Góc khuất sau kỳ tích của Tiến Minh

Một lần nữa, người hâm mộ cầu lông Việt Nam phải ngả mũ bái phục Tiến Minh, sau khi anh lập kỳ tích giành HCĐ thế giới. Đã quá nhiều lần Tiến Minh tạo nên những cảm xúc như vậy, nhưng đằng sau những chiến thắng ấy, có một Tiến Minh rất cô đơn…

Chạnh lòng khi thi đấu quốc tế

Chuyện Tiến Minh phải tự bỏ tiền túi tham dự các giải đấu lớn trên thế giới có lẽ ít người tin, nhưng đó lại là sự thật. Tất nhiên, chính xác là tay vợt người TP.HCM vẫn có những khoản hỗ trợ nhất định, nhưng chủ yếu chỉ động viên là chính.

Một tay vợt tên tuổi lẫy lừng và mang bao chiến tích cho thể thao nước nhà, nhưng lương tháng chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng. Số tiền này Tiến Minh cho biết anh thậm chí còn không đủ để mình trang trải sinh hoạt khi tham dự một giải đấu. Liên đoàn cầu lông Việt Nam một năm chỉ hỗ trợ kinh phí tham dự 3 giải: vô địch thế giới, vô địch châu Á và Surdiman Cup, tổng cộng khoảng chừng 50 triệu đồng. Trong khi Tiến Minh thi đấu mỗi năm hơn chục giải quốc tế, riêng tiền vé máy bay đã tốn hàng chục ngàn USD. 

Từng theo nghiệp thể thao chuyên nghiệp hơn chục năm nay, có lẽ Tiến Minh cũng chẳng dám đòi hỏi, bởi rất nhiều VĐV khác, các môn thể thao khác, còn khó khăn hơn anh rất nhiều. Muốn phát triển sự nghiệp, không còn cách nào khác là phải đầu tư, bên cạnh tài năng và niềm đam mê. Rất may là gia đình luôn là chỗ dựa lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho Minh. Anh từng tâm sự, nếu không có gia đình, chắc chắn sẽ không có một Tiến Minh nằm trong tốp 10 thế giới như bây giờ. 

Không đòi hỏi gì nhiều về sự đầu tư, nhưng những quan tâm tối thiểu, dường như Tiến Minh cũng không được như các tay vợt khác. Điều đó mới khiến anh có lúc cảm thấy rất buồn.

Góc khuất sau kỳ tích của Tiến Minh - 1

Tiến Minh luôn phải đi thi đấu một mình ở các giải đấu quốc tế

“Các tay vợt trong tốp 10, thậm chí tốp 20 của thế giới luôn được xem là tài sản quý của quốc gia, được bố trí một đội ngũ HLV giỏi, nhân viên massage đi theo từng giải đấu. Còn tôi tự thân một mình đi thi đấu, nhìn họ mà không khỏi chạnh lòng”, Tiến Minh chia sẻ. 

Thỉnh thoảng Tiến Minh vẫn nhận được những ánh mắt ngạc nhiên của các tay vợt quốc tế, khi biết anh có mức lương rất hèo và thường phải ra nước ngoài thi đấu một mình. Các tay vợt này nói, nếu như Tiến Minh ở nước họ, sẽ được “chăm sóc” tới tận…răng. Nghe vậy, càng cảm thấy chạnh lòng!. 

Sức ép từ giới truyền thông

Trong 2 ngày qua, hàng loạt các tờ báo, truyền hình, phát thanh đưa tin, khen ngợi Tiến Minh đã lập kỳ tích giành HCĐ. Được báo chí khen thì ai chẳng thích, chẳng sướng, nhưng với Tiến Minh, dường như giữa anh và giới truyền thông luôn có một khoảng cách.

Khoảng cách ấy, ban đầu chỉ là tính cách rụt rè của Tiến Minh. Những người quen biết Tiến Minh cho biết, anh có rất ít bạn thân. Lý do vì tay vợt này thường xuyên thi đấu, tập luyện quanh năm suốt tháng, nên cũng chẳng có thời gian nào mà hàn huyên, tâm sự với bạn bè. Ngay cả chuyện tình cảm của Tiến Minh, đến giờ vẫn là một bí mật ít người biết.

Song, tính cách và cả những lý do khách quan không phải là nguyên nhân chính khiến Tiến Minh có vẻ xa lánh báo chí như vậy. Anh tâm sự, mỗi khi mình thắng, báo chí chỉ nói mình thắng tỷ số bao nhiêu, nhận tiền thưởng như thế nào…Thế nhưng khi thua, ngay lập tức nhiều bài báo không viết theo tinh thần xây dựng, thậm chí chỉ trích, phân tích tỷ mỉ vì sao thua. Nào là tâm lý yếu, nào là thể lực kém, chỉ phù hợp với những giải nhỏ, thứ hạng không phản ánh đúng thực lực… 

Sau những nỗ lực quên mình trên sàn đấu, dĩ nhiên chẳng tay vợt nào muốn mình thất bại. Tiến Minh thừa nhận giờ anh gặp rất nhiều khó khăn ở bất cứ giải đấu quốc tế nào vì các tay vợt trẻ tài năng xuất hiện nhiều. Vì thế, việc thua trận trước đối thủ có thứ hạng thấp hơn mình là chuyện bình thường và hầu như tay vợt nào trong tốp 20 cũng từng gặp phải. 

Quan trọng là cách nhìn, cách ghi nhận của báo chí đã không đến nơi, đến chốn. Chính những bài viết đó khiến Tiến Minh thực sự buồn lòng, đâm ra anh có những “nỗi niềm riêng” với báo chí. 

“Có những bài báo nói tôi thắng hay thua chỉ trong 60 phút, nhưng có ai biết trong cầu lông, 60 phút ấy bất cứ tay vợt nào cũng sẽ bị vắt kiệt sức lực. Như trận tứ kết tại giải VĐTG trước tay vợt người Đan Mạch, có lúc hai bên giằng co nhau tới hơn 2 phút, với 108 đường cầu. Sau pha đó, chân tay rã rời, nhưng vẫn phải cố”, Tiến Minh chia sẻ. 

Không sợ bị chê, nhưng Tiến Minh rất sợ những bài báo hiểu sai về anh. Một trận đấu có vô vàn những diễn biến và thắng thua cũng có nhiều nguyên nhân. Đang được tung hê sau kỳ tích, nhưng Tiến Minh ít khi nào trải lòng mình… 

Góc khuất sau kỳ tích của Tiến Minh - 2

Giành HCĐ thế giới, Tiến Minh đã nhận được rất nhiều sự động viên

Giấc mơ SEA Games

Ngay sau khi trở về TP.HCM, Tiến Minh chỉ còn đủ thời gian gặp gỡ gia đình, rồi lại phải thu xếp hành lý để sáng hôm nay (13/8) bay sang dự Cúp các CLB vô địch Ấn Độ mở rộng trong màu áo CLB Pune Vijetas. Đây là CLB đã trả 44.000 USD để chiêu mộ Tiến Minh thi đấu cho họ trong 2 tuần. Sau khi giành tấm HCĐ thế giới, Tiến Minh càng phải nỗ lực hơn nữa để giữ thương hiệu của mình. Dẫu sao thì nghiệp VĐV với anh cùng lắm chỉ 2-3 năm nữa, nên đây là thời điểm Tiến Minh muốn cống hiến trước khi giải nghệ. 

Sau khi hoàn tất chuyến du đấu này, mục tiêu tiếp theo mà Tiến Minh hướng tới chính là cố gắng giành một danh hiệu Super Series và sau đó là HCV SEA Games. SEA Games cũng chẳng khác nào giải VĐTG thu nhỏ, khi những quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore…đều là những cường quốc cầu lông. Tuy nhiên, cứ trước mỗi kỳ SEA Games là Tiến Minh lại có ước mơ cháy bỏng sẽ giành tấm HCV khu vực-tấm huy chương còn thiếu trong bộ sưu tập của anh. 

Hy vọng là với những thành công trong năm nay, Tiến Minh sẽ nhận được sự đầu tư lớn hơn nữa, giúp anh có một hành trang đầy tự tin trước khi lên đường sang Myanmar tranh tài SEA Games cuối năm nay. 

Tiến Minh được đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng nhì

Sau khi giành tấm HC đồng thế giới đầu tiên cho cầu lông Việt Nam ở Quảng Châu - Trung Quốc, Tiến Minh được Tổng cục TDTT đề nghị Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Đây thực sự là một phần thưởng lớn và rất xứng đáng sau những đóng góp không mệt mỏi của tay vợt người TP.HCM. Trước đó, Tiến Minh cũng đã được trao Huân chương Lao động hạng ba vào năm 2011.

Ngoài đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì, Tổng cục TDTT trao tặng 35 triệu đồng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM tặng 41 triệu đồng và  Liên đoàn cầu lông Việt Nam quyết định thưởng nóng 25 triệu đồng. Ngoài ra, Tiến Minh cũng được nhiều doanh nghiệp khác thưởng nóng.

Với tấm HCĐ thế giới, nhiều khả năng Tiến Minh sẽ lọt vào tốp 5 thế giới trong BXH thế giới ít ngày tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN