Trận đấu nổi bật

joao-vs-radu
Tiriac Open
Joao Fonseca
2
Radu Albot
0
taylor-vs-alejandro
BMW Open
Taylor Fritz
2
Alejandro Moro Canas
0

Báo động được chưa, Vũ Thị Hương?

Phong độ sa sút của Vũ Thị Hương trong thời gian qua là một vấn đề cần thiết phải làm rõ trong bối cảnh điền kinh VN chưa tìm được gương mặt khả dĩ có thể thay thế ở cả hai cự ly 100m và 200m nữ.

Kể từ Asian Games 16 (Quảng Châu, Trung Quốc), thành tích của Vũ Thị Hương liên tục đi xuống. Cụ thể, ở giải đấu trên, Vũ Thị Hương đã giành HCĐ với thời gian 11 giây 43. Nhắc lại một chút là thành tích cao nhất Vũ Thị Hương từng đạt được ở cự ly này là 11 giây 30, hơn cả thành tích của VĐV giành HCV Asiad 16, Fukushima (Nhật Bản) là 11 giây 33.

Cho đến SEA Games 26 (Indonesia), Vũ Thị Hương đã gây “sốc” khi không bảo vệ được vị trí số 1 ĐNA. VĐV người Thái Nguyên chỉ về thứ 3 với thời gian 11 giây 73, đứng sau Nongnuch (Thái Lan) và Unani (Indonesia) cùng có thời gian 11 giây 69. Không chỉ mất ngôi vị “nữ hoàng” cự ly 100m, Vũ Thị Hương cũng trượt nốt tấm HCV ở cự ly 200m.

Báo động được chưa, Vũ Thị Hương? - 1

Vũ Thị Hương (phải) sa sút phong độ vì chấn thương kéo dài hay còn có nguyên nhân nào khác?

Grand Prix châu Á 2012 vừa diễn ra tại Thái Lan tiếp tục đánh dấu chu trình đi xuống của Vũ Thị Hương khi cô thất bại với mục tiêu đạt chuẩn Olympic London 2012 ở cả ba chặng đua. Đáng nói là nếu như ở hai chặng đầu tiên, Vũ Thị Hương còn trụ được ở mốc thời gian 11 giây 79 và 11 giây 70 thì đến chặng ba, thông số này giảm xuống 12 giây 4.

Bản thân HLV Nguyễn Đình Minh khi đề cập đến phong độ sa sút của học trò cũng chỉ nêu ra được những nguyên nhân khách quan: giải đầu mùa trong năm, quãng đường di chuyển xa giữa các địa điểm thi đấu, điều kiện thời tiết bất thuận hay tâm lý thi đấu ảnh hưởng do thất bại ở SEA Games 26…Về mặt chuyên môn, vẫn chưa có một báo cáo chi tiết nào được BHL đội tuyển điền kinh VN gửi lên lãnh đạo Liên đoàn cũng như Bộ môn điền kinh, theo như tìm hiểu của TT&VH.

Câu hỏi đặt ra, liệu Grand Prix châu Á 2012 đã phải là điểm đáy trong chu kỳ đi xuống của Vũ Thị Hương hay chưa, và vì sao?

Cần nhắc lại là ở thời điểm trước khi sang Indonesia tham dự SEA Games 26, cả HLV Nguyễn Đình Minh và Vũ Thị Hương đều tỏ ra rất tự tin vào khả năng bảo vệ thành công ngôi vị số 1 ở hai cự ly 100m, 200m nữ. Chấn thương của Vũ Thị Hương cũng được khẳng định đã hoàn toàn bình phục. Tuy nhiên, thực tế SEA Games 26 cũng như Grand Prix châu Á đã diễn ra hoàn toàn không như những gì người trong cuộc phát biểu. Nói thêm một chút là ở thời điểm trên, đã có ý kiến đề nghị Tổng cục TDTT yêu cầu BHL đội tuyển điền kinh báo cáo cụ thể tình hình chữa trị chấn thương của Vũ Thị Hương, bao gồm việc phải có chụp phim, đánh giá của bác sỹ…Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đề nghị trên không được thực hiện. Cho đến nay, ngoài các phát biểu của HLV Nguyễn Đình Minh và Vũ Thị Hương, Liên đoàn cũng như Bộ môn điền kinh chưa trình được chứng thực cụ thể nào về chấn thương của VĐV người Thái Nguyên. Một câu chuyện thấy rất cần phải kể lại là trước khi tham dự SEA Games 26, Trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy đã từ chối chịu trách nhiệm đối với thành tích của Vũ Thị Hương. Lý do theo ông Thủy là bởi không được báo cáo cũng như nắm chính xác tình hình của VĐV.

Điều đáng buồn là trong hoàn cảnh hiện nay, khi thành tích của các VĐV đang có dấu hiệu đi xuống, Liên đoàn điền kinh VN (LĐĐK) dường như lại có chiều hướng “bế quan” với báo giới. Câu trả lời thường trực của TTK Hoàng Mạnh Cường mỗi khi được báo chí liên lạc là không được phép phát ngôn do vướng quy chế. Không hiểu quy chế của LĐĐK hình thù như thế nào và được đặt ra nhằm mục đích gì, hay những người có trách nhiệm lại đang muốn né tránh trách nhiệm?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩnh Xuân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN