Học tennis đắt hơn học Harvard
Những món tiền thưởng khổng lồ tại các giải quần vợt Grand Slam đã khiến những HLV, học viện dạy quần vợt nổi tiếng thế giới thu tiền học cao hơn cả học phí ở Đại học Harvard!
Không ít người đã “choáng” khi nghe cha của tay vợt trẻ Nguyễn Hoàng Thiên tuyên bố dành hẳn 1 triệu USD đầu tư cho sự nghiệp quần vợt của con trai mình. Nhưng, nếu nghe gia đình tay vợt nữ Huỳnh Phương Đài Trang “dốc bầu tâm sự”, mới thấy con số 1 triệu USD chẳng là gì cả nếu “giây” vào ước mơ trở thành một tay vợt nhà nghề.
62.000 USD cho ba tháng tại Học viện Henin
Tay vợt nữ duy nhất của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng quần vợt nữ nhà nghề thế giới (WTA) là Huỳnh Phương Đài Trang vừa kết thúc một vòng du đấu chín giải quốc tế trong vòng hai tháng tại Indonesia (2 giải), Hàn Quốc (2), Ấn Độ (1), Đài Loan (1) và Thái Lan (3), tốn hơn 30.000 USD.
Thoáng một cái đã tám năm, kể từ ngày Đài Trang lần đầu tiên xuất ngoại và đoạt ngay chức vô địch một giải U-12 quốc tế tại Thái Lan khi cô mới 11 tuổi. Sau tám năm bôn ba, thứ hạng hiện tại của Trang trong bảng xếp hạng WTA là 1.077 (đơn) và 385 (đôi). Một sự thăng tiến khá nhanh ở bảng xếp hạng đôi, nhưng còn đơn là sự đi xuống khi tháng 4-2010 Trang từng xếp hạng 876. Tại sao như vậy?
Đài Trang với Justine Henin trong thời gian học tại học viện của tay vợt khét tiếng này
Câu hỏi như chạm vào nỗi lòng nên chị Phương Ánh - mẹ của Trang - dốc bầu tâm sự: “Tốn kém khủng khiếp quá. Gia đình tôi đã trở thành dân du mục sau khi bán nhà lo cho con gái mà vẫn chưa đi đến đâu. Nói thật, nếu không có anh em bà con ở nước ngoài phụ giúp thêm, chắc cháu phải chia tay giấc mơ trở thành tay vợt nhà nghề. Muốn có thứ hạng cao thì phải đi thi đấu nhiều. Và thi đấu càng nhiều càng tốn tiền. Một năm như thế Trang thi đấu bình quân 20-25 giải, và con số ấy cũng chưa phải là lý tưởng khi nhiều tay vợt khác đạt đến mức 35-40 giải/năm. Nhưng tiền để đi dự giải cũng chưa bằng học phí”.
"Sau tám năm đầu tư cho con theo nghiệp quần vợt nhà nghề, chúng tôi đã thành dân du mục nay đây mai đó khi ở nhà thuê do đã phải bán nhà, sang một tiệm phở nổi tiếng tại Vũng Tàu" Chị Phương Ánh |
Nói tới học phí quần vợt, chúng tôi nhắc lại câu chuyện khi Đài Trang mới 14 tuổi, quần vợt VN có thuê một HLV Ấn Độ sang làm chuyên gia đào tạo trẻ. Tại sao chị lại không đồng ý tham gia để đỡ tốn kém ngân sách gia đình? Trả lời câu hỏi này, chị Ánh cười và cho tôi xem vô số giấy tờ để chứng minh rằng một vị HLV chấp nhận mức lương vài ngàn USD/tháng thì không thể là thầy chuyên nghiệp. Chị dẫn chứng năm Đài Trang 14 tuổi, Học viện đào tạo quần vợt của Mỹ (iTUSA) đặt tại bang Arizona đã chấp nhận cấp học bổng 50% cho Trang, nhưng một nửa học phí còn lại cũng đã là 5.000 USD/tháng!
Chưa kể, một đặc thù của việc học quần vợt là học phí tính theo tháng chỉ mới là cơ bản, còn muốn học thêm những “chiêu độc” phải chi ra những món tiền to hay nhỏ là tùy danh tiếng của thầy. Ví dụ muốn có một giờ học riêng với HLV Rafael nổi tiếng của iTUSA phải chi 980 USD! Như Đài Trang, để học riêng cú giao bóng với một ông thầy vào loại trung bình đã phải tốn 5.000 USD cho khoảng một tuần học. Còn muốn thọ giáo với ông thầy dạy cho tay vợt Roddick quả giao bóng phải chi 30.000 USD!
Chị Ánh cho xem tổng chi phí của ba tháng học tại Học viện Henin đặt tại Bỉ (do Justine Henin, tay vợt nổi tiếng người Bỉ từng nhiều lần xếp hạng 1 thế giới, thành lập) hồi năm ngoái: học phí mỗi tháng 4.500 euro. Loại học phí thấp nhất khi ba VĐV tập một sân, và ba sân chỉ có hai HLV. Nếu chỉ chấp nhận từng ấy thì chẳng đi đến đâu nên phải học thêm nhiều thầy khác, với mỗi người chuyên một “chiêu độc”. Trong ba tháng tại Học viện Henin, chị tốn 62.000 USD riêng cho học phí. Rồi tiền thuê nhà, tiền ăn nữa; dù rất tiết kiệm đã tốn tổng cộng hơn 80.000 USD cho ba tháng đi học.
Rõ ràng học phí ở đại học số 1 thế giới là Harvard cũng không bằng.
Quay về lại TP.HCM Sau khi rời Đà Nẵng, tay vợt Đài Trang đã về lại mái nhà xưa là TP.HCM với một hợp đồng được ký hồi đầu tháng 4 năm nay. Hiện tại, cô gái sắp tròn 19 tuổi này đã có ba chức vô địch đơn nữ quần vợt VN, và dự báo của giới chuyên môn là vị trí ấy khó có ai tranh chấp trong nhiều năm tới. Đài Trang (phải) vô địch một giải đôi tại Phần Lan trong thời gian học ở Học viện Henin |
Dự tính tương lai
Theo tính toán của những vị phụ huynh đầu tư cho con đi theo con đường quần vợt chuyên nghiệp, để gọi là thành công, con mình có thể có của ăn của để nhờ thi đấu quần vợt thì phải vào tốp 300 thế giới.
Thứ hạng cao nhất của Đài Trang là ngoài tốp 800 hồi năm 2010, còn hiện nay là ngoài tốp 1.000. Liệu có phải là một sai lầm cho cuộc đầu tư của gia đình Đài Trang? Chị Phương Ánh tâm sự: “Năm Đài Trang 14 tuổi, chúng tôi nhận được thư mời của iTUSA. Đã có tám HLV của học viện này kiểm tra Đài Trang, sau đó họ đưa ra hai phương án: 1- Nếu gia đình đầu tư, họ giảm 50% học phí. 2- Giao Đài Trang cho iTUSA đến 18 tuổi, và họ lo hết mọi chuyện kèm theo các điều kiện gần như là “bán con”.
Sau 18 tuổi, căn cứ vào thành tích của Trang, hai bên sẽ thương thảo để ký hợp đồng ăn chia. iTUSA khẳng định Đài Trang thừa sức vào tốp 300, không loại trừ khả năng có mặt trong tốp 100. Nhận thấy cả hai phương án của iTUSA đều có cái hay và những cái không hay nên gia đình đã từ chối. Cũng chính từ dự báo của iTUSA, chúng tôi mới quyết định cho Trang đi theo quần vợt nhà nghề”.
Tốn kém quá nhiều nhưng đến giờ vẫn chưa đạt được mục tiêu, liệu hai mẹ con có nản không? Điều đáng nể ở hai mẹ con này là họ vẫn còn tràn đầy tình yêu quần vợt trong tim khi cùng khẳng định: không có gì phải tiếc nuối.
Tuy nhiên, họ bắt đầu có những dự định thực tế hơn cho tương lai. Hiện tại Đài Trang đang có một học bổng toàn phần tại Đại học Clemson ở South Florida (Mỹ). Dĩ nhiên, đây cũng là một ngôi trường có thế mạnh về quần vợt. Học ở đây cô vẫn có thể đi thi đấu các giải nhà nghề để trau dồi kỹ năng và nâng thứ hạng. Đồng thời, sau bốn năm sẽ có được tấm bằng cử nhân để làm hành trang vào đời.