Trận đấu nổi bật

carlos-vs-grigor
Miami Open presented by Itau
Carlos Alcaraz
-
Grigor Dimitrov
-

Độc hành Federer

Ở giải đấu đầu tiên khi chia tay với HLV Annacone, Federer đã lần đầu tiên đi tới trận chung kết của một giải đấu kể từ tháng 6.

Một Basel không tồi

Trận chung kết Basel lần này đã chứng kiến một Federer tỏa sáng ở những game cuối của set đấu thứ nhất khi anh đưa Del Potro vào loạt tiebreak, rồi ở cả set đấu thứ hai khi anh chơi thứ tennis gần như hoàn hảo.

Điều này giúp cho trận thua của Federer vẫn toát lên nét tích cực dù cho anh không thể tiến gần tới một chiến thắng giống như anh từng làm trước Nadal ở Cincinnati – giải Masters 1000 diễn ra ngay trước thềm US Open hồi tháng 8.

Cũng cần phải nói rằng đó trận chung kết đầu tiên của Federer kể từ sau khi anh đoạt chức vô địch ở Halle – giải ATP 250 điểm khởi động cho Wimbledon hồi tháng 6.

Độc hành Federer - 1

Giải đấu đầu tiên không có Annacone, Federer đã đi đến chung kết

Và đó là cột mốc đầu tiên của một Federer không còn HLV một cách thực thụ sát cánh nữa. Basel là giải đấu đầu tiên sau khi huyền thoại người Thụy Sĩ chia tay với HLV Annacone - quyết định được đưa ra sau khi anh thất bại ngay từ vòng ba Masters Thượng Hải (thua Gael Monfils).

Một Federer độc hành

Vậy là Federer đã trở lại với tình trạng độc hành, giống như mười năm về trước, khi anh chia tay với HLV Peter Lundgren, người đã dẫn dắt anh trong những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp chuyên nghiệp huy hoàng.

Chỉ có sự khác biệt ở đây là nếu như chục năm trước, Federer chia tay với Lundgen ngay khi anh vừa leo lên đỉnh vinh quang (vô địch Wimbledon 2003 – Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp), thì cuộc chia tay này là để khép lại một quãng thời gian đầy thất vọng và hoài nghi, dù cho trong suốt ba năm rưỡi qua Federer đã làm được hai điều: vô địch một Grand Slam và trở lại ngôi vị số 1 thế giới trong quãng thời gian đủ dài để thiết lập kỷ lục số tuần đứng vị trí số 1 trong lịch sử.

Nhưng một câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Federer có thể thành công khi đơn độc trong quãng đường còn lại của sự nghiệp mà chúng ta tin rằng anh chỉ đặt ra một mục tiêu: gác vợt sau khi giành được thêm một Grand Slam nữa?

Mười năm trước, khi chỉ mới 23 tuổi, Federer đã làm thế giới kinh ngạc bằng việc giành ba Grand Slam trong năm 2004 mà không có HLV.

Anh đăng quang ở Australian Open, Wimbledon và US Open trong khi chỉ có các HLV thể lực và chuyên gia xoa bóp cơ bắp đi kèm ở các giải đấu đó. Sự trợ giúp về chiến thuật duy nhất trong giai đoạn này đối với Federer là anh thi thoảng gọi điện cho Reto Staubli, một HLV không mấy nổi tiếng nhưng lại có ảnh hưởng lớn với Federer thuở niên thiếu. Có hai sự tham vấn đáng kể nhất mà người ta ghi nhận được giai đoạn này từ Staubli dành cho Federer là trước thềm Australian Open và khi trận chung kết Wimbledon bị gián đoạn vì trời mưa trong khi Federer cực kỳ bối rối với cú serve của Roddick.

Federer còn từng có một quãng thời gian khác cũng không có HLV sau khi anh chia tay với Tony Roche sau hơn hai năm gắn bó, từ 2005-2007.

Quãng thời gian không HLV lần thứ hai như vậy kéo dài gần ba năm, từ cuối 2007 cho tới tháng 6-2010. Giai đoạn này anh không còn thống trị tuyệt đối tennis thế giới nhưng Federer vẫn giành được bốn Grand Slam, trong đó lần đầu tiên đăng quang ở Roland Garros, trở thành người thứ hai trong suốt hơn hai thập kỷ, sau Nadal, giành được Grand Slam trên đất nện và sân cỏ trong cùng một năm, và vượt qua Pete Sampras ở tổng số Grand Slam giành được (16 so với 14).

Độc hành Federer - 2

Liệu Federer có thể thành công tại Paris Masters mà không có HLV?

Cũng trong giai đoạn này, Federer dù thuê Severin Luthi trợ giúp cho anh trong 35 tuần của năm 2008, nhưng sự hợp tác này không đủ để gọi là HLV. Luthi không phân tích đối thủ, không xây dựng chiến thuật cho Federer trước mỗi trận đấu.

Suốt từ đó tới nay, Luthi vẫn được Federer trả lương theo tuần, nhiều thời điểm cùng tham gia công tác huấn luyện với Annacone, hoặc là người đi cùng Federer tại các giải đấu, nhưng Luthi chưa bao giờ được nhìn nhận là HLV cả.

Federer vẫn tự nhận anh là người tự quyết về chiến thuật, đơn phương giải quyết các vấn đề trên sân mà việc Federer hầu như không bao giờ ngước nhìn lên khán đài để tìm HLV ra ám hiệu đã nói lên tất cả.

Thử thách bây giờ lớn hơn

Nhưng chẳng ai dám khẳng định Federer không HLV sẽ lại gặt hái được thành công, hoặc chính xác hơn, là đạt được mục tiêu mà chúng ta có thể ngầm hiểu là anh muốn giành được thêm một Grand Slam nữa rồi gác vợt.

Một điều không cần bàn cãi và chúng ta cũng đã nói quá nhiều rồi, là các đối thủ của Federer đang đạt tới độ chín của sự nghiệp, cực kỳ ổn định (Nadal, Djokovic và Murray thay nhau giành Grand Slam), và bất cứ ai trong top 10 thế giới hiện nay cũng đều có thể đánh bại được Federer (cả năm nay, anh chỉ thắng được một trận trước top 10 khi gặp Tsonga, còn lại thua bảy).

Câu hỏi cụ thể hơn ở đây và có thể là chìa khóa mở ra vấn đề là liệu Federer có cần thuê một HLV khác để đi nốt chặng đường còn lại?

Federer được gọi là “Mr. Perfect” – một người hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Thế nên anh không cần người chỉnh sửa cho anh động tác dù cho đôi khi anh vẫn quên nhún gối thi thực hiện cú trái tay.

Nhưng Federer lại cần được tư vấn để có những quyết định chính xác từ khâu xây dựng lịch thi đấu cho tới lối đánh trong từng thời điểm, và trước từng đối thủ. Nhất là trong suốt một năm qua, chúng ta thấy Federer còn bộc lộ điều anh chưa bao giờ thể hiện, là trạng thái tâm lý.

Thời gian bây giờ là kẻ thù với Federer. Anh hầu như không có cơ hội để sửa chữa các sai lầm, như việc chọn sai thời điểm để thử cây vợt mới (sau Wimbledon), chọn tham dự các giải thiếu ý đồ (thi đấu hai giải đất nện để chuẩn bị cho giai đoạn quyết định nhất của mùa sân cứng), quá say mê các tour đấu biểu diễn giữa hai mùa giải – những điều đã góp phần khiến Federer đang phải trải qua mùa giải tệ hại nhất kể từ 2003.

Chỉ có điều, Federer lại có quá ít sự lựa chọn khi tuyển HLV cho mình. Trường phái tennis của anh giờ đây là thiểu số. Hàng ngũ HLV hàng đầu của tennis – những người có đủ khả năng để Federer phải lắng nghe ngày càng cạn.

Sự lựa chọn khả dĩ nhất là Darren Cahill, một HLV người Australia (Federer luôn có duyên với các HLV Australia) thì ông lại đang thuộc quyền sở hữu của Adidas (có trách nhiệm tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho các tay vợt dùng đồ Adidas) còn Federer lại ký hợp đồng suốt đời với Nike.  Federer trên thực tế đã từng gõ cửa nhà Cahill trước khi gặp Annacone (lúc đó đang làm cho Liên đoàn tennis Anh), nhưng bị khước từ!

Độc hành Federer - 3

Rõ ràng Federer cần thêm một HLV thể lực nữa

Hãy tìm một HLV thể lực nữa

Paris Masters đang diễn ra tuần này là giải đấu thứ hai của Federer không có HLV. Mục tiêu của Federer là giành tấm vé tham dự giải Tám cây vợt xuất sắc cuối mùa ở London tới đây. Anh chỉ cần thắng trận đầu tiên là đạt mục đích

Đó sẽ là sự kiểm chứng thêm một lần nữa về khả năng tự giải quyết vấn đề, tự dẫn dắt bản thân của Federer.

Lần ở Basel, như đã nói, là một kết quả không tồi. Thậm chí, nó còn chứng tỏ Federer có thể mở ra những tia hy vọng từ việc cải thiện thể lực. Nếu tính cả chung kết, Federer đã chơi ba trận kéo dài ba set mà không rơi vào trạng thái đuối sức, khả năng đôi công ở cuối sân tốt hơn, và các cú bung trái có điểm tiếp bóng cũng chuẩn xác hơn. 

Thế thì, thay vì tìm một HLV chuyên môn, tìm thêm một HLV thể lực nữa sát cánh cùng với Pagnini – người đã huấn luyện thể lực cho Federer hơn một thập kỷ qua mới là việc cần làm, nếu khát vọng trong anh giờ lại cháy bỏng! 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN