Gói 30 nghìn tỷ đâu rồi?

“Xin hỏi Bộ trưởng là gói 30 nghìn tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở đâu rồi, nếu không phát huy được nguồn vốn này đề nghị trả lại cho Chính phủ để làm việc khác”- ĐB Ngô Văn Minh đặt vấn đề như vậy khi hỏi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, chiều 6/3.

Nới điều kiện cho vay

Mở đầu phiên thẩm tra Dự án Luật Nhà ở sửa đổi, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL), ông Ngô Văn Minh đề nghị Bộ trưởng cho biết, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản sử dụng ra sao trong thời gian qua.

“Sau một thời gian triển khai, đến nay mới chỉ giải ngân được khoảng 8,56%. Như vậy là sử dụng không có hiệu quả rõ rệt, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, cả doanh nghiệp và người dân đều khó vay nguồn vốn này. 

Xin hỏi Bộ trưởng là gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở đâu rồi, nếu không phát huy được nguồn vốn này, đề nghị trả lại cho Quốc hội, Chính phủ để làm việc khác” - ông Minh phát biểu.

Giải đáp nội dung này, ông Trịnh Đình Dũng khẳng định gói 30.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng hiệu quả và có thể sẽ xem xét, nới lỏng các điều kiện cho vay để người dân có thể tiếp cận dễ hơn.

Gói 30 nghìn tỷ đâu rồi? - 1

Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng sẽ được sử dụng hiệu quả và có thể xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay. Ảnh: Ngọc Châu

Sốt ảo giết chết thị trường

Nhiều đại biểu cho rằng, cần cụ thể hóa về chính sách nhà ở cho người dân, điều kiện chuyển quyền sở hữu nhà ở, chế tài và trách nhiệm liên quan tới quy hoạch xây dựng nhà ở. 

“Một thời gian nhà đất nóng sốt ảo khiến nhiều người dân không thể mua được nhà, nay thị trường nhà đất lại trầm lắng nhưng người có nhu cầu rất khó tiếp cận thị trường. Chúng ta phải quan tâm hơn đến đối tượng ở khu vực nông thôn và các đối tượng chính sách” - ông Minh kiến nghị.

Cũng theo ĐB Minh, Dự thảo cần xác định rõ đối tượng nào được hỗ trợ trong luật chứ không phải hỗ trợ tràn lan cho cả những dự án thương mại. 

“Luật Nhà ở sửa đổi cần xóa bỏ tư duy bao cấp về nhà ở, hạn chế nhà công vụ, mà thay vào đó cần hạch toán tiền nhà vào tiền lương. Cần phải có những quy định, cơ chế tránh việc lợi dụng chính sách này để phát triển nhà ở thương mại, gây tình trạng sốt ảo” - ông Minh kiến nghị.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hướng đến việc bảo đảm công tác phát triển nhà ở đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tự phát, phong trào, cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung - cầu như trong những năm vừa qua. 

“Bên cạnh đó, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Dự thảo xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội” - Ông Dũng nói.

Khắc phục tình trạng mua bán trao tay, rối loạn thị trường

Một số ý kiến tại Ủy ban Pháp luật cho rằng, Dự thảo luật cần thống nhất thực hiện đúng nguyên tắc có đăng ký hoặc có giấy chứng nhận mới được phép mua, bán. Khắc phục tình trạng mua bán trao tay, trốn thuế gây rối loạn thị trường nhà ở, mua đi bán lại nhiều lần nhà tại các dự án đang triển khai như thời gian qua. 

Còn theo bà Nguyễn Kim Thúy, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội, nên quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đó là thời điểm đăng ký quyền sở hữu nhà ở tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp mở thừa kế. 

“Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người dân, tránh rủi ro cho các bên khi thực hiện giao dịch nhà ở” - bà Thúy nói.

Về quỹ bảo trì 2% nhà chung cư, một số ý kiến đề nghị giao cho cư dân tòa nhà tự quản; đồng thời cần phải minh bạch các loại giá dịch vụ đối với nhà chung cư gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Minh Tuấn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN