Ngân hàng "bày cách" cho vay ngàn tỷ

Các lãnh đạo ngân hàng "hiến kế" cho doanh nghiệp cách tiếp cận nguồn vốn đang dồi dào trong kho quỹ ra sao?

Tiền dư nghìn tỷ

Từ đầu năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tiếp tục sử dụng công cụ bán tín phiếu để hút tiền trong lưu thông về. Cụ thể, kể từ ngày 7/2/2014 đến ngày 7/3/2014, NHNN đã phát hành tổng cộng 132.378 tỷ đồng tín phiếu ngắn hạn. Như vậy, lượng tín phiếu đáo hạn ngay trong tháng 3 tương đối lớn, lên tới 75.849 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng cũng đang rất cao, lên tới 57 nghìn tỷ đồng. 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), sau Tết tiền gửi quay trở lại hệ thống ngân hàng nên mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn (1-2 tháng) giảm 0,2-0,5%/năm.

Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh: Bây giờ ngân hàng không tin DN và muốn DN phải tái cấu trúc cho khỏe mạnh thì mới cho vay. Điều này là khó. Vì trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN đang khó khăn, trước đây có 10 đồng thì làm ăn thua lỗ mất 8 đồng, còn 2 đồng. Nếu nói tái cấu trúc DN thì quan trọng nhất là tái cấu trúc tài chính của DN, do đó, phải có vốn mồi.

Ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc ACB cho biết, hiện ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm vì thừa tiền. Từ đầu năm đến nay ngân hàng cho vay ra rất khó dù hồ sơ vay gửi đến ngân hàng rất nhiều. 

Tính đến ngày 20/2/2014, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng vẫn âm 1,66%. Còn riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tín dụng hết tháng 2/2014 cũng chỉ tăng 0,09% so với cuối năm 2013.

Theo Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, chỉ có 15% DNNVV tiếp cận được vốn, còn những doanh nghiệp (DN) được ngân hàng chào mời là những DN lớn hoặc DN Nhà nước.

Ngân hàng "vẽ cách" cho vay

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), ngân hàng cho vay ra chắc chắn phải thu hồi được vốn và không tăng nợ xấu. Vì hiện nay, có nhiều DN vay để đảo nợ thì ngân hàng không cho vay.

Tuy nhiên, để giái phóng lượng tiền "tồn kho", nhiều ngân hàng đang thiết kế và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho DN vay vốn. 

Ngân hàng "bày cách" cho vay ngàn tỷ - 1

Nhiều ngân hàng đang thiết kế và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho DN vay vốn. 

Theo ông Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, cách duy nhất để khơi thông dòng vốn là phải kích cầu giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, doanh nghiệp có tiền trả được nợ thì ngân hàng mới dám cho vay tiếp. Để kích cầu, Chính phủ nên miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế VAT… bên cạnh đó Chính phủ cũng phải tăng đầu tư lên để tăng sức cầu.

Đơn cử, tại OCB, nếu xét DN có khả năng phục hồi thì OCB có thể khoanh lại nợ cũ, cho vay nợ mới nếu DN có dự án khả thi, tạo ra dòng tiền tốt. 

Hiện OCB đang triển khai thí điểm đối với một số DN, nếu hiệu quả OCB sẽ tiếp tục mở rộng chương trình này.

Tuy nhiên theo Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông Nguyễn Đình Tùng, tốt nhất DN phải tự tái cấu trúc, thay đổi hoạt động, cách thức cũ đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. 

Vì trong khi ngân hàng chấp nhận tái cơ cấu hệ thống, hoạt động mua bán, sáp nhập thì DN cũng phải sáp nhập để mạnh hơn.

Bên cạnh đó, các DN cũng nên biết tận dụng hiệu quả nguồn vốn tự có của mình. DN có thể sắp xếp lại tài sản và bán những tài sản không cần thiết để có vốn hoạt động. Rất nhiều DN niêm yết đang tái cấu trúc hoạt động, hệ thống lại tài chính để mạnh hơn.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) cho biết, doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt thì ngân hàng sẵn sàng cho vay. DN cũng phải thế chấp tài sản tốt cho ngân hàng. Vì hiện nay nhiều Tổng giám đốc DN tư nhân có 2-3 căn nhà nhưng chỉ đem thế chấp vay vốn những nhà xưởng dở dang, thiết bị máy móc cũ... ít giá trị thì rất khó cho vay.

Hiện VietCapitalBank cũng tham gia gói hỗ trợ vốn của UBND TP. Hồ Chí Minh, cũng như sẽ đưa ra chính sách cho vay phù hợp với tình hình hiện nay.

"Đối với Eximbank thì chỉ cần DN làm ăn nghiêm túc là ngân hàng sẵn sàng giải ngân", ông Lê Hải Lâm, Phó tổng giám đốc Eximbank, cho biết. "DN cứ nói khó tiếp cận vốn ngân hàng, nhưng khi tìm hiểu ra mới thấy nhiều DN sử dụng tiền vay không đúng mục đích, ngân hàng rất khó quản lý. Nếu DN muốn vay tín chấp thì phải cho ngân hàng cùng quản lý dòng tiền đó, để đảm bảo tiền cho vay có hiệu quả".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Lan (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN