“Tái cơ cấu ngân hàng như luộc nồi bánh chưng”

"Tái cơ cấu ngân hàng như luộc nồi bánh chưng mất nhiều thời gian chuẩn bị”, đó là nhận xét của TS Lê Thẩm Dương tại Hội thảo tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng sáng nay, 23/10. Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống, ngành ngân hàng đã làm được đáng kể dẫu vẫn còn ngổn ngang.

heo PGS-TS Trần Đình Thiên, sau 4 năm (từ năm 2011 - nay) thực hiện tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng, là khoảng thời gian đầy thử thách tính kiên định và bản lĩnh. Tuy được đánh giá là đã làm được nhiều việc và đạt được nhiều kết quả tích cực rõ rệt nhưng tái cơ cấu ngân  hàng vẫn còn ngổn ngang những vấn đề cần phải  xử lý. Việt Nam từng xảy ra “hội chứng” thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, rồi từ ngân hàng nông thôn phát triển thành ngân hàng đô thị. Vì thế phát sinh nhiều vấn đề,  ẩn sau đó là sở hữu chéo.

“Để tái cơ cấu mà dồn tất cả cả công việc cho ngân hàng là mất công bằng, nhiều việc tái cơ cấu cần phải kết hợp với nhau. Tái cơ cấu ngân hàng không thành công chỉ  khi nếu doanh nghiệp không mạnh lên.”  PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

“Tái cơ cấu ngân hàng như luộc nồi bánh chưng” - 1

Các chuyên gia Hội thảo tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng.

TS Lê Xuân Nghĩa (Chuyên gia tài chính ngân hàng) kể:  năm 2011, bối cảnh nền kinh tế khi đó lạm phát lên tới 20%, giá vàng một ngày có thể tăng giá đến 20 lần. Các ngân hàng lao vào kinh doanh vàng. Thời điểm đó kinh doanh vàng được cho là “con gà đẻ trứng vàng” . Người dân, ngân hàng, doanh nghiệp đổ xô vào kinh doanh vàng, buôn lậu vàng khiến cho dự trữ ngoại tệ giảm từ 23 tỷ USD xuống 7 tỷ USD.

“Thanh khoản bất ổn khiến các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất. Thậm chí đến bà xã tôi ngày nào cũng đi rút tiền ra rồi gửi vào ngân hàng khác để ăn chênh lãi suất. Còn NHNN thì phải đi xe máy để kiểm tra xem ngân hàng nào vi phạm huy động lãi suất. Hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng nguy hiểm thật sự, đặc biệt là những ngân hàng có những ông chủ là các tay buôn bất động sản”, ông Nghĩa thuật lại.

Theo ông Nghĩa, thời gian qua, toàn bộ hệ thống ngân hàng đang dốc toàn lực để xử lý nợ xấu, lập dự phòng rủi ro, nên khả năng sinh lợi thấp, chỉ bằng một nửa bình thường. Trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay, phải coi việc phục hồi khả năng sinh lợi của NHTM là yếu tố được ưu tiên trọng điểm để phục vụ cho quá trình hiện đại hóa

TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận xét:  Đến thời điểm này, các ngân hàng trong diện tái cơ cấu đã có nhiều thành tựu, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 18%, vốn huy động đã tăng 147%, tín dụng tăng 87%, dự phòng rủi ro tăng 146%. Chứng tỏ rằng các ngân hàng đã hoạt động tốt lên rất nhiều.

Ở một góc độ khác, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, để tái cấu trúc thành công, theo kinh nghiệm quản trị của thế giới, chỉ cần làm thiếu 3 cái là chúng ta thua cả trận. 

“Một là chọn vấn đề tái. Chọn nhầm là chết. Hai là thời gian chuẩn bị tái. Đến ¾ thời gian công cuộc tái cấu trúc là dành để chuẩn bị. Giống như luộc một nồi bánh chưng, chuẩn bị mất 50 ngày mà luộc mất có năm ngày thôi. Ba là hành vi tái. Nhìn lại trong 3 năm vừa rồi, thực sự ban đầu có những cái tôi lên tiếng phản đối. Nhưng dần dà, đã chuyển từ phản đối sang cảm phục”-  TS Dương nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng trên thực tế, đến ngày hôm nay, chúng ta đã thành công.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chia sẻ: tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bất ổn về vĩ mô, nguy cơ lạm phát phi mã. Thời điểm ấy, chúng ta đang thực hiện theo Nghị quyết 11 của Chính phủ là siết chặt công chi, tín dụng; giảm tổng cầu để chống lạm phát.

“Thời điểm ấy, khảo sát  tại TP.HCM cho thấy: 33% doanh nghiệp vẫn làm ăn tốt, đóng được thuế, vẫn được vay ngân hàng với mức lãi suất bình thường. Bên cạnh đó 33% các doanh nghiệp đang đợi vay ngân hàng. Số còn lại là doanh nghiệp  xếp vào diện nợ xấu không thể vay được. Vì thế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và TP.HCM đã ngồi lại bàn và triển khai cách thức cho vay với các doanh nghiệp với tên gọi “nối kết doanh nghiệp. Nhờ vậy, tổ chức tín dụng cho vay vừa giải quyết được nợ xấu cũ, vừa thu được nợ mới đúng hạn.”- TS Lịch nói.

Ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện ngân hàng và Tài chính-  Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra một số vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng đó là, Chính phủ nên chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu hệ thống các TCTD, triển khai các biện pháp miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của TCTD được cơ cấu lại. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng sau khi thực hiện mua lại, sáp nhập, hợp nhất; miễn, giảm thuế, phí hợp lý đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. 

Trong bối cảnh đang thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay, TS Trần Du Lịch kiến nghị: từ đầu năm 2016 Ngân hàng nên giảm lãi suất được không? Với lạm phát dưới 2% mà phải vay trung dài hạn 9- 10% thì liệu có thể giảm khoảng 2% xuống 7% được không? Hiện nay, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp lớn nhất là vấn đề lãi suất, có thể giảm lãi suất xuống được không? Chứ không phải vấn đề vay hay được vay nữa".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Sáng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN