Tiền vẫn ngoài tầm tay doanh nghiệp BĐS

Thoạt nhìn qua các con số, có vẻ như doanh nghiệp (DN) đang “bội thực” vốn sau việc ngân hàng mở hầu bao. Nhưng trên thực tế, DN bất động sản vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Bên lề Hội thảo “Thị trường bất động sản - Giải pháp và cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng” tổ chức ngày 12/9 tại Hà Nội, TS. Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế tài chính, Bộ Tài chính) đưa ra con số dư nợ cho vay bất động sản, cho vay xây dựng cuối năm 2011 lên tới hơn 348.000 tỷ đồng.

“Nếu tính thêm gói các ngân hàng cho vay bất động sản 20.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay bất động sản đã đạt tới hơn 350.000 tỷ đồng. Muốn cứu nền kinh tế, cứu doanh nghiệp, thì phải ‘tháo chốt’ từ chính tín dụng bất động sản”, ông Ánh cho biết.

Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng lạc quan cho rằng, thị trường bất động sản đang có những khuynh hướng nguồn vốn tích cực cho thị trường.

Nguồn vốn mà ông Mai “trông chờ” chính là việc Chính phủ cho phép sử dụng 30.000 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2013 và vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2013 - 2015 trong năm 2012 nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và kích thích tăng tổng cầu. Thứ hai là, nguồn vốn từ các ngân hàng có lãi suất cho vay tiếp tục hạ. Báo cáo của 69 tổ chức tín dụng cho thấy, có 71% các khoản vay cũ được hưởng mức lãi suất 15%/năm và các khoản vay mới có mức lãi suất 10 - 15%/năm (giảm 60% so với tỷ lệ vay trước ngày 15/7/2012). Tiếp theo là nguồn vốn từ các quỹ nhà ở kích thích nguồn cầu, quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản.

Ông Phạm Huy Thông, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngoài gói cho vay 5.000 tỷ đồng, từ ngày 22/8/2012, VietinBank triển khai song song gói cho vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất 8,95%/năm, đồng thời hạ điều kiện cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn.

Hàng loạt động thái nới tín dụng, hạ lãi suất cũng như điều kiện vay vốn của ngân hàng, nhưng trên thực tế, phần lớn DN không tiếp cận được nguồn vốn này.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành cho biết, DN bất động sản rất khó tiếp cận nguồn vốn vay và nếu tiếp cận được, thì lãi suất cũng lên tới 17 - 18%/năm, chứ không phải 12 - 13% như quy định.

Còn theo TS. Trần Kim Chung (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), nguyên nhân chính của tình trạng này là, hệ thống ngân hàng đang tái cấu trúc. Điều này có nghĩa là, hệ thống ngân hàng cần phải có tiền để chi phí cho quá trình tái cấu trúc, vì thế, chưa thể có nhiều nguồn lực cho bất động sản.

Nhiều DN cũng cho biết, nguyên nhân khiến DN bất động sản khó vay vốn là do vướng các khoản nợ cũ, nợ xấu, nợ dài hạn từ chính hệ thống ngân hàng. Vì vậy, DN không thể lọt qua quá trình thẩm định khắt khe của hệ thống ngân hàng.

“Nếu không tiếp tục được nhồi vốn, mọi thứ sẽ lửng lơ, dự án không được hoàn thiện và không có sản phẩm để bán, để thu hồi vốn, trong khi nợ cũ thì vẫn tồn đọng”, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định.

Để giải quyết bài toán cấp vốn cho DN, nhưng vẫn đảm bảo dư nợ tín dụng ở ngưỡng hợp lý, theo TS. Trần Kim Chung, một trong những giải pháp là cần sớm triển khai ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường thế chấp thứ cấp (tái thế chấp). Đây là một công cụ quan trọng để tăng luồng tiền đối với thị trường bất động sản nói chung và DN bất động sản nói riêng, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, hệ thống ngân hàng đang nắm giữ nhiều tài sản dưới dạng thế chấp, trong đó có bất động sản. Đồng thời, do các ngân hàng có các hạn mức tín dụng khác nhau và tính thanh khoản cũng khác nhau. Vì vậy, để luân chuyển luồâng tiền, cũng như các tài sản thế chấp, hệ thống thế chấp thứ cấp cần được đưa vào thực tiễn.

Ông Phan Thành Mai cũng kiến nghị, các ngân hàng cần sớm tập trung xử lý giãn nợ cho DN bất động sản, chủ động xử lý nợ xấu và hạ “chuẩn” để DN tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cân nhắc giảm kỳ vọng lợi nhuận năm 2012, 2013 để tiếp tục hạ lãi suất, tăng cường cho vay tiêu dùng cá nhân... 

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Đừng nói đến chuyện lãi vào lúc này"

Ông Phạm Huy Thông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

Những khó khăn của thị trường bất động sản hôm nay có lỗi của doanh nghiệp, ngân hàng và cả nhà đầu tư thứ cấp. Doanh nghiệp xây nhà diện tích lớn, giá thành cao, ngân hàng cho vay vốn lãi suất cao và nhà đầu tư thứ cấp tranh thủ ôm hàng, lướt sóng kiếm lợi nhuận cao… Tất cả đều đã và đang phải trả giá cho những sai lầm này.

Việc tái cơ cấu thị trường bất động sản nói đơn giản là sửa chữa sai lầm trong quá khứ, nên đừng đề cập vấn đề kinh doanh có lãi vào lúc này. Mỗi chủ thể chịu trách nhiệm khác nhau về sự suy giảm của thị trường bất động sản cần có những biện pháp mạnh để cải thiện tính thanh khoản của thị trường.

Nhìn thấy vấn đề của thị trường bất động sản, VietinBank đã nghiên cứu triển khai các gói ưu đãi hỗ trợ lãi suất dành riêng cho đối tượng khách hàng vay mua nhà ở. Chương trình ưu đãi tín dụng cho khách hàng với giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng

Giá bất động sản chắc chắn còn giảm”

Ông Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính)

Bi kịch của thị trường bất động sản hôm nay là hệ quả của việc nhà đầu tư không định vị được nhu cầu khách hàng. Trong khi người dân còn nghèo, yêu cầu về nhà ở ở mức thấp, nhà đầu tư lại tập trung quá mức vào phân khúc thị trường cao cấp.

Vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp lúc này là tiếp tục giảm giá bán sản phẩm đến mức phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng. Nhà đầu tư phải chấp nhận thực tế là bán các sản phẩm cũ rẻ hơn, thậm chí bán cả dự án với mức rẻ hơn giá tạo lập để có nguồn tài chính làm dự án mới.

Chấp nhận lỗ để kết thúc chu kỳ đầu tư cũ”

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành

Trong 2 năm vô cùng khó khăn vừa qua của thị trường bất động sản, Đất Lành đã cố gắng tự cứu mình bằng cách giảm giá bán sản phẩm dưới giá thành, giải quyết triệt để hàng tồn, chấp nhận lỗ để kết thúc chu kỳ đầu tư cũ.

Với chu kỳ đầu tư mới, doanh nghiệp tập trung vào sản phẩm giá thấp. Làm nhỏ các sản phẩm nhà ở bằng nhiều cách, như chấp nhận giảm mật độ xây dựng, diện tích xây dựng, giảm tầng xây dựng (15 tầng xuống 12 tầng).

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu và đề xuất thực hiện các biện pháp tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng. Làm sao để các dự án nhà chung cư dưới 18 tầng có thể khống chế chi phí khoảng 5 triệu đồng/m2, bán với giá xấp xỉ 7 triệu đồng/m2 (căn hộ), để đáp ứng nhu cầu ở thực cho người dân, đồng thời tăng cường tham gia chương trình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại….

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Tuấn - Báo Đầu tư
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN