sức hút nhất trong lịch sử nhân loại, đã qua đời vào đêm thứ Sáu vừa qua sau một cuộc chiến kéo dài 3 thập kỷ với căn bệnh Parkinson. Ông hưởng thọ 74 tuổi.

Huyền thoại Muhammad Ali qua đời ở tuổi 74 - 1

Muhammad Ali

Sinh ra tại Louisville bang Kentucky vào ngày 17/1/1942, không ai nghĩ một đứa trẻ có tên Cassius Clay Jr. sau này sẽ trở thành một huyền thoại sống của làng thể thao thế giới. Định mệnh đã gắn Cassius Clay Jr. với sự vĩ đại, khi chính ông đã gọi mình là “Người vĩ đại nhất”.

Kể từ lần đầu tiên đoạt chức vô địch hạng nặng vào năm 1964 khi vẫn còn mang tên gốc, Muhammad Ali đã mang tới cho khán giả những khoảnh khắc vĩ đại nhất của boxing. Ông đưa tới cho người hâm mộ những trận đấu lịch sử như “Trận đấu thế kỷ”, “Rumble in the Jungle” hay “Thrilla in Manila”, những trận đấu nổi tiếng tới mức người ta không cần nhắc đến tên đối thủ của Ali.

Và cũng qua đó, boxing được chứng kiến cuộc đối đầu vĩ đại nhất giữa Muhammad Ali và Joe Frazier, một cuộc đối đầu thậm chí đã được chuyển thể lên màn ảnh rộng. Đấu với Ali khiến tên tuổi của những George Foreman, Ken Norton và Larry Holmes trở nên nổi tiếng toàn cầu.

Huyền thoại Muhammad Ali qua đời ở tuổi 74 - 2

Ali (phải) đối đầu Joe Frazier năm 1975 tại Phillippines ("Thrilla in Manila")

Mặc dù kết thúc sự nghiệp với thành tích 56 thắng – 5 thua (37 knock-out), một thành tích mà nhiều tay đấm trước và sau Ali đã làm tốt hơn, không ai để lại được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng như Ali. Sự mềm mại uyển chuyển trên sàn đấu của ông truyền cảm hứng cho một thế hệ những võ sĩ hạng nặng mới, và trước mỗi trận đấu Ali đều chế giễu đối thủ một cách vần điệu như những bài thơ.

Nhưng không chỉ trên sàn đấu, Muhammad Ali còn vượt ra ngoài phạm vi thể thao. Ông là một trong những VĐV đầu tiên nói lên những sự kỳ thị chủng tộc và bất công xã hội trong lòng nước Mỹ. Chúng ta sẽ không biết lần giữ đai vô địch đầu tiên của Ali kéo dài tới đâu nếu ông không từ chối nhập ngũ và tham gia vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Sự dám phản kháng và chấp nhận hệ quả từ hành động của mình là điều khiến Ali trở nên đặc biệt. 3 năm bị cấm thi đấu của Ali biến ông từ một người làm thể thao đơn thuần thành một người hùng của thế hệ trẻ. Cống hiến của ông cho các tổ chức Hồi giáo đã hàn gắn sự chia cắt và kỳ thị nặng nề về tôn giáo trong lòng Hoa Kỳ, và cũng từ đây ông đã đổi sang cái tên mới đã đi vào trí nhớ của mọi người yêu thể thao toàn cầu.

Huyền thoại Muhammad Ali qua đời ở tuổi 74 - 3

Ali cùng thành viên của đảng "Báo Đen" tuần hành chống chiến tranh Việt Nam tại New York năm 1970

Khi bước vào cuối sự nghiệp, Ali đã cảm nhận được có một cuộc chiến đang chờ đợi ông. Ông thua 4 trận đấu cuối cùng, và vào năm 1984 ông mắc căn bệnh Parkinson. 3 thập kỷ cuối trong cuộc đời của Ali là để đấu tranh với căn bệnh quái ác này, căn bệnh dần ăn mòn và khiến ông mất đi trí nhớ lẫn sự tỉnh táo của mình.

Nhưng bất chấp bệnh tật, Muhammad Ali tiếp tục mang lại những ảnh hưởng văn hóa. Ông là Đại sứ hòa bình của Liên hợp Quốc, lập ra quỹ bảo trợ mang tên mình và thậm chí xuất hiện trong các lễ rước đuốc của Olympic. Trong lần cuối xuất hiện trước ống kính truyền hình toàn cầu, Ali là người rước đuốc của Olympic 2012, và đón nhận sự chào đón nồng nhiệt nhất của buổi tối hôm ấy.

Muhammad Ali đã ra đi, nhưng những di sản, những lời nói và những trận đấu của ông sẽ còn mãi hằn lên boxing, thể thao và lịch sử nước Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN