"Không được lơ là với lạm phát"

“Còn dư địa lạm phát 2,4% cho 3 tháng cuối năm nhưng chỉ cần lơ là một chút thôi là sẽ vượt chỉ tiêu” – Bộ trưởng Đam cảnh báo.

Thông tin phát đi từ cuộc họp báo Chính phủ chiều 29/9 cho thấy, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,06% (cùng kỳ năm trước 2,2%), chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá một số mặt hàng như: điện, giáo dục đầu năm học mới; CPI 9 tháng tăng 4,63%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

"Không được lơ là với lạm phát" - 1

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: Tăng trưởng kinh tế 9 tháng không như mong muốn. Ảnh: Thanh Tâm

Lãi suất điều hành phù hợp với tình hình lạm phát. Mặt bằng lãi suất huy động giảm 2-3% và lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 9-11,5%, trung và dài hạn là 11,5-13%. Đến cuối tháng 8/2013, lãi suất của gần 75% các khoản vay cũ (cuối năm 2012 là 33,4%) có lãi suất 13%/năm; các khoản vay có lãi suất từ 13-15%/năm  còn khoảng 16,8% (cuối năm 2012 là 46,1%). Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng được thực hiện.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá cao, tháng 9 đạt 11,3 tỉ USD, 9 tháng đạt 96,5 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 58,5 tỉ USD, tăng 27% và chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 đạt 11,6 tỉ USD, 9 tháng 96,6 tỉ USD, tăng 15,5%. Nhập siêu 9 tháng khoảng 124 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tăng trưởng GDP quý III/2013 đạt 5,54%; tính chung 9 tháng tăng trưởng ước đạt 5,14%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước 5,1%. Chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm dần về mức bình thường. Tới thời điểm 1/9/2013 ước tăng 9,3% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 1/10/2012.

Đánh giá của Chính phủ cũng cho rằng, tuy kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, dư nợ tín dụng tăng chậm, thu NSNN gặp nhiều khó khăn, tiến độ thu đạt thấp so với dự toán. Thị trường và sức mua hồi phục chậm. Sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số DN tạm ngừng hoạt động còn cao. Đời sống một bộ phận dân cư gặp khó khăn.

“Những chỉ số đã đạt được 9 tháng qua, chỉ số tháng sau cao hơn tháng trước, cho thấy công tác dự báo nhận định từng tháng đã tốt hơn nhiều. Tuy nền kinh tế ổn định nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa mong muốn. Rất nhiều chính sách chúng ta đề ra nhưng dường như đi vào cuộc sống vẫn chậm”- Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp báo.

Về mục tiêu lạm phát cả năm 2013, Bộ trưởng Đam cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát 7% hoàn toàn có thể đạt được. Bởi, dư địa điều hành mục tiêu lạm phát 7% vẫn còn, khoảng 2,4%/3 tháng (tương ứng mỗi tháng 0,8%).

Song, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, tuy dư địa vẫn còn nhưng “không được lơ là”. “Đúng là còn dư địa lạm phát 2,4% cho 3 tháng cuối năm nhưng chỉ cần lơ là một chút thôi là sẽ vượt chỉ tiêu” – Bộ trưởng Đam lo lắng.

Riêng nhiệm vụ đặt ra với lĩnh vực ngân hàng khá rõ. Chính phủ yêu cầu điều hành chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khoá, kiểm soát giá cả thị trường; hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bảo đảm mục tiêu cả năm tăng 12%; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Duy trì ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, quản lý tốt thị trường vàng.

Tính đến 20/9, tốc độ tăng dư nợ tín dụng đạt khoảng 6,05% so với cuối năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ (2,35%). Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng tin tưởng cả năm nay có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 12% Quốc hội đã đề ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN