Lo mất trộm, mang đồ quý gửi ngân hàng

Nhiều người đem tài sản quý giá, giấy tờ nhà đất gửi trong tủ ở ngân hàng chứ không cất trong két sắt ở nhà.

Lâu nay muốn cất vàng, kim cương hoặc giấy tờ quan trọng như sổ đỏ, bằng cấp… nhiều người đã mua két sắt đặt tại nhà. Tuy nhiên, két sắt giữ tại nhà thì vẫn có rủi ro.

Ở Việt Nam, nhiều người đã thuê hộc tủ (két) ở ngân hàng (NH) để cất tài sản quý giá.

Đồ "xịn", giá thuê thấp

Dịch vụ này chưa phổ biến rộng. Đại diện NH Công Thương (Vietinbank) cho biết tại trụ sở trên đường Hàm Nghi có dịch vụ cho thuê két. “Hiện tại trụ sở này có hơn 2.000 tủ sắt, gồm năm mẫu kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, lượng tủ được khách thuê chỉ chiếm khoảng 35% mà thôi” - đại diện Vietinbank nói. Giá thuê tủ loại một là 120.000 đồng/tháng, tủ loại hai 150.000 đồng/tháng, tủ loại ba 200.000 đồng/tháng, tủ loại bốn 250.000 đồng/tháng, tủ loại năm 300.000 đồng/tháng.

Tại NH Sacombank, dịch vụ cho thuê tủ sắt đã có trên 14 năm. Đại diện NH cho biết trước đó chỉ có 400 tủ nhưng lúc nào cũng kín khách thuê. Khách hàng muốn thuê thường phải “dặn” trước mới có. Thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng, Sacombank quyết định đầu tư mở rộng và nâng cấp dịch vụ. Sacombank nhập nguyên bộ hệ thống cổng, hộp sắt, chìa khóa từ Đức về.

Hiện Sacombank có gần 4.000 tủ, trong đó 50% đã có khách thuê. Loại tủ nhỏ có giá thuê là 132.000 đồng/tháng, loại trung 165.000 đồng/tháng, loại lớn 220.000 đồng/tháng. Khách hàng có quyền thuê tủ chỉ trong một tháng hoặc trong nhiều năm đều được.

Lo mất trộm, mang đồ quý gửi ngân hàng - 1

Khách hàng gửi đồ tại ngân hàng Sacombank. Ảnh: YÊN TRANG

Riêng tư và bảo mật

Kho giữ đồ quý nằm trong trụ sở chính của Sacombank. Để vào được khu này phải qua ba lớp cổng. Ba cổng này đều có an ninh và chống cháy nổ.

Khách hàng có thể “thăm” tủ của mình thoải mái, trừ Chủ nhật. Sacombank cho biết trong dịch vụ thuê tủ, khách hàng được đảm bảo an toàn và riêng tư. NH không biết khách hàng cất gì trong hộc tủ. NH chỉ yêu cầu khách không cất các loại hàng quốc cấm. Tuy không xem khách để gì vào tủ nhưng NH có quyền xin khách hàng cho kiểm tra trực tiếp đồ đạc trong trường hợp có nghi ngờ khách gửi hàng cấm.

Chỉ những người có tên trong hợp đồng hoặc người ủy quyền mới được vào mở tủ. Mỗi két sắt có hai chìa khóa khác nhau, khách hàng giữ một, NH giữ một. Tại kho của Sacombank, khi khách hàng đến mở két của mình thì một nhân viên của NH sẽ vào để cùng mở. Mở cả hai ổ khóa thì mới kéo được ngăn tủ ra. Mỗi lần cất, lấy đồ, trong kho chỉ được có một khách hàng. Khách này cất xong mới đến lượt khách sau vào.

Trong trường hợp khách hàng mất chìa hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hợp tác điều tra thì ban giám đốc dùng chìa khóa dự phòng niêm phong để mở. Các chìa khóa dự phòng này được cất giữ bí mật, ngay cả nhân viên NH cũng không biết chỗ cất và không thể lấy được. Muốn dùng chìa dự phòng phải lập hội đồng, lập biên bản lấy chìa ra sử dụng.

Dùng máy soi đồ quý

Không chỉ Vietinbank, Sacombank mà hiện nay còn một số NH khác cũng có dịch vụ này như Hong Leong tại Việt Nam, BIDV, SouthernBank…

Tại BIDV, để đảm bảo độ an toàn cho khách hàng và loại trừ những tài sản trái pháp luật, tài sản mà khách hàng gửi sẽ được kiểm tra qua hệ thống soi an ninh (giống như kiểm tra tại sân bay) mà không cần mở túi đựng tài sản.

Chỉ dùng cất… USB

Tôi đã sử dụng dịch vụ này nhiều năm nay, cảm thấy rất thích vì tính bảo mật và sự an toàn của nó. Mỗi lần đi công tác, tôi đều đem những thứ quan trọng ra két của mình để cất chứ không để ở nhà.

Hiện nay, tôi thuê tới bốn két tại Sacombank, có két tôi chỉ chuyên cất… USB (thiết bị lưu trữ dữ liệu điện tử) mà thôi. Là nhà thiết kế, giá trị nhất đối với tôi là các mẫu thiết kế hàng chục năm nay. Tôi không thể mất những thiết kế này. Vì thế tôi mang tới đây cất trong tủ của mình, sau khi công tác về, tôi đến lấy ra.

Anh NGUYỄN QUỐC TUẤN, quận 1

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yên Trang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN