Nợ do thẻ tín dụng

Xu hướng sở hữu nhiều thẻ tín dụng, chi tiêu hết hạn mức đang biến nhiều người thành nạn nhân của tín dụng đen ngay trong quan hệ vay mượn với ngân hàng.

Khi ngân hàng (NH) thận trọng cho vay tiêu dùng vì lo ngại nợ xấu, khả năng tiếp cận các gói vay tiêu dùng tín chấp càng hẹp. Biết khách hàng cần tiền chi tiêu, nhiều nhân viên NH mách nước cho họ mở thẻ tín dụng và bắt tay với các dịch vụ chợ đen để xoay tiền mặt.

Dịch vụ đáo hạn thẻ

Hỏi vay vốn một NH thương mại nhỏ có phòng giao dịch trên đường Giải Phóng, TP Hà Nội mà 3 năm trước mình từng có khoản vay tiêu dùng đã tất toán, chị Nguyễn Thị Hương (ngụ quận Hoàng Mai) tỏ ra thất vọng vì NH chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp. Khi biết Hương là khách quen, nhân viên NH này nhiệt tình mách nước cho chị xoay tiền bằng cách mở thẻ tín dụng, anh ta sẽ giới thiệu chỗ nhờ đáo hạn thẻ. “Bây giờ vay tín chấp khó, đi cửa ngách như vậy, chị vẫn vay được tiền khi không có tài sản thế chấp. Chỉ có điều lãi suất hơi cao” - nhân viên này tư vấn.

Nợ do thẻ tín dụng - 1

Dùng thẻ tín dụng tuy khá thuận tiện nhưng khách hàng phải trả lãi suất rất cao. Ảnh: HỒNG THÚY

Theo cách đó, chị Hương mở thẻ tín dụng ở NH với hạn mức gấp đôi thu nhập hằng tháng. Giả sử thẻ có hạn mức 30 triệu đồng, chị có thể rút ngay 30 triệu đồng tiền mặt mà không phải chịu lãi suất trong vòng 45 ngày. Đến ngày đáo hạn, chị phải thanh toán tối thiểu 5% tổng dư nợ (1,5 triệu đồng) cộng với lãi suất 2,5%/tháng (750.000 đồng), tổng cộng 2,25 triệu đồng. Nếu không có tiền trả nợ, chị có thể nhờ dịch vụ đáo hạn. Khi đó, người thứ ba sẽ thay chị đứng trả 30 triệu đồng cho NH vào ngày cuối cùng được miễn tính lãi của kỳ giao dịch đó.

“Điều kiện là tôi phải trả cho người thứ ba lãi suất 3% (900.000 đồng) và đưa thẻ cho người này rút lại số tiền 30 triệu đồng đã ứng ra trả cho tôi. Như vậy, số tiền mà tôi phải thanh toán mỗi kỳ giao dịch ít hơn so với số tiền phải trả NH nhưng nợ gốc 30 triệu đồng vẫn còn nguyên” - chị Hương giải thích.

Lãi suất cắt cổ

Không phải chờ đến sự chắp mối của NH, dịch vụ đáo hạn thẻ có thể dễ dàng được tìm thấy trên các trang mạng xã hội liên quan đến tài chính. Một cá nhân đang rao bán dịch vụ trên mạng muare.vn cho biết dịch vụ này phù hợp với những người đang cần vay nóng, chấp nhận trả lãi cao.

Tính ra, lãi suất NH là 2,5%/tháng nhưng chủ thẻ phải trả cả lãi và dư nợ tối thiểu. Nếu trả chậm sẽ phải chịu phí phạt 2,8%, trả chậm 10-30 ngày sẽ bị xếp vào nợ nhóm 2 khó có giao dịch với NH sau này. Đối với nhiều cá nhân rơi vào hoàn cảnh tài chính khó khăn, khoản thanh toán đến hạn trở nên quá sức thì tìm đến dịch vụ đáo hạn để không phải trả nợ gốc mà vẫn giữ được quan hệ với NH. Còn lãi suất đáo hạn cho các hạn mức thẻ dưới 15 triệu đồng là 3,5%/tháng, 15-50 triệu đồng: 3%, trên 50 triệu đồng: 2,8%.

Nếu chỉ vay tạm một vài tháng thì đây là mức lãi suất có thể chịu đựng được nhưng có những khách hàng không đủ tiền trả nợ gốc NH, tháng nào cũng “ăn đong” nhờ đáo hạn thẻ thì phải chịu lãi suất cắt cổ. Với hạn mức vay 15 triệu đồng, lãi suất một năm là 42% thì sau một năm đáo hạn, chủ thẻ phải trả lãi 6,3 triệu đồng nhưng nợ gốc vẫn còn nguyên. Chẳng hạn, với trường hợp chị Hương, lãi suất phải chịu là 36%/năm. Như vậy mỗi năm, chị phải trả cho người đáo hạn thẻ 10 triệu đồng nhưng vẫn còn nguyên nợ gốc NH 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng trong hợp đồng mở thẻ tín dụng, NH chỉ giao dịch với chủ thẻ nhưng người nộp tiền trả nợ vào tài khoản thẻ có thể là bất kỳ ai. Theo ông Hải, để bên thứ ba thanh toán đáo hạn thẻ là không vi phạm hợp đồng nhưng chủ thẻ phải trả lãi suất cao. Nếu một cá nhân mở nhiều thẻ tín dụng và đều sử dụng dịch vụ này thì có thể kiệt quệ vì tín dụng đen.

Trong thực tế, xu hướng sở hữu nhiều thẻ, chi tiêu hết hạn mức đang biến nhiều người thành nạn nhân của tín dụng đen ngay trong quan hệ vay mượn với NH. Một chuyên gia NH Nhà nước khuyên để sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả, trước hết chủ thẻ phải biết quản lý tài khoản cá nhân. “Nên trả các hóa đơn thẻ tín dụng trước khi đáo hạn để tránh phí chậm trả, tốt nhất là trả toàn bộ dư nợ để không bị tính lãi suất. Đặc biệt, cần tránh rút tiền mặt để né lãi suất cao và giới hạn số lượng thẻ để tránh phải trả nhiều phí” - chuyên viên này khuyến cáo.

Lúc nào cũng mang nợ

Cùng với điều kiện mở thẻ đơn giản, cho vay 45 ngày không tính lãi, NH thường kết hợp với nhà bán lẻ khuyến mãi, giảm giá hoặc tích lũy điểm thưởng cho người chi trả bằng thẻ để khuyến khích chi tiêu… Điều này khiến nhiều người lên cơn “nghiện” mở thẻ để mua sắm, bất chấp khả năng tài chính của mình.

Nhiều ngày nhận được 2-3 cú điện thoại mời mọc, anh Trần Lâm, công tác tại một tờ báo ở Hà Nội, mở thẻ tín dụng ở một NH. Các thẻ tín dụng trước đã được dùng để mua sắm, anh Lâm lên kế hoạch mở thẻ mới để tiếp tục đi du lịch. “Trở thành tín đồ hàng hiệu nhờ thẻ tín dụng nhưng lúc nào tôi cũng mang nợ. Đều đặn tháng vài lần, tôi phải ra NH nộp tiền trả nợ thẻ” - anh Lâm cho biết.

Một đồng nghiệp cùng cơ quan anh Lâm đang phải “cai” thẻ để dứt khỏi nợ nần. “Có lần đi nước ngoài, tôi “mê” quẹt thẻ đến mức nhân viên NH phải gọi điện hỏi “Thẻ của anh vừa tăng dư nợ bất thường, có phải làm mất thẻ không?”, đồng thời cho biết sẵn sàng khóa thẻ để hỗ trợ!” - anh này nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN