Thống đốc NHNN yêu cầu đổi mới quy trình cho vay

Theo kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý

Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Lê Minh Hưng vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Theo đó, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục nhưng vẫn đảm bảo an toàn phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng cần tích cực cải tiến mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch trên các phương tiện điện tử với tính năng an toàn, bảo mật cao.

Thống đốc NHNN yêu cầu đổi mới quy trình cho vay - 1

Ngân hàng Nhà nước kiên định điều hành tỉ giá VNĐ/USD ổn định theo tín hiệu thị trường

Đặc biệt, NH Nhà nước kiên định điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đồng thời tiếp tục điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm nâng cao vị thế của VNĐ; thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.

Đối với các đơn vị tại trụ sở chính NH Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng yều cầu các đơn vị này chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với các tổ chức quốc tế để tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính, ý nghĩa của Chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia (xếp hạng tín dụng quốc gia; mức độ sẵn có về dịch vụ tài chính; năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho khu vực tư; mức độ tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống tài chính; mức độ phát triển của hệ thống thông tin tín dụng); đồng thời cung cấp thông tin liên quan đến ngành ngân hàng để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực để xếp hạng. Từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng của Chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN