Ngân hàng “bỏ” vàng, giảm lãi suất

Nhiều ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất, chấm dứt huy động vàng cho vay vàng, công bố thu phí giữ vàng, xin giảm lợi nhuận…. Đó là những điểm nổi bật của hoạt động ngân hàng trong tuần qua.

Ngân hàng phải “bỏ” vàng

Thời hạn các ngân hàng phải chấm dứt huy động vàng (25/11) đã qua được nhiều ngày, nhưng trong tuần qua, các ngân hàng thương mại lại “phát sốt” vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thúc giục phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động, cho vay bằng vàng.

Trong văn bản số 8005/NHNN-QLNH của NHNN (phát đi ngày 6/12), NHNN tiếp tục nhắc nhở các ngân hàng thương mại phải thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 12, đó là từ ngày 25/11, tất cả các tổ chức tín dụng phải chấm dứt việc huy động bằng vàng.

Không chỉ vậy, NHNN cũng yêu cầu, các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm chỉ thị 05 về việc chấn chỉnh thực hiện quy định về huy động, giữ hộ vàng và sử dụng vàng huy động, giữ hộ.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng phải báo cáo lộ trình tất toán các khoản sử dụng vàng huy động vào mục đích khác ngoài các khoản cho vay vốn bằng vàng, gồm tất toán số dư tài khoản vàng ở nước ngoài; thu hồi các khoản sử dụng vào mục đích khác, chậm nhất trong ngày 11/12/2012.

Ngân hàng “bỏ” vàng, giảm lãi suất - 1

Tuần qua, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất, chấm dứt huy động vàng.

Cũng trong tuần qua, đã có ngân hàng niêm yết công khai phí giữ hộ vàng. Cụ thể, ACB đã chính thức thu phí giữ hộ vàng kể từ ngày 5/12/2012, với mức 0,05% (tối thiểu 20.000 đồng).

Khách hàng giao vàng (tối thiểu 1 lượng) cho ACB giữ hộ phải trả mức phí 0,05%/số vàng giữ hộ. Eximbank cũng thu phí giữ hộ vàng ở mức 0,01%/năm.

Giảm lãi suất

Trong tuần qua (3-7/12), dù không có yêu cầu hạ lãi suất huy động từ Ngân hàng Nhà nước nhưng nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 – 1%/năm so với tháng trước. Nếu như ở tháng trước vẫn còn có ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động 13%/năm, thì hiện, mức cao nhất chỉ còn khoảng 12,4%/năm, thấp nhất là 8%/năm.

Mới đây nhất ngày 5/12, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã công bố bảng lãi suất mới với mức lãi suất cao nhất là 12%/năm ở kỳ hạn 13 tháng và 36 tháng. Trước đó, ở kỳ hạn này, ACB niêm yết ở mức 12,5%/năm.

Cùng ngày, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng thay đổi mức lãi suất huy động. Cụ thể, mức cao nhất là 11,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Ở kỳ hạn 15, 18, 24, 25, 36 và 60 tháng, lãi suất chỉ còn 11%/năm.

Lướt qua bảng niêm yết lãi suất huy động của các ngân hàng, có thể thấy, mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 12,4%/năm (kỳ hạn 24 tháng), được SeABank áp dụng. Ở các kỳ hạn 12, 13,15,18 tháng, SeABank niêm yết mức lãi suất huy động lần lượt là 12%, 12,1%, 12,2%, 12,3%.

Không chỉ giảm lãi suất huy động, trong tuần, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy vốn vay ra thị trường bằng các chương trình kích thích vay mua bất động sản với lãi suất thấp.

Mức lãi suất vay hấp dẫn trên thị trường hiện nay là khoảng 9,9%/năm, áp dụng tại SeABank, VIB.

Ngân hàng lớn xin giảm lợi nhuận

Tới thời điểm hiện nay, ngoài một số ngân hàng nhỏ nằm trong diện tái cấu trúc đã được NHNN nhắc đến nhiều lần, thì hầu hết các ngân hàng lớn chưa hé lộ gì về khó khăn.

Tuy nhiên, trong tuần qua, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) - ngân hàng lớn thuộc nhóm 1 đã có thông báo chi tiết việc lấy ý kiến cổ đông để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012.

Trong đó, Vietinbank xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận từ 9.000 tỷ đồng theo kế hoạch xuống còn 7.500 tỷ đồng. Ngoài ra, tỷ lệ chi trả cổ tức cũng được xin giảm từ 20% xuống còn 13%-15%.

Với chỉ tiêu mới điều chỉnh này, lợi nhuận của Vietinbank ước sụt giảm 11% so với năm ngoái.

Như vậy có thể thấy, khó khăn chung hiện nay của nền kinh tế đang ảnh hưởng khá mạnh tới hệ thống ngân hàng. Theo một số chuyên gia nhận định, từ nay tới cuối năm, thị trường tài chính sẽ còn tiếp tục đón nhận những “cơn sóng” giảm lợi nhuận từ nhiều ngân hàng khác. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đinh Bách (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN