Trận đấu nổi bật

felix-vs-andrey
Mutua Madrid Open
Felix Auger-Aliassime
-
Andrey Rublev
-

ASIAD 19 và kỳ vọng của ngành Thể thao

Sự kiện: Asiad 2023

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19 ở Trung Quốc (từ ngày 23/9 đến 8/10/2023) với 337 VĐV đến từ hàng chục tỉnh, thành, ngành. Không chỉ lãnh đạo ngành Thể thao, Đoàn Thể thao Việt Nam mà chính các tỉnh, thành, ngành cũng rất kỳ vọng vận động viên (VĐV) của mình đặt dấu ấn trong kỳ ASIAD được dự báo đầy tính cạnh tranh sắp tới.

Đông nhất, kỳ vọng lớn nhất

Theo danh sách Đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 19, chưa kể số VĐV của đội tuyển bóng đá nam, nữ sẽ công bố trong thời gian tới, đến lúc này thể thao Hà Nội đã đóng góp ít nhất  82 VĐV ở 25 môn. Đây là số VĐV thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội và một số đơn vị trên địa bàn như Hà Nội T&T (bóng bàn), Hóa chất Đức Giang (bóng chuyền nữ). Ngoài ra, cũng có một số VĐV của Hà Nội tham dự theo diện xã hội hóa, không phụ thuộc ngân sách Nhà nước.

Các vận động viên Hà Nội và CAND góp mặt ở đội quyền (karate) tham dự ASIAD 19. Ảnh: Quý Lượng

Các vận động viên Hà Nội và CAND góp mặt ở đội quyền (karate) tham dự ASIAD 19. Ảnh: Quý Lượng

Đó là điều tự hào của những người làm thể thao thành tích cao của Hà Nội bởi thành phần VĐV như vậy cũng chứng tỏ sự phát triển đều cả ở mảng phụ thuộc vào ngân sách cũng như mảng xã hội hóa. Và với số lượng VĐV như vậy, Hà Nội đóng góp nhiều VĐV nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19. Đồng thời, tiếp tục duy trì được “cái nếp” đóng góp nhiều nhất VĐV cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ ASIAD hay SEA Games trong nhiều năm qua.

Tất nhiên, những người làm thể thao Hà Nội cũng hiểu rằng, đã đóng góp đông VĐV nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam thì cũng phải bảo đảm được chỉ tiêu huy chương, đặc biệt về HCV. Trên thực tế, cũng phải đến năm 2014, thể thao Hà Nội mới có VĐV giành HCV cá nhân tại ASIAD trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam. Năm ấy, võ sĩ Dương Thúy Vi lên ngôi vô địch ở nội dung biểu diễn môn Wushu, trở thành VĐV đầu tiên của thể thao Hà Nội giành Huy chương vàng ở ASIAD.

Trước đó, những nhà quản lý thể thao Hà Nội vẫn luôn đau đáu với mục tiêu giành HCV ở sân chơi ASIAD, đặc biệt sau khi đã giành vị thế hàng đầu ở Đại hội Thể thao toàn quốc trong nhiều kỳ hay đóng góp nhiều nhất về số VĐV giành HCV ở SEA Games. Thể thao Hà Nội luôn sẵn sàng chung tay tối đa với Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để thực hiện mục tiêu này và trên thực tế đã cùng đầu tư không ít kinh phí. Và cũng phải đến ASIAD năm 2014 ở Hàn Quốc, những người có trách nhiệm với thể thao Hà Nội cũng được toại nguyện với tấm HCV Dương Thúy Vi.

Đến ASIAD 18 năm 2018, thể thao Hà Nội tiếp tục có VĐV ghi tên trên bảng vàng ở sân chơi này khi Bùi Thị Thu Thảo giành tấm HCV nội dung nhảy xa nữ với thành tích 6m55. Đó là tấm HCV được coi là còn “quý hơn vàng” khi thuộc môn cơ bản nhất ở chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD. Cũng phải kể thêm, cho đến trước năm 2018, thể thao Việt Nam chưa từng có VĐV giành HCV ở các môn cơ bản nhất của sân chơi Olympic là điền kinh, bơi. Vì thế, có thể xem đó là thành công lớn nhất của thể thao Hà Nội tại sân chơi ASIAD, bởi bên cạnh nỗ lực của VĐV, HLV còn là dấu ấn của những nhà quản lý thể thao Hà Nội, cùng sự chung tay với ngành Thể thao.

Đến kỳ ASIAD 19 này, với 82 VĐV góp mặt trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam ở 25 môn, thể thao Hà Nội cũng kỳ vọng có VĐV đóng góp ít nhất 1 HCV. Có thể nhà vô địch ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo khó so cửa tranh chấp HCV khi thành tích chựng lại trong thời gian gần đây, nhưng ở những môn như cầu mây nữ (nội dung đồng đội 4 người), karate (đồng đội nữ biểu diễn quyền), cờ tướng… thể thao Hà Nội đang đóng góp những VĐV chủ lực. Đó cũng là những nội dung mà thể thao Việt Nam có thể tranh chấp HCV ở ASIAD tới. Thế nên, chỉ riêng việc đóng góp VĐV ở những nội dung này đã cho thấy chất lượng của vận động viên Hà Nội vẫn được duy trì.

Tất nhiên, không chỉ tranh chấp huy chương ở sân chơi ASIAD, thể thao Hà Nội còn kỳ vọng có VĐV giành vé dự Olympic năm 2024 thông qua thành tích thi đấu ở ASIAD 19 tới.

Cho nên như chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng, kỳ thi đấu tại ASIAD tới không chỉ mang đến thách thức lớn cho thể thao Việt Nam mà còn với cả những người làm thể thao Hà Nội. Để vượt qua điều đó, thể thao Hà Nội vẫn sẽ nỗ lực hết mình để chung tay với ngành Thể thao đầu tư cho VĐV Hà Nội trong thành phần dự ASIAD 19 như đã từng làm trong nhiều năm qua.

Không thiếu kỳ vọng

Với những tỉnh, thành, đơn vị khác, dù đóng góp ít VĐV hơn trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 19 so với Hà Nội nhưng vẫn đầy kỳ vọng vào việc có VĐV giành huy chương.

Trong đó, thể thao TP Hồ Chí Minh đóng góp 56 VĐV (chưa kể bóng đá nam, nữ) trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 19. Gương mặt sáng giá của thể thao TP Hồ Chí Minh là tay chèo Hồ Thị Lý (thành viên đội thuyền rowing nữ bốn người giành HCV tại ASIAD 18-2018). Tuy nhiên, tại ASIAD 19, nội dung thuyền bốn nữ không trong chương trình thi đấu nên Hồ Thị Lý thi đấu nội dung khác. Dù vậy, với các VĐV khác ở các môn cờ tướng, thể dục dụng cụ, cờ vua, bắn súng..., thể thao TP Hồ Chí Minh cũng hy vọng đóng góp số huy chương nhất định cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Còn thể thao lực lượng vũ trang gồm Quân đội và Công an nhân dân cũng có kỳ vọng nhất định ở ASIAD 19. Thể thao Quân đội đang có gương mặt sáng giá nhất là Hà Minh Thành (bắn súng) hay Nguyễn Thúy Hiền (bơi) sẽ dự ASIAD 19.

Trong khi đó, thể thao CAND dù có 5 tuyển thủ (chưa kể bóng đá nam) dự ASIAD 19 nhưng đa số đều ở các nội dung có thể tranh chấp HCV như nội dung biểu diễn quyền (karate), đồng đội 4 người (cầu mây nữ). Bên cạnh đó, thể thao CAND cũng đóng góp xạ thủ Trịnh Thu Vinh – vừa giành được suất trực tiếp dự Olympic 2024. Nếu xét về tỷ lệ VĐV trên số nội dung có thể tranh chấp HCV ở ASIAD 19 thì thể thao CAND thuộc diện hàng đầu trong các tỉnh, thành, ngành. Đó cũng là câu chuyện “ít nhưng tinh” mà thể thao CAND lựa chọn từ nhiều năm qua. Cũng nhờ đó, thể thao CAND mới có VĐV giành HCV ở ASIAD 18 (võ sĩ Nguyễn Văn Trí – môn Pencak Silat).

Không riêng kỳ ASIAD này mà ở các kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic trước đây, các đơn vị cũng đều mong muốn đóng góp tối đa VĐV cũng như huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Bởi rõ ràng, những tấm huy chương mà các VĐV giành được có giá trị chuyên môn và tinh thần to lớn, không chỉ là sự tự hào của thể thao Việt Nam mà còn là của các đơn vị chủ quản. Đó còn là động lực và cũng đánh giá, tác động vào định hướng đầu tư của các đơn vị.

Vẫn đợi thưởng nóng

Cho đến trước khi Đoàn Thể thao Việt Nam xuất quân dự ASIAD 19 (ngày 16-9), vẫn chưa có thông tin chính thức về mức thưởng nóng cho VĐV Việt Nam giành huy chương tại ASIAD 19. Hiện tại, công tác vận động tài trợ cho Đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 19 cũng gặp khó khăn nên đây lại là bài toán khó cho Đoàn. Dù vậy, các VĐV vẫn sẽ nhận được những mức thưởng lớn từ các tỉnh, thành, ngành nếu giành huy chương tại ASIAD 19. (Minh Khuê)

Nguồn: [Link nguồn]

U23 Việt Nam ”chốt” danh sách dự ASIAD, HLV Hoàng Anh Tuấn giữ kín mục tiêu

Sáng ngày 15/9, HLV Hoàng Anh Tuấn đã có những chia sẻ với truyền thông trước khi U23 Việt Nam chính thức lên đường tham dự ASIAD 19 ở Hàng Châu, Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Asiad 2023 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN