Hàng loạt NH "dính quả đắng" với đại gia

“Không dễ dàng mà ngân hàng có thể thoát được khoản nợ khổng lồ của đại gia. “Dọn dẹp” nó vô cùng khó”, lãnh đạo một ngân hàng "dính quả đắng" một với Tập đoàn nợ khủng than vãn.

Khốn khổ vì nợ xấu với đại gia

Đã một thời những doanh nghiệp “cỡ bự” như Vinashin, Vinalines, Công ty Thủy sản Phương Nam... với vỏ bọc bên ngoài hào nhoáng dễ dàng được liệt vào danh sách doanh nghiệp VIP, ưu tiên cho vay tại các ngân hàng. Việc cấp tín dụng cho những doanh nghiệp đại gia này một thời là niềm tự hào của không ít nhà băng.

Lợi dụng sự săn đón, chào mời của các cán bộ tín dụng ngân hàng, số doanh nghiệp này dễ dàng vay những khoản tín dụng lớn tại các nhà băng mà không cần tài sản thế chấp cố định, thay vào đó là thế chấp bằng hàng tồn kho. Không chỉ ngân hàng nhỏ “chết” vì đại gia, mà ngay cả những “ông lớn” quốc doanh như Agribank, Vietcombank, Vietinbank... cũng từng thót tim vì trót tin đại gia.  

Hàng loạt NH "dính quả đắng" với đại gia - 1

Từ tháng 9 đến nay đã có 20 lãnh đạo, cán bộ ngân hàng bị bắt vì dính líu tới cho vay tại Công ty Thủy sản Phương Nam Ảnh: Internet

“Dính” vào Vinashin, ít nhất đã có một ngân hàng bị xóa tên trên thị trường là Habubank khi phải chấp nhận sáp nhập với SHB. Nhưng không phải sáp nhập là nợ đã được xóa sổ. Một năm sau sáp nhập, khoản nợ xấu của Vinashin tại Habubank tuy đã được khoanh vùng, nhưng vẫn là nỗi ám ảnh với cán bộ đòi nợ của SHB. Thậm chí, Phó tổng giám đốc Habubank trước đây sau sáp nhập "được" điều xuống làm cán bộ phòng thu hồi nợ để giải quyết cho xong những khoản nợ xấu mà vị này đã phê duyệt. 

Thực tế, kết cục đáng buồn của Habubank hay những khoản nợ ngàn tỷ tại nhiều ngân hàng khác cho thấy việc cho vay tín dụng đối với các “đại gia” không phải “màu hồng” như kỳ vọng. Ngược lại đem đến cho bức tranh hệ thống ngân hàng một “màu xám” chưa biết khi nào mới có thể “đổi màu”.

Còn với “đại gia” Thủy sản Phương Nam, những điều tiếng lùm xùm quanh doanh nghiệp này không phải là ít khi hàng loạt cán bộ tín dụng tại 7 ngân hàng đã từng có mối quan hệ cho vay đã lần lượt “vô khám”. Chỉ từ đầu tháng 9/2013 đến nay đã có 7 Giám đốc, Phó giám đốc chi nhánh, 13 cán bộ tín dụng của 5 ngân hàng khu vực miền Tây bị bắt vì có liên quan tới những khoản cho vay “khủng” tại doanh nghiệp này. Những cái tên lớn như Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Sacombank, ABBank... đều được “điểm mặt”. Tổng số dư nợ của Thủy sản Phương Nam tại 7 ngân hàng hiện là 1.600 tỷ đồng.

Theo đại diện ABBank, hiện số dư nợ của Thủy sản Phương Nam tại nhà băng này là 79 tỷ đồng, và ABBank đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng, ngân hàng bạn cơ cấu lại Thủy sản Phương Nam theo hướng để doanh nghiệp này “hồi sinh”, sau đó mới có thể thu hồi nợ. Từ đầu năm đến nay riêng ABBank mới thu hồi được 1 tỷ đồng so với khoản nợ cũ 80 tỷ đồng của Thủy sản Phương Nam. Sacombank thì thu hồi được 17 tỷ đồng so với số nợ cũ. 

Cán bộ ngân hàng - tỉ lệ "áp đảo" án tham nhũng

Con số thống kê của ngành Công an cho thấy, dù chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số các vụ phạm tội (0,22%), song mức độ thiệt hại của các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng lại chiếm tới 60%.

Một kết quả khảo sát của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đối với 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thời gian qua cho thấy, trong 117 bị can bị khởi tố thì có tới 81 bị can là cán bộ ngân hàng (chiếm 69,2%).

Điển hình như vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro - Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM) chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của ba ngân hàng (Vietinbank, ACB và NamVietBank); vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ”, xảy ra tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh gây thiệt hại cho Agribank Chi nhánh Chợ Lớn 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng; vụ án với sự thông đồng, cấu kết của 19 DN, 82 cá nhân và 2 cán bộ Vietinbank chi nhánh Nhà Bè chiếm đoạt 3.800 tỷ đồng tại Vietibank chi nhánh Nhà Bè…

Phân tích về những lỗ hỏng trong quan hệ cho vay tín dụng trong hệ thống ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico chia sẻ, những khoản tín dụng khống tới bốn, năm con số đều có lỗi từ cả hai phía, nhà băng và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lợi dụng chính sách cho vay dễ dàng, ưu tiên khách VIP của các nhà băng để tung chiêu lừa đảo. Còn phía ngân hàng thì lại chưa đào tạo cán bộ tín dụng đủ năng lực, hiểu biết về  luật nên dễ “dính” vào trường hợp phê duyệt những khoản vay một cách dễ dãi, kiểu cho vay không cần tài sản thế chấp cố định thay vào đó là hàng tồn kho. Thế nên sau này khi mọi chuyện vỡ lở thì mới hay hàng tồn kho mà doanh nghiệp “vẽ” trong hồ sơ vay chỉ là trên giấy, thực tế đó là những kho hàng rỗng.

“Chính vì cả nể trong quan hệ tín dụng ngân hàng với những khách hàng lớn, khách hàng lâu năm dẫn tới hệ quả là nhiều ngân hàng “khóc dở mếu dở” khi khách hàng bỏ trốn, “trở mặt”. Rồi đến khi mọi chuyện vỡ lở thì hàng loạt cán bộ ngân hàng rơi vào vòng lao lý” – ông nói.

Trao đổi với Infonet, Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn từng dính nợ nần với Vinashin đã phải thốt lên: “Không dễ dàng mà ngân hàng có thể thoát được khoản nợ khổng lồ của đại gia. “Dọn dẹp” nó vô cùng khó. Có người cho rằng vài ba năm nữa ngành ngân hàng sẽ thoát khoải cảnh nợ xấu chồng chất, nhưng tôi chắc ít nhất cũng phải chục năm nữa”.

Vị này còn đùa vui: “Đã có lúc tôi nghĩ bỏ ngân hàng về làm một cơ quan Nhà nước cho nhàn thân”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN