Mất tiền triệu vì học làm giàu

Sự kiện: Kinh Doanh

Vì muốn nhanh chóng giàu có, đổi đời, nhiều người gom góp vay mượn tiền tham gia các lớp học làm giàu để rồi... mất cả chì lẫn chài

Vài năm trở lại đây, cái tên HKD thỉnh thoảng được nhắc đến trên các trang YouTube, Zalo, Facebook… gắn với việc học làm giàu, kiếm tiền từ bất động sản, chứng khoán… thông qua các lớp học được quảng cáo là miễn phí. Thế nhưng sau vài giờ học miễn phí, các học viên bị dụ đóng hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để tham gia các lớp học chuyên sâu nhằm làm giàu bằng kinh doanh chứng khoán, bitcoin... hoặc đầu tư theo HKD, kết quả giàu đâu không thấy chỉ thấy "mất cả chì lẫn chài".

Tin nhằm "thánh nổ"

Trong đơn tố cáo gửi cơ quan công an, chị Bùi Thị Thanh Huyền (ngụ TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết giữa tháng 10-2017, tình cờ xem được một video clip nói về đầu tư, kinh doanh bất động sản của HKD trên mạng, chị đã đăng ký học ở Hà Nội. Tưởng là học miễn phí nhưng sau vài buổi học, HKD đã thuyết phục được học viên tham gia các khóa học với học phí từ 13-70 triệu đồng; ai muốn học hết bí kiếp làm giàu của HKD thì đóng 10.000 USD mua combo trọn gói.

Theo lời Huyền, phần lớn thời gian trong các buổi học HKD cho học viên vận động cơ thể, khoe khoang về bản thân và đốc thúc học viên đăng ký các lớp học chuyên sâu. Ví dụ, HKD tuyên bố "tôi là học trò xuất sắc nhất của Donald Trump, Warren Buffet. Khi tôi đi học, thầy bảo rằng nể phục tôi lắm vì em là người Việt Nam. Về chứng khoán thì tôi có một nhóm về kỹ thuật, báo mã hàng ngày cho tôi, các bạn học cơ bản tôi sẽ dạy tất cả. Khi nào vào lớp học chuyên sâu đó các bạn sẽ tìm thấy đam mê, lẽ sống của đời mình" hay "Các bạn đóng 200 triệu vào khóa Super Investor sẽ được học tất cả các kỹ thuật đầu tư, tham gia kết nối với rất nhiều bạn của tôi là ca sĩ, các nhà đầu tư nổi tiếng, trong đó có cả các giám đốc công ty, doanh nhân thành đạt…" - "những lời này trước đây HKD nói sao tôi tin vậy, giờ ngẫm nghĩ mới thấy không có cơ sở gì để kiểm chứng" - chị Huyền cho biết.

Mất tiền triệu vì học làm giàu - 1

Nạn nhân trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vụ việc

Với các lớp học về bitcoin và chứng khoán, HKD cũng "phủ đầu" học viên bằng những lời có cánh như "bitcoin sẽ không bao giờ chết vì có Donald Trump đứng sau", "Lần đầu tiên tôi mở lớp dạy bitcoin và tiền tệ nên chỉ dạy 10 người, tôi vô cùng tiếc cho các bạn, nếu không đăng ký các bạn sẽ day dứt, đau khổ" hoặc "Các bạn sẽ được đi theo tôi ba năm. Một năm sẽ trả hết nợ, đi theo tôi sẽ biến mọi thứ thành tiền"…

Nghe theo lời quảng cáo, tin rằng chỉ cần theo HKD và học hết các khóa dạy làm giàu của cô giáo này sẽ trở nên giàu có, chị Huyền đã vay gia đình, họ hàng để đóng học phí. Sau 2 tháng "thỉnh giáo", chị Huyền mất tổng cộng 280 triệu đồng cho HKD. Phát hiện ra mình bị lừa, mất tiền, mất thời gian vào những buổi học vô bổ, chị Huyền rút lui. "Tôi mới học lớp Super Investor với học phí 109 triệu đồng, còn 171 triệu đồng chưa học tôi "xin" lại nhưng bà HKD từ chối với lý do "nguyên tắc của công ty là không trả lại".

Có dấu hiệu lừa đảo

Chị Huyền không phải là trường hợp duy nhất bị "mất trắng" vì tin lời HKD. Một số nạn nhân đã tìm đến Báo Người Lao Động tố cáo những hành động mang tính chất lừa bịp của HKD. Các nạn nhân này đều mất ít nhất vài chục đến vài trăm triệu đồng tiền học phí và tiền đầu tư bitcoin, chứng khoán… theo chỉ dẫn của HKD. Chỉ 1 nhóm 10 người đã mất 1,7 tỉ đồng học phí nên cả nhóm muốn làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, hy vọng lấy lại tiền đã đóng nhưng chưa học đồng thời cảnh báo cho những người khác không mắc bẫy lừa HKD.

Theo các học viên, HKD lợi dụng người học không có kiến thức về bất động sản, chứng khoán, bitcoin… nên phô diễn những ngôn từ sáo rỗng, khoe khoang bằng cách nói chuyện hấp dẫn, đánh vào tâm lý nôn nóng kiếm tiền, làm giàu của học viên cũng như khoe sự giàu có, thành công của mình. Không những vậy, các buổi học đều kết hợp vận động thể chất, sinh hoạt đội nhóm gây hào hứng. 

Một số buổi học được tổ chức ở Phú Quốc, Nha Trang… như một dạng sinh hoạt ngoại khóa kèm theo đó là hứa hẹn kết nối học viên với các tỉ phú, người nổi tiếng hoặc hỗ trợ thủ tục vay ngân hàng. Đặc biệt là những "chim mồi" khiến học viên phấn chấn, sẵn sàng móc hầu bao chi trả học phí. Khi tỉnh táo nhìn nhận lại, các học viên mới nhận ra mình bị lừa vì không có tỉ phú nào cũng như không có kiến thức chuyên môn nào được truyền giảng trong quá trình theo học với HKD.

Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định tình trạng "chuyên gia lên mạng truyền đạt kinh nghiệm" hiện khá tràn lan. Nếu người dạy tổ chức lớp, nhóm học và thu học phí thì phải thành lập cơ sở giáo dục theo pháp luật về giáo dục vì chỉ có pháp nhân mới được phép thu học phí. Cá nhân bà HKD thu học phí là hoạt động giáo dục trái phép. Hành vi này bị cấm, được quy định tại điều 118 Luật Giáo dục năm 2005. 

Ngoài ra, việc một người với tư cách cá nhân huy động học phí của nhiều người với nhiều lời giới thiệu không đúng sự thật là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản có tính chuyên nghiệp và liên quan đến hàng loạt người bị hại. "Tôi cho rằng những trường hợp liên quan tới nhiều người như thế này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh làm rõ để xem xét hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại điều 174 Bộ Luật Hình sự" - luật sư Dũng cho biết. 

Nên "chọn mặt gửi vàng"

Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, người đã đứng rất nhiều lớp dạy về đầu tư tài chính, chứng khoán, bitcoin…. những học viên chưa hiểu gì về tài chính, nhất là các sản phẩm đầu tư đặc biệt như chứng khoán, bitcoin dễ bị lừa. Đó là lý do những người dạy kiếm tiền qua các khóa học đầu tư tài chính thường lấy bất động sản và dạy miễn phí ra chiêu dụ. Sau đó, họ dùng đủ cách thu hút người đến tham gia rồi kích thích ham muốn kiếm tiền, làm giàu của mọi người thông qua các câu chuyện kể chứ thực tế không dạy về kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu của các loại tài chính.

Những người muốn học đầu tư, làm giàu cần lưu ý chọn theo học ở những lớp học do các tổ chức có chuyên môn đứng ra mở lớp, có trụ sở và hoạt động thường xuyên ở những địa điểm cố định. Giảng viên dạy không dùng từ phô trương hay những câu chuyện quá bóng bẫy, siêu phàm. Các khóa học này bình thường dưới 1 tháng, học phí không hơn 10 triệu đồng, nếu trên 10 triệu đồng/khóa sẽ có giảng viên nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính tham gia giảng dạy.

Đặc biệt, những khóa học này không cam kết bảo đảm thành công, giúp học viên làm giàu hoặc hoàn tiền nếu học viên làm ăn thua lỗ… càng không có bất cứ hành động nào xúi học viên huy động tiền bằng mọi cách để đầu tư hoặc huy động tiền của học viên để làm việc khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN