Thêm làn sóng giảm giá căn hộ

Dự báo sẽ có làn sóng giảm giá căn hộ lần thứ tư trên địa bàn TPHCM kể từ năm 2009 đến nay.

Trong khi phần lớn thị trường bất động sản TPHCM vẫn đang trong tình trạng “đóng băng” thì tại khu Nam TP, tình hình lại khác, đang có “cuộc chiến” giành thị phần khách hàng của các dự án.

Ảnh hưởng dây chuyền

Nếu tính đến thời điểm cuối tháng 8-2012, thị trường bất động sản TPHCM đã có đến 3 “làn sóng” giảm giá. “Làn sóng” giảm giá đầu tiên là vào năm 2009. Lúc đó, Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã nổ “phát pháo” hạ giá bán căn hộ, mở đường cho các đợt giảm giá tiếp theo của nhiều dự án khác. Cụ thể, tại dự án Hoàng Anh Riverview ở phường Thảo Điền, quận 2, đơn vị này đã giảm giá 40% căn hộ, từ khoảng 49 triệu đồng/m2 xuống còn khoảng 28 triệu đồng/m2.

Thêm làn sóng giảm giá căn hộ - 1

Một dự án căn hộ tại quận 7 đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Cuối năm 2011, thị trường bất động sản lại một lần nữa chứng kiến hàng loạt dự án căn hộ khác đua nhau giảm giá. Chẳng hạn, dự án An Tiến trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè khi ấy đã phải chấp nhận giảm giá 20% -25%. Đợt thứ 3 là các nhà đầu tư thứ cấp tại hàng loạt dự án như: River View (quận 2), Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè)... sau khi “ôm hàng” đã chấp nhận bán giảm giá từ 20% đến 30% so với giá gốc để cắt lỗ.

Giới kinh doanh bất động sản nhận định đợt tung hàng mới nhất của dự án Thanh Bình cũng của HAGL trên đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7 (ngay chân cầu Kênh Tẽ) vừa công bố có thể kéo theo một đợt giảm giá mới (đợt thứ 4) trên thị trường bất động sản ở khu Nam TPHCM, hoặc chí ít cũng thay đổi mặt bằng giá của các dự án căn hộ khu vực quận 7 hiện nay.

Theo thông tin ban đầu, có 620 căn hộ của dự án này được bán ra với giá dành cho nhà hoàn thiện là từ 20 triệu đồng/m2 trở lên.

Giảm giá để… tự cứu


Trước tình hình HAGL bán căn hộ theo giá mới, nhiều doanh nghiệp dù bề ngoài nói cứng nhưng không khỏi lo ngại vì khó cạnh tranh. Một số chủ dự án ở khu vực này cho biết sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược bán hàng bởi tung ra thời điểm này sẽ rất khó cạnh tranh, còn nếu không dừng được thì chắc chắn phải điều chỉnh giảm giá cho hợp lý.

Bà Võ Thúy Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Novaland, chủ đầu tư dự án Sunrise City, cho biết: “Khi HAGL công bố dự án gần bên mình mà giá chỉ có 50%, đương nhiên chúng tôi bị ảnh hưởng. Tâm lý so sánh từ khách hàng là không thể tránh khỏi. Nếu cạnh tranh về giá là tự giết mình, giải pháp của chúng tôi là làm cho sản phẩm thật tốt và có nhiều gói hỗ trợ kèm theo…”. Bà cho biết Sunrise City cũng vừa tung 50 căn hộ với mức giá 2,7 tỉ đồng/căn (đã có thuế GTGT, giao nhà thô).Khách hàng trả trước 30% giá trị căn hộ, phần còn lại trả góp trong 5 năm không lãi suất, nhà được giao cuối năm 2014.

Nhiều người cho rằng mức giá của HAGL đưa ra dù thấp so với khu vực song vẫn còn quá cao so với mặt bằng thu nhập chung, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn, thị trường nhà đất đóng băng kéo dài, thời gian giao nhà tận năm 2015 nên có thể vẫn chưa thật sự hấp dẫn khách hàng. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, đơn vị ông chấp nhận lãi thấp để thu tiền về sử dụng vào việc khác, hơn là cứ mãi mơ giá trên mây để rồi “ôm” dự án mà “chết”. Cũng theo ông Đức, khách hàng sẽ là người quyết định sự “sống chết” của dự án, bởi thời điểm này bán đắt sẽ chẳng ai mua, còn bán rẻ mà không bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện thì khách hàng cũng sẽ… bỏ chạy.

Dự án “chết” nếu giá vô lý

Theo các chuyên gia kinh tế, cách doanh nghiệp tự cứu mình hay nhất hiện nay là phải hạ giá bất động sản về giá trị thực. Nếu hạ giá bán bất động sản đang có và mua cái khác tốt hơn, phù hợp hơn thì khó có thể bị thiệt. Vấn đề là khi bất động sản hạ xuống, thanh khoản tăng lên thì mới có thể bán cái đang có để mua cái mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Nguyên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN