Đừng để DN “chết chưa thể chôn”

Nếu theo quy định mới thì 99% doanh nghiệp sẽ bị yêu cầu phá sản vì không trả được số nợ từ 200 triệu đồng trở lên.

Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi mở rộng quyền chủ nợ yêu cầu phá sản doanh nghiệp (DN) đã gây nhiều lo ngại, tranh luận trái chiều tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Phá sản sửa đổi vào sáng 13-9.

Thủ tục cần dễ áp dụng

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, sau chín năm thi hành Luật Phá sản (2004), tòa chỉ thụ lý 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, mở thủ tục phá sản 236 trường hợp. Trong khi theo trang thông tin hỗ trợ đăng ký DN, chỉ năm 2012 đã có đến 54.261 DN dừng hoạt động và giải thể. “Có thể thấy số lượng đơn yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản so với số lượng DN ngừng hoạt động rất thấp. Có nhiều nguyên nhân nhưng nổi bật nhất là do quy định pháp luật phá sản chưa phù hợp, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức yêu cầu tuyên bố phá sản” - ông Sơn nhìn nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu thẩm tra đánh giá toàn diện hơn những điểm vướng mắc trong Luật Phá sản hiện hành và giải trình thuyết phục những quy định mới trong dự thảo sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng trên.

Đừng để DN “chết chưa thể chôn” - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu về dự án Luật phá sản. Ảnh: TTXVN

So với Luật Phá sản hiện hành gồm chín chương và 95 điều, dự thảo sẽ bổ sung thêm ba chương thành 12 chương với 133 điều; trong đó giữ nguyên chín điều, sửa đổi 72 điều và bổ sung 52 điều. Theo Phó Chánh án Nguyễn Sơn, các quy định trong Luật Phá sản sửa đổi nhằm đưa ra cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN, hợp tác xã. Trong trường hợp không còn khả năng phục hồi, Luật Phá sản phải bảo đảm trình tự và thủ tục phá sản công khai, dễ áp dụng, nhanh gọn, công bằng. Mục tiêu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra.

Tranh luận về tiêu chí nợ

Tại phiên họp đã có nhiều tranh luận về quy định Điều 3 trong dự thảo rằng DN, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian ba tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng đưa ra tiêu chí này “buồn cười lắm”. Ông phân tích, nếu DN nợ 200 triệu đồng mà vốn chỉ có 500 triệu đồng thì còn đáng ngại nhưng nếu vốn họ đến 5.000 tỉ đồng thì khoản nợ ấy chỉ như cái móng tay. Do vậy, không nên căn cứ trên số nợ cụ thể mà phải căn cứ vào tỉ lệ nợ trên vốn. Còn thời hạn chưa trả nợ “ba tháng kể từ khi chủ nợ yêu cầu” cũng ngắn quá! Nên tạo điều kiện cho DN và chủ nợ có thời gian thương lượng với nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình “tiêu chí như thế không phù hợp thực tế, như vậy thì sẽ có đến 99% DN bị yêu cầu phá sản. Nên định nghĩa tình trạng phá sản của DN đơn giản nhất là mất khả năng thanh toán nợ hoàn toàn và căn cứ vào tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phản biện rằng quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nợ bảo vệ quyền lợi kịp thời. Vì uy tín, vì thương hiệu DN có khả năng thanh toán chẳng bao giờ để xảy ra tình trạng đó. Nợ đến hạn, nếu không muốn phá sản thì DN vay để chi trả. Nếu xét thấy DN còn khả năng thanh toán thì ngân hàng sẽ cho vay, đó là câu chuyện “để cho thị trường thẩm định tài chính DN”.

Có nên mở rộng đối tượng áp dụng?

Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi vẫn giữ quy định cũ về đối tượng áp dụng là “DN, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng cho cả cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, xí nghiệp có đăng ký kinh doanh, các trường ĐH và trường các cấp học khác theo nguyên tắc “có đăng ký hoạt động kinh doanh thì có áp dụng Luật Phá sản”. Tuy nhiên, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn lại cho rằng không nên. Vì việc kinh doanh của cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình ở quy mô nhỏ, không thực hiện sổ sách kế toán nên khó quản lý tài sản. Nhóm trường học thì Luật Giáo dục đã giao Chính phủ quy định đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể. Còn các xí nghiệp hiện tồn tại không nhiều và sắp tới cần chuyển đổi sang mô hình DN để thống nhất quản lý.

Không nên phân loại DN

Không nên có sự phân biệt về thủ tục phá sản giữa DN nhà nước và DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Nếu có quy định riêng sẽ dẫn tới tình trạng đảo nợ, giấu nợ, bơm thêm vốn duy trì DN kém hiệu quả, phản ánh không trung thực thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội NGUYỄN VĂN GIÀU

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Minh (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN