Tỷ giá không lấy dao mổ kiến

Giá đô la trên thị trường tự do sau thời gian ngủ yên bất ngờ tăng vọt, động thái điều giá mua vào bán ra của các ngân hàng thương mại khiến người ta càng nghi ngại hơn về khả năng điều chỉnh tỷ giá sẽ xảy ra. Tỷ giá có điều chỉnh không và vì sao lại như vậy?

Giá đô la tăng- vì đâu?

 

Giá USD ngân hàng ngày hôm nay (12/5) đã duy trì ổn định hơn tuần trước. Vietcombank báo giá ngoại tệ này ở mức 21.080 đồng (mua vào) giảm nhẹ 5 đồng/USD và 21.120 đồng giảm 10 đồng/USD (bán ra) so với ngày 9/5. Eximbank niêm yết giá USD ở các mức tương ứng lần lượt là 21.060 đồng và 21.120 đồng giảm 10 USD… cùng thời điểm, giá đô la trên thị trường tự do giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể khi liên hệ. tại một số điểm giao dịch báo giá USD ở mức 21.120-21.130 đồng (mua vào) và 21.150-21.160 đồng (bán ra), bằng với mức giá vào cuối tuần và cao nhất trong nhiều tuần trở lại đây.

Đánh giá về diễn biến này của thị trường tự do, khối các nhà băng không mấy tỏ ra lo ngại. Theo phân tích chung của họ đến thời điểm này, giá USD tự do không được coi là thước đo sức mua của thị trường. “Mức độ ảnh hưởng của thị trường này đang bị thu hẹp. Việc cung – cầu tăng trong vài ngày qua có thể là nguyên nhân “đẩy” tỷ giá nhích lên/” - Phó tổng giám đốc một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội nhận xét. Cũng theo ông, điều này hoàn toàn phù hợp xu thế thị trường. 

“Các DN bắt đầu tăng cường vay nhiều hơn nhập khẩu hàng hóa kinh doanh khi tín hiệu cầu nền kinh tế bắt đầu cải thiện. Biểu hiện rõ nét, tín dụng của hệ thống NH đang tăng trở lại tháng sau cao hơn tháng trước.”- Vị này phân tích.

Tỷ giá không lấy dao mổ kiến - 1

Năm 2014 tỷ giá điều chỉnh không quá 1%

Thống kê mới đây từ Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN cũng chỉ ra: Đến thời điểm này vị thế của VND đang được khẳng định và biểu hiện rõ nét qua tiền gửi bằng VND tăng mạnh, trong khi tiền gửi bằng USD giảm mạnh. Nói cách khác, đồng USD đã giảm bớt sự hấp dẫn trong mắt dân cư. Cụ thể hơn, tính đến 22/4/2014, huy động tiền USD giảm tới 3,98%, trong khi hầu hết thời gian năm 2013 đều tăng ở mức độ hai con số, thậm chí cuối 2013 có thời điểm tăng gần 19%.

Hỗ trợ nông nghiệp qua tỷ giá- Có nên?

Một lãnh đạo Viện CIEM bày tỏ, chưa bao giờ người nông dân lại khó khăn như bây giờ. Được mùa mất giá, được giá mất mùa. Họ chỉ trông chờ vào hàng xuất khẩu nông sản. Nếu duy trì tỷ giá như vậy, theo TS Đặng Kim Sơn thì không riêng nông nghiệp mà các ngành hàng xuất khẩu khác đều không có hiệu quả. Việc điều chỉnh mức nhỏ thôi sẽ giúp toàn bộ XH có động lực thúc đẩy xuất khẩu.

Việc tỷ giá đồng loạt tăng ngay sau khi có tin tốt (lãnh đạo NHNN công bố Việt Nam đăng đàn tuyên bố dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức kỷ lục - 35 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay) khiến cho giới đầu tư khá bất ngờ. Nguyên nhân chính được chỉ ra: Rất có thể do hiệu ứng tâm lý từ một số đề xuất của giới chuyên gia liên quan đến việc nên linh hoạt điều chỉnh tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu. Sau biến động tỷ giá mấy ngày qua, phía cơ quan quản lý đã lên tiếng tái khẳng định quan điểm trong năm 2014 tỷ giá điều chỉnh không quá 1% và doanh nghiệp có thể yên tâm làm ăn.

Tuy nhiên, phân tích của một chuyên gia khác đã đề nghị cần chứng minh có căn cứ việc phá giá VND sẽ giúp giá trị xuất khẩu tăng đột biến. Về câu chuyện này, TS Cấn Văn Lực dẫn chứng: Mối liên hệ giữa tỷ giá với xuất khẩu ngày càng yếu. Đơn cử điển hình như năm 2011, tỷ giá tăng 9,7% nhưng nhập khẩu vẫn tăng 25%. Soi vào cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều thay đổi khi yếu tố nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm rất lớn. Việc phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu được nhận định không phải là cách làm thông minh.

“Bài toán tỷ giá phải xử lý trên cơ sở hài hòa các bài toán khác trong nền kinh tế. Việc lấy con dao tỷ giá của cả đất nước giải quyết vấn đề con kiến là không ổn chút nào” -Vị này nhấn mạnh. Do đó, giải pháp hỗ trợ xuất khẩu trong thời điểm này không phải là phá giá đồng VND.

Mức tăng 5 - 10 VND/USD những ngày qua không thể là áp lực để nghĩ đến chuyện phải điều chỉnh tỷ giá. Về vấn đề này, một lãnh đạo Công ty dệt may xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội cũng chia sẻ: “Phải nói là thông điệp điều hành tỷ giá của NHNN ngay từ đầu năm gia tăng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Cũng nhờ thế, chúng tôi đã yên tâm xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn mà lo sợ biến động rủi ro về tỷ giá có thể bất ngờ xảy ra gây mất tiền oan cho doanh nghiệp như trước đây”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN