Lãi suất không có “cơ” giảm thêm

Giải thích cho khẳng định trên, Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sắp tới sức ép giảm lãi suất, mở rộng tín dụng rất lớn nhưng dư địa để giảm lãi suất không còn, thậm chí bắt đầu có hiện tượng tăng lãi suất cho vay tại một số ngân hàng (NH).

“Thời điểm này, tiếp tục kiềm chế lạm phát là con đường duy nhất, nếu mở rộng tín dụng sẽ làm hỏng những gì đã đạt được, vì vậy chắc chắn không thể giảm lãi suất xuống thấp hơn được”, ông Nghĩa bày tỏ.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, một khi quy định trần lãi suất thì phải yêu cầu các NH tuân thủ tuyệt đối, nếu không đã đến lúc NHNN dỡ bỏ trần lãi suất.

Đồng tình quan điểm này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi, trong vòng 2-3 tháng cơ quan quản lý điều chỉnh lãi suất tới 5 lần chứng tỏ các chính sách kiềm chế lạm phát của NHNN vẫn mang tính đối phó tình thế, vẫn thiếu nhiều biện pháp căn cơ để xử lý.

Lãi suất không có “cơ” giảm thêm - 1
Không có cơ sở giảm lãi suất

“Đây là cơ hội để bỏ đi trần lãi suất, bởi có quy định trần nhưng NH không chấp hành, thậm chí có NH đang lách cả đồng nội và ngoại tệ. Do đó, với năng lực tài sản, vốn… khác nhau thì không thể có một mức trần chung cho các NH”, bà Mùi nói.

Cùng đó, TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng, NHNN cần “nắn” dòng vốn và kiểm soát dòng vốn. Bởi, do bất ổn trong nội tại các NH nên họ không thể đưa được dòng vốn vào nơi cần vốn. Lĩnh vực cần quan tâm và có sức bật nhanh nhất lúc này là khu vực kinh tế tư nhân, cần hướng dòng vốn vào khu vực này.

Thông tin thêm về kết quả hoạt động kinh doanh trong hệ thống NH, tại buổi tọa đàm đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng năm 2012 do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 5/11, bà Nguyễn Thị Hồng-Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: hiện, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH đạt 3,3%.

Theo lý giải của bà Hồng, điểm mấu chốt khiến tín dụng tăng trưởng thấp là lực cầu trong nước còn yếu làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN). Cùng đó khả năng quản trị của DN chưa tốt, DN không đủ khả năng đứng vững trong khó khăn nên sử dụng vốn không hiệu quả, thậm chí dẫn tới phá sản.

Trong khi đó, bản thân các NH lại không thể huy động được vốn trung và dài hạn, lại không có cơ chế tài chính xử lý trường hợp rủi ro trên diện rộng, do đó các NH rất hạn chế cho vay.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN