Gian nan doanh nghiệp xin... phá sản

Mỗi tháng, cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, nhưng hai năm qua, cả nước chỉ có chưa đầy 20.000 doanh nghiệp làm thủ tục phá sản. Theo tính toán của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cứ theo tiến độ này, phải mất 14 năm mới giải thể xong số doanh nghiệp đã dừng hoạt động, còn với doanh nghiệp muốn phá sản không biết bao giờ mới xong.

Ngân hàng gây sức ép

Doanh nghiệp tư nhân Đ.T (TP Việt Trì, Phú Thọ) được thành lập hơn chục năm trước, chuyên về lĩnh vực xây dựng công nghiệp, dân dụng. Những năm đầu, khi lĩnh vực xây dựng hưng thịnh, Đ.T luôn có những dự án gối đầu và cũng dễ dàng nhận được vốn vay từ ngân hàng. Cách đây khoảng 4 năm, Đ.T ứng trước 16 tỷ đồng để xây dựng công trình nhà nước tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh, nhưng công trình hoàn thành mà doanh nghiệp chưa thu được tiền, nên nợ thuế khoảng 600 triệu đồng và ngân hàng vài tỷ đồng. Khi ngân hàng đòi phong tỏa ngôi nhà - tài sản giá trị duy nhất của doanh nghiệp (và gia đình), chủ doanh nghiệp phải kêu cứu đủ cách đến nhiều cơ quan, mới được cho hoãn nợ. Thấy không thể kéo dài tình trạng này, cách đây một năm, chủ doanh nghiệp đề nghị cơ chức năng cho làm thủ tục phá sản, nhưng không được đồng ý, mà chỉ được cho đăng ký “tạm ngừng hoạt động”. Lý do là nếu Doanh nghiệp Đ.T phá sản, ngân hàng và cơ quan thuế đều không thu được nợ. Ông Nguyễn Hồng S. - Giám đốc Doanh nghiệp Đ.T than vãn: “Chẳng biết bao giờ mới đòi được nợ, chẳng có tiền mà nộp thuế, ngân hàng thúc ép suốt ngày, nên cũng muốn xin phá sản cho dứt điểm. Thế nhưng muốn “chết” chính danh cũng có được đâu”.  

"Muốn “khai tử”, doanh nghiệp phải mất 6-9 tháng để quyết toán thuế, trả con dấu và sau đó mới được nộp hồ sơ giải thể. Đây là thời gian tương đối dài và không cần thiết, vì từ khi ra quyết định giải thể nó vẫn buộc phải tồn tại, chẳng khác nào “chết mà không được chôn”.

Luật sư Lê Nga Công ty Luật Hoàng Hà

Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và khai thác khoáng sản cũng ở Việt Trì, Công ty Cổ phần Xi măng H.N từng xin làm thủ tục phá sản từ cách đây 3-4 năm nhưng cũng không được với lý do chủ yếu là doanh nghiệp này nợ ngân hàng một khoản lớn và cả ngân hàng lẫn các cơ quan chức năng đều không muốn Công ty H.N phá sản. Công ty H.N thành lập cũng đã hơn chục năm và có thời gian do không tiêu thụ được sản phẩm, Công ty đã trả lương cho công nhân bằng xi măng, dẫn đến tình trạng công nhân bán xi măng ra thị trường với giá rẻ, phá giá thị trường xi măng tại địa phương. 

Theo các chuyên gia kinh tế, lý do doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục phá sản là do chủ nợ của doanh nghiệp, mà chủ yếu là ngân hàng thương mại, gây sức ép để không phải ra tòa. Ngân hàng sợ khi doanh nghiệp phá sản, ngân hàng phải thực hiện theo Luật Phá sản, lúc đó tài sản sẽ được chia theo quy định, đến lượt chủ nợ có khi không còn bao nhiêu. 

Gian nan doanh nghiệp xin... phá sản - 1

Nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động sản xuất, hoặc sản xuất èo uột muốn giải thể nhưng cũng không dễ

Doanh nghiệp sợ mất quyền kinh doanh

Từ khi thi hành Luật Doanh nghiệp đến hết tháng 8/2013, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước có hơn 163.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, trong đó khoảng 141.000 doanh nghiệp ngừng nhưng không đăng ký (với hơn 500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Số lượng nhiều như vậy nhưng trong hai năm qua mới chỉ có khoảng 18.000 - 19.000 doanh nghiệp xin giải thể và hơn 500 doanh nghiệp xin phá sản. Ông Đỗ Tiến Thịnh - Trưởng phòng Nghiệp vụ Đăng ký kinh doanh (Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh) cho rằng, với tỷ lệ như thế, phải mất 14 năm mới giải thể xong số lượng doanh nghiệp đã dừng hoạt động, còn  với doanh nghiệp muốn phá sản thì không biết bao giờ xong.  Báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao cũng cho thấy, sau 9 năm thi hành Luật Phá sản 2004, Tòa án thụ lý 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp nhưng chỉ quyết định tuyên bố phá sản 83 trường hợp, còn 153 trường hợp chưa giải quyết được. Bởi chỉ cần báo cáo tài chính lập không đúng thời điểm, chưa giải quyết xong quyền lợi người lao động cũng không được tòa thụ lý hồ sơ.  

Doanh nghiệp tự ngừng hoạt động nhưng không đăng ký hoặc không giải thể, phá sản, bên cạnh nguyên nhân bị các chủ nợ gây sức ép hoặc tâm lý ngại ngùng, còn do những quy định pháp luật liên quan thiếu thực tiễn. Ông Đỗ Tiến Thịnh cho biết, với doanh nghiệp ngừng hoạt động mà không đăng ký, theo quy định bị xử phạt 1-3 triệu đồng, nhưng cơ quan Nhà nước cần chứng minh doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở trong 6 tháng liên tục, trong khi doanh nghiệp chỉ cần “một giờ đến để nghe điện thoại” cũng là lý do để phản bác. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp cũng sợ làm thủ tục phá sản xong sẽ mất quyền kinh doanh. Bởi Luật Phá sản quy định, chủ doanh nghiệp sau khi bị tuyên bố phá sản sẽ không được thành lập, giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp khác trong vòng 1-3 năm.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T. Lộc (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN