Những "bóng ma" nghìn tỷ đắp chiếu: Thêm tên Nhiệt điện Thái Bình 2
Ðể gỡ khó cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, theo Bộ Công Thương, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã đưa ra ba phương án về việc xử lý các vấn đề của dự án, trong đó có xem xét chấm dứt hợp đồng EPC với PVC và lựa chọn tổng thầu mới. PVN cũng cho biết, đến nay còn thiếu, chưa thu xếp được 9.600 tỷ đồng để triển khai tiếp dự án.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đến nay đã chậm tiến độ 4 năm và chưa biết bao giờ mới có thể hoàn thành. Ảnh: Phương Thu.
Nhà máy chưa vận hành, thiết bị gần hết hạn bảo hành
Liên tiếp dính phải những bê bối liên quan việc chi tiêu vô tội vạ tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) dưới thời Trịnh Xuân Thanh, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đang trở thành tâm điểm chú ý khi phát lộ thêm nhiều vấn đề khiến nguy cơ “đắp chiếu” dài hạn càng đến gần.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương cho biết, Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 vừa có báo cáo về việc đến nay dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm tiến độ hơn bốn năm. Hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư có nguy cơ bị “đắp chiếu”, không có lối thoát nếu không được tiếp thêm nguồn lực tài chính. Cụ thể, tính đến giữa tháng 7/2018, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, do PVN làm chủ đầu tư, mới đạt gần 83% tiến độ tổng thể, nhiều hạng mục như mua sắm vật tư, thiết bị vẫn chưa hoàn thành.
Theo Bộ Công Thương, riêng phần vốn vay nước ngoài cho dự án đến nay đã giải ngân tổng cộng được 432 triệu USD và đã phải trả nợ tổng cộng 81 triệu USD. Báo cáo cho thấy, theo tổng mức đầu tư điều chỉnh lần hai được phê duyệt, dự kiến nguồn vốn còn thiếu, chưa thu xếp được cho dự án lên tới 9.600 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, PVN đã phải dùng 21.577 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để giải ngân phục vụ dự án.
Bên cạnh việc chậm tiến độ, dự án cũng có “nhiều vấn đề” vướng mắc. Điển hình như đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành mua sắm vật tư, thiết bị và lựa chọn nhà thầu phụ. Việc PVC ký hợp đồng trọn gói với giá trị lên tới 1,2 tỷ USD với thời gian hoàn thành tổ máy 1 và 2 tương ứng 39 tháng và 45 tháng tính từ ngày 22/6/2012, trong khi PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than. Ngoài ra, năng lực tài chính của PVC hạn chế nhưng lại sử dụng tiền tạm ứng của dự án lên tới 1.080 tỷ đồng vào mục đích khác.
Ngoài việc PVC đến nay chưa thu xếp được đủ nguồn vốn để triển khai dự án và thanh toán các phần công việc đã hoàn thành, hơn 505 triệu USD vay nước ngoài chưa giải ngân. Trong khi đó, thời hạn cuối cùng để giải ngân là 28/9/2018 đang đến gần, càng gây sức ép đến tiến độ của dự án.
Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, dự án đến nay vẫn trong nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ dù đã được gia hạn một lần. Bên cạnh đó, một số thiết bị dù chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất. Việc dự án tiếp tục chậm tiến độ sẽ dẫn đến tăng rủi ro liên quan chất lượng thiết bị đã quá thời hạn bảo hành.
“Thời gian gần đây, nhiều cán bộ của tổng thầu PVC và chủ đầu tư có biểu hiện lo sợ rủi ro pháp lý nên xin chuyển công tác. Càng về sau, tổng thầu càng khó khăn trong đảm bảo, duy trì nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm quản lý tiến độ, đấu thầu, mua sắm”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.
Để gỡ khó cho dự án, theo Bộ Công Thương, lãnh đạo PVN đã đưa ra ba phương án về việc xử lý các vấn đề của dự án, trong đó có việc xem xét chấm dứt hợp đồng EPC với PVC và lựa chọn tổng thầu mới. Dù đưa ra các phương án, song PVN nhận định, các phương án đều tiềm ẩn rủi ro, khó khăn. Với các đề xuất “giải cứu” trên, Thủ tướng đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVN kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn công tác quản lý, sử dụng tài chính, đấu thầu tại dự án.
Về tiến độ dự án, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tiến độ vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong quy hoạch điện II điều chỉnh. Việc điều chỉnh tiến độ không miễn trừ trách nhiệm, nghĩa vụ các bên theo hợp đồng EPC đã ký và quy định pháp luật. Cụ thể, tổ máy 1 sẽ hoàn thành vào tháng 6/2019 và tháng 9/2019 hoàn thành tổ máy 2. “Tổ máy số 1 của dự án đến nay đã chậm tiến độ 45 tháng, tổ máy số 2 chậm 42 tháng so với hợp đồng EPC, dự án khó có thể hoàn thành vào năm 2019 như PVN đề xuất”, Bộ Công Thương nhận định.
Xin rút tiền phong tỏa, không xử lý cán bộ
Theo Bộ Công Thương, việc PVN kiến nghị một loạt giải pháp về tài chính nhằm gỡ khó về vốn cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó có xin rút 127 tỷ đồng tiền gửi đang bị phong tỏa tại OceanBank của PVC để sử dụng cho dự án đang bị nhiều ý kiến phản đối. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang chỉ đạo OceanBank xây dựng phương án tái cơ cấu để trình Thủ tướng phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Theo đó, các khoản tiền gửi của PVN và đơn vị thành viên tại OceanBank sẽ được xử lý tổng thể trong phương án cơ cấu lại của ngân hàng này và chi trả theo lộ trình, sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của PVN về việc xử lý các vấn đề của dự án là tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương xem xét báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét không xử lý trách nhiệm hình sự với những cán bộ không thuộc diện điều tra và những cán bộ có thể mắc phải những lỗi chuyên môn mà không cố ý, không vì động cơ cá nhân, lợi ích nhóm. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Bộ KH&ĐT và Bộ Công Thương không đồng tình. Các bộ này cho rằng, mức độ sai phạm sẽ do cơ quan điều tra, cơ quan có chức năng xem xét, quyết định.
Bộ Công Thương cũng cho hay đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương để PVC thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành lập dự toán chi phí quản lý tổng thầu theo tiến độ điều chỉnh, trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt để tháo gỡ thiếu hụt chi phí, duy trì và bổ sung đội ngũ nhân lực, giảm nguy cơ lỗ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, số tiền cần đầu tư thêm cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hoàn thành là rất lớn. Với số tiền lớn như vậy, Chính phủ cần xem xét, mời một hội đồng giám sát độc lập, có đại diện của Quốc hội và các chuyên gia được Thủ tướng bổ nhiệm để xem xét lại các phương án, tính toán số vốn cần thiết chính xác để hoàn tất dự án. Theo ông Doanh, với 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương được nói đến nhiều trong thời gian qua, nếu Nhiệt điện Thái Bình 2 lặp lại sự thua lỗ sẽ là một gánh nặng lớn. Còn về phía Bộ Công Thương, tiền đổ ra để làm dự án lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng là rất lớn và giờ cần thêm tới gần 10.000 tỷ đồng nữa để triển khai thì rất cần có quy định chặt chẽ để giám sát việc thực hiện dự án này. “Về phía Bộ Công Thương cũng vậy, cũng cần giám sát chặt chẽ, không để tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi trong quản lý số tiền cần thêm để đổ vào dự án như đề xuất”, ông Doanh nói.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất 2x600 MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình được PVN phê duyệt dự án đầu tư ngày 2/7/2010. PVC được chọn làm tổng thầu EPC của dự án. Tổng mức đầu tư dự án đến nay là 41.799 tỷ đồng. Những con số kinh hoàng về việc sử dụng sai mục đích cả nghìn tỷ đồng tại PVC và dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã được phản ánh qua loạt bài “Vén màn thua lỗ tại PVC” đăng trên Tiền Phong hồi tháng 9/2016 đến nay đã cho thấy rõ hơn những hệ lụy của một thời “tiêu tiền kiểu ném qua cửa sổ” tại nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) trước đây. Một trong những điển hình của việc tiêu tiền sai mục đích tại PVC được báo chí nhắc nhiều là số tiền tạm ứng cho dự án này được PVN rót cho PVC hồi năm 2011 khoảng 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD đã bị sử dụng sai mục đích, dùng để trả nợ vay ngân hàng, góp vốn lập công ty con... |