Thứ trưởng Bộ Xây dựng “nói đỡ” cho gói 50.000 tỷ

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, ông hết sức ủng hộ gói 50.000 tỷ khi gói này vừa hỗ trợ ngân hàng tăng tín dụng, chống lạm phát lại giảm nợ xấu.

Gói 50.000 tỷ được đưa ra với mục đích liên kết 4 nhà (chủ đầu tư; nhà thầu; nhà tổ chức cung ứng, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD); ngân hàng) tạo nên chu trình khép kín giúp ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, nhà thầu và sản xuất có vốn thi công và sản phẩm ra đời có giá hợp lý tới tay người mua. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam về vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, gói 50.000 tỷ đã gây xôn xao dư luận thời gian gần. Xin ông cho biết quan điểm của ông về gói tín dụng này?

Trước hết, tôi xin nhấn mạnh, nhiều báo chí dư luận băn khoăn hiểu lầm gói này tương tự như gói 30.000 tỷ. Nhà nước chả mất gì, ngân sách không mất gì, không phải hỗ trợ giá, không phải bù lãi suất. Mong muốn của chúng ta là đẩy nhanh tiến độ tín dụng. Tôi nhớ cả 3 kỳ họp Quốc hội vừa rồi Thủ tướng đều chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước là đẩy nhanh giải ngân. Nếu không có dòng tiền đổ vào thì nền kinh tế cũng như cơ thể bị tắc nghẽn mạch máu.

Tôi hết sức chia sẻ với ngành ngân hàng khi vừa quyết tâm tăng tín dụng, chống lạm phát lại phải giảm nợ xấu. Cách thức của gói 50.000 tỷ cộng với sự kết hợp của 4 nhà với nhau thì giải được bài toán ấy thôi. Nhà nước thì không phải mất gì cả mà tự nguyện 4 nhà liên kết với nhau ra được một quy trình khép kín đảm bảo được dòng tiền tiếp tục hướng vào sản xuất, hướng vào xã hội, cụ thể là hướng vào ngành xây dựng, vật liệu, bất động sản, phục vụ cho người dân.

Song song với đó, tín dụng tăng lên mà nợ xấu được đảm bảo, lạm phát giảm đi, hàng hóa được tiêu thụ hơn. Đó là điều rất tốt, không lý gì mà chúng ta không ủng hộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng “nói đỡ” cho gói 50.000 tỷ - 1

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Một trong những lý do mọi người chưa tin tưởng vào gói tín dụng này là vì khoản tín dụng đưa ra rất lớn  - 50.000 tỷ - trong khi ngân hàng đứng ra là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – không phải một ngân hàng lớn. Xin ông cho biết ý kiến của ông về việc này?

Tôi nghĩ là không quan trọng con số bao nhiêu mà quan trọng nhất là phương thức giải ngân. Phương thức này là đúng rồi, mà cách thức triển khai hoạt động, phối hợp giữa các bộ ngành chỉ đạo, rồi sự thực hiện nghiêm túc của các ngân hàng ký kết với nhau và các doanh nghiệp thì hiệu quả nó tốt, dòng tiền được lưu thông. Cái gói này sẽ cộng thêm và to lên.

Các doanh nghiệp thấy hiệu quả sẽ quay sang, ngân hàng thấy hiệu quả sẽ dồn vốn cho vay theo cách này, thị trường hàng hóa có tính thanh khoản cao, khách hàng sẽ mua càng nhiều hàng hóa, thì gói này sẽ to lên. Nếu chúng ta triển khai thực hiện không tốt, phương thức đặt ra không tốt, bản thân các ngân hàng không nghiêm túc, gói này sẽ bé đi. Tôi cho rằng điều quan trọng là phương thức.

Thứ hai, phải nói thêm 1 trong 4 nhà là nhà băng. Nhà băng ở đây không phải 1 nhà băng mà là rất nhiều nhà băng liên thông với nhau.

Ý tưởng liên kết là tốt. Tuy nhiên, gói sản phẩm này chưa giải quyết vấn đề cốt lõi là niềm tin của người tiêu dùng cuối vì không có bản cam kết nào đảm bảo quyền của người tiêu dùng khi nộp tiền cho chủ đầu tư…

Đối với hàng hóa bất động sản trước đây bị mắc một số vấn đề ở các dự án sử dụng sai dòng tiền và thiếu nguồn lực, cho nên bị dở dang, trở đi không lại mà trở lại cũng không xong, mà người tiêu dùng cũng bị mắc tiền ở đó.

Thế nhưng, đối với các dự án có vị trí tốt, có mức độ hoàn thành cao, cơ cấu hàng hóa hợp lý thì người dân vẫn có niềm tin và vẫn tiếp tục nộp tiền. Cho nên, vấn đề ở đây là chúng ta phải đảm bảo dòng tiền cho dự án để dự án được triển khai liên tục, có tiến độ đúng và lấy lại lòng tin cho khách hàng.

Đối với luật pháp, vào kỳ họp 20/5 tới của Quốc hội, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra thảo luận dự thảo Luật nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản. Trong đó, chúng tôi đưa thêm điều khoản để bảo vệ người dân khi nộp tiền mua các dự án bất động sản.

Vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản là vấn đề tồn kho, như Bộ Xây dựng thông báo, số lượng tồn kho đã lên tới hơn 4.000 dự án. Tuy nhiên, đối tượng hướng tới của gói 50.000 tỷ này – chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu xây dựng – lại là nhằm giải quyết nguồn cung của thị trường. Trong khi lượng tồn kho lớn như vậy, lại tăng thêm nguồn cung thì có hợp lý không, thưa ông?

Hiện đang tồn kho hơn 4.000 dự án, tuy nhiên, các dự án này được triển khai ở các mức các nhau. Đánh giá cái tồn kho, tồn đọng, ở đây chúng ta đang có hai nghịch lý trái chiều. Thứ nhất, tồn kho chủ yếu ở các dự án dở dang. Trong 4.000 dự án, chỉ có 2.800 dự án đang giải phóng mặt bằng, nếu cộng thêm các dự án đang xây dựng hạ tầng dở dang là 3.200 dự án đang dở dang. Tồn kho chủ yếu những dự án đang dở dang, chưa thành hàng hóa nên tính thanh khoản thấp.

Thứ hai, đối với một số dự án đã thành nhà, tồn kho ở đây là những hàng hóa có quy mô lớn, diện tích rộng và giá bán cao. Thực tế diễn ra trong năm 2013 và quý 1/2014 chứng minh các căn hộ có quy mô dưới 100 m2, tôi đảm bảo rất khó mua. Các đô thị ở Hà Nội và TPHCM không có. Trong khi đó, các căn hộ diện tích từ 70 – 100 m2 bán rất chạy và hiện nay không còn hàng, đặc biệt, mức giá trên dưới 20 triệu đông/m2 hiện nay cũng không còn hàng.

Cho nên, chúng ta thừa thứ nhất là thừa những dự án dở dang, thứ hai là những dự án hoàn thiện rồi nhưng quy mô và giá cả không thích hợp. Nhu cầu của người dân rất lớn nhưng thiếu là thiếu các dự án đã hoàn thành rồi. Các dự án đang hoàn thiện, xây dựng khoảng 70 – 80% là người ta vẫn mua, thứ hai là quy mô nhỏ và trung bình, giá thích hợp.

Cho nên, việc liên kết nhà 4 bên tốt và hỗ trợ cơ quan Nhà nước ở chỗ, ngân hàng trong quá trình phối hợp cho nhau cùng thẩm định sẽ lựa chọn những chủ đầu tư với các dự án có quy mô, hàng hóa thích hợp, giá cả phải chăng, có tính thanh khoản cao để cho vay, tức là chủ yếu vào các dự án có quy mô căn hộ vừa phải và có giá bán thích hợp, đánh vào nhu cầu thực của người tiêu dùng.

Cho nên, tôi cho gói này là động thái bỏ thêm 20 – 30% nữa thôi vào các dự án người ta đã làm được tới 70 - 80% xong để chết đấy, để dự án đó được đưa vào lưu thông. Cái này tôi cho là có hiệu quả. Chúng ta không phải lo việc nó không hợp lý và tăng thêm nguồn cung. Nguồn cung nó đang như thế rồi.

Xin cảm ơn ông!

Gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu được tung ra từ 1/6/2013. Gói hỗ trợ này dành cho người mua nhà có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng là nhà ở xã hội. Trong đó dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp, 70% cho người mua nhà vay. Đầu năm nay, lãi suất trong gói 30.000 tỷ đồng  giảm xuống 5% năm nhưng mức này vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Do đó, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN