Ngân hàng xé rào lãi suất huy động USD

Một số ngân hàng chấp nhận trả lãi suất đôla Mỹ (USD) gấp đôi quy định để có được nguồn ngoại tệ này. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ổn định, tín dụng thì gần như đứng yên, ngân hàng muốn tăng huy động đôla Mỹ lúc này để đẩy mạnh tín dụng.

Chị B., một người gửi tiết kiệm kể, nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở quận 1 mời chị gửi tiết kiệm USD với lãi suất 4%/năm. Lãi suất 2% sẽ được thể hiện trong sổ tiết kiệm, phần còn lại sẽ được trả ngay bằng tiền mặt. Nếu gửi từ 100.000 USD trở lên, lãi suất sẽ là 4,5%/năm. Theo vị khách hàng này, tình trạng này đã có khoảng hai tuần nay.

Theo quy định, trần lãi suất huy động USD giới hạn ở 2%/năm. Theo giám đốc phụ trách tiền tệ và thị trường vốn của một ngân hàng nước ngoài, thanh khoản không phải là lý do khiến các ngân hàng này sẵn sàng trả lãi cao hơn so với quy định. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào được thêm 1 tỉ USD dự trữ ngoại hối, cho thấy ngân hàng thương mại không thiếu đôla Mỹ, mà bởi họ đang thu hút tiền gửi để đẩy tín dụng lên.

Trong toàn hệ thống ngân hàng, sáu tháng đầu năm tín dụng chỉ tăng 0,76%. Theo thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt 8 – 10%. Vì vậy, dù đánh giá của ngân hàng Nhà nước là thanh khoản ngân hàng đã ổn định, các ngân hàng vẫn cần tiền gửi dân cư ổn định để sẵn sàng cho việc tăng tín dụng sắp tới.

Các ngân hàng đã chọn phần gửi tiền bằng đôla Mỹ như một nguồn đảm bảo thanh khoản cho họ. Về nguyên tắc, ngoài tiền đồng, khi ngân hàng cần thêm đảm bảo thanh khoản trong lúc nguồn vốn từ vàng đã bị cấm huy động, họ đã tăng huy động USD với chi phí thấp hơn tiền đồng mà tính thanh khoản vẫn đảm bảo.

Tuy nhiên, từ khi ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp về sự ổn định thị trường ngoại tệ, cộng thêm chênh lệch lãi suất lớn giữa tiền đồng và USD đã khiến tiền gửi ngoại tệ sụt giảm. Số liệu sáu tháng đầu năm tại TP.HCM cho thấy huy động vốn bằng tiền đồng tăng 9% trong khi huy động bằng ngoại tệ giảm 6,72% so với cuối năm 2011. Ngược lại, tuy tăng trưởng tín dụng giảm 0,04%; trong đó dư nợ tín dụng bằng tiền đồng giảm 0,3%, song dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,6% so với cuối năm 2011. Điều này khiến một số ngân hàng “xé rào” lãi suất để thu hút người gửi ngoại tệ.

Ngoài ra, theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã ổn định, song các ngân hàng thương mại thuộc nhóm ngân hàng yếu, ngân hàng trung bình với các vấn đề nội tại (nợ xấu cao), thu nợ chậm… thì nhu cầu vốn cho thanh toán vẫn biến động. Do vậy, thực tế tại các ngân hàng này lãi suất huy động vẫn cao hơn mặt bằng chung. Hơn nữa, thông tư 21 có hiệu lực từ tháng 9 tới sẽ siết chặt hơn nữa việc cho vay liên ngân hàng, nên ngân hàng càng muốn ổn định nguồn vốn huy động trong dân cư của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Sương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN