Người vay tiền lo lãi suất tăng

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý và chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

Người vay tiền lo lãi suất tăng - 1

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay tính đến giữa tháng 1-2016, hàng loạt ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi theo hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn.

Không dừng lại, kể từ sau tết Nguyên đán đến nay lại thêm nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động lên ở mức cao.

Liên tục tăng cao

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động dài hạn lên mức 7%/năm, thậm chí có ngân hàng còn nâng lên mức 8%/năm.

Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) niêm yết lãi suất huy động tăng mạnh ở các kỳ hạn dài, từ 12 đến 36 tháng. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng 7,6%/năm, 24 tháng 7,8%/năm và 36 tháng lên tới 8%/năm. Ngoài ra, khi gửi tiết kiệm trực tuyến (online), khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm.

Đây được xem là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường tính đến thời điểm này.

Tương tự, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm và ưu đãi cộng lãi suất tiền gửi online từ 0,1%/năm đến 0,3%/năm so với lãi suất thông thường ở tất cả kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng là 7,5%/năm.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, lãi suất cho kỳ hạn 13 tháng cũng lên tới 7,2%/năm. Những khách hàng từ trên 50 tuổi nếu gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng đến 1 tỉ đồng còn được cộng thêm 0,05%/năm.

Giải thích về việc tăng lãi suất huy động, một số ngân hàng cho biết động thái trên là nhằm hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân sau tết, đồng thời cơ cấu lại nguồn vốn và giữ chân khách hàng.

Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến lo ngại việc xảy ra một cuộc chạy đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng là rất khó tránh khỏi. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC, mới đây dự báo lãi suất tiền đồng tăng có thể tạo áp lực cho mặt bằng lãi suất sắp tới.

Lo lãi suất cho vay tăng

Nhìn nhận về việc tăng lãi suất huy động, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng sau tết Nguyên đán, người dân có nhiều tiền nhàn rỗi.

“Đây chính là thời điểm để ngân hàng hút dòng tiền vào nhằm chuẩn bị nguồn vốn phục vụ cho tăng trưởng tín dụng cả năm” - ông Lực nói.

Ông Võ Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á (DongABank), thì cho rằng lãi suất huy động tăng nhưng đến nay hầu như chưa có ngân hàng nào tăng lãi suất cho vay. Sở dĩ lãi suất cho vay chưa tăng vì nhiều ngân hàng vẫn có biên độ lợi nhuận ở mức đảm bảo để họ chịu đựng được, tức chưa phải tăng lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, các đối tượng vay tiền là doanh nghiệp (DN) và cá nhân vẫn lo ngại một khi lãi suất huy động liên tục tăng cao thì khó mà giữ lãi suất cho vay không tăng. Chị Phạm Thị Thanh, nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM, cho hay đang vay 100 triệu đồng của một ngân hàng có hội sở ở TP.HCM.

“Hợp đồng tín dụng của tôi với ngân hàng này ghi rõ lãi suất được thả nổi sau một năm, được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng + biên độ là 4%. Như vậy, nếu lãi suất huy động kỳ hạn này tăng kéo theo lãi suất cho vay cũng sẽ tăng” - chị Thanh lo lắng.

Một số DN cũng nhận định một khi lãi suất cho vay tăng sẽ làm tăng chi phí tài chính khiến họ khó khăn hơn, tạo thêm gánh nặng cho DN. Nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay tại Việt Nam vẫn đang được xem là cao hơn so với nhiều nước trong khu vực khiến DN gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cần thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động và cho vay; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cơ quan này cũng đã có văn bản chấn chỉnh việc huy động tiền gửi đối với các ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn tình trạng vượt trần lãi suất.

Không được thu thêm phí

Theo Chỉ thị số 01 do NHNN vừa ban hành, các tổ chức tín dụng không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định.

Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Tiêu điểm

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho hay trong tháng 1-2016, tổng số tiền huy động giảm 0,4% so với trước đó do tết vừa qua nghỉ dài ngày. Tuy nhiên, đến ngày 16-2, huy động vốn đã tăng mạnh lên mức 0,8% so với tháng trước đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN