Đồng Yên lao dốc, Nhật vừa mừng vừa lo
Chỉ hơn 1 tháng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cam kết sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách bơm một lượng tiền nội tệ khổng lồ vào thị trường, đồng Yên đã rớt giá xuống mức 100 Yên đổi 1 USD lần đầu tiên trong 4 năm.
Đây được xem là một cột mốc cho những nỗ lực nhằm kết thúc 2 thập kỷ trì trệ kinh tế của đất nước mặt trời mọc.
Theo tờ Wall Street Journal, từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng giá 16% so với đồng Yên. Ảnh hưởng từ việc đồng Yên mất giá đang lan tỏa trong nền kinh tế Nhật, đẩy giá hàng hóa và khí đốt nhập khẩu gia tăng. Đồng thời, du khách nước ngoài cũng đổ tới Nhật nhiều hơn bởi đồng tiền của họ giờ có thể mua được nhiều thứ hơn ở quốc gia này. Ngoài ra, đồng Yên mất giá cũng giúp các nhà xuất khẩu Nhật Bản tăng cường doanh thu và lợi nhuận nhờ cạnh tranh được tốt hơn trên thị trường toàn cầu.
Sáng nay tại thị trường Tokyo, 1 USD đổi được 101,12 Yên, so với mức 1 USD “ăn” 100,6 Yên vào cuối ngày thứ Năm tại New York, và mức 99,02 Yên tương đương 1 USD cách đó 1 ngày.
Từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng giá 16% so với đồng Yên.
Mốc 100 Yên/USD đã đẩy thị trường chứng khoán Nhật tăng điểm mạnh. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn 2,9% trong phiên giao dịch ngày 10/5. Từ giữa tháng 11 tới nay, chỉ số này đã tăng 68%. Riêng trong 5 tuần qua, kể từ khi BoJ tuyên bố sẽ bơm thêm hàng nghìn tỷ Yên vào thị trường mỗi tháng, Nikkei 225 đã tăng 18%.
Quan trọng hơn cả, sự mất giá của đồng Yên báo hiệu cho một chuyển biến kinh tế mang tính đột phá của Nhật, đó là sự đảo ngược của hơn hai thập kỷ tăng trưởng trì trệ, nhu cầu yếu và giá cả suy giảm. Các nhà chức trách Nhật vẫn nói rằng họ không chủ ý làm đồng Yên mất giá, nhưng sự lao dốc mạnh của đồng tiền này là kết quả trực tiếp của chính sách tiền tệ được thúc đẩy bởi Thủ tướng Shinzo Abe.
Các công ty của Nhật Bản rất hứng khởi trước sự giảm giá của đồng nội tệ. Hôm thứ Tư tuần này, nhà sản xuất ôtô Toyota cho biết, đồng Yên suy yếu đã giúp lợi nhuận hoạt động của hãng tăng thêm 150 tỷ Yên, tương đương khoảng 1,5 tỷ USDS, trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Lợi nhuận ròng cả năm tài khóa của Toyota đạt mức 921,6 tỷ USD, tăng gấp 3 so với tài khóa trước.
Đồng Yên giảm giá cũng sẽ giúp lợi nhuận của các nhà đầu tư Nhật Bản ở nước ngoài chuyển về nước tăng thêm. Theo đó, thúc đẩy quá trình tăng lương và tiêu dùng tại thị trường nội địa. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, tâm lý của người tiêu dùng Nhật đang ở mức khả quan nhất kể từ tháng 5/2007.
Lạm phát hiện vẫn là một vấn đề mà nhiều quốc gia lo ngại, nhưng Nhật Bản đã đối mặt với một vấn đề hoàn toàn ngược lại suốt nhiều năm qua. Giá cả suy giảm khiến các hoạt động kinh tế trì trệ vì người dân trì hoãn việc mua sắm với kỳ vọng sẽ mua được với giá rẻ hơn. Chính phủ Nhật mong muốn, bằng cách bơm mạnh tiền vào nền kinh tế, họ sẽ phá vỡ được tư tưởng này của người dân.
Tuy nhiên, sự giảm giá mạnh của đồng Yên không phải không gây lo ngại. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, nếu đồng Yên giảm giá quá nhiều, thì điều đó sẽ gây hại nhiều hơn là làm lợi cho nền kinh tế Nhật, vì các mặt hàng nhập khẩu như năng lượng và lương thực sẽ tăng giá quá nhanh.
Thậm chí, với đồng yên giảm giá, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản mới đây đã hạ nhẹ triển vọng tăng trưởng và lạm phát của nước này trong 2 năm tới. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật được dự báo chỉ tăng 0,6%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà BoJ đề ra.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ của Nhật có thể sẽ kiềm chế tăng giá tới mức nhiều nhất có thể vì lo ngại sẽ khiến nhu cầu còn mong manh thêm yếu. Chuỗi nhà hàng mỳ Hanamaru cho biết, hãng này đang chật vật giữ giá bán ở mức thấp nhất là 105 Yên mỗi bát mỳ trong bối cảnh giá bột mỳ nhập khẩu tăng cao. Hiện Hanamaru đã phải thành lập một ban về cắt giảm chi phí để xem xét tình hình.
Tháng trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cảnh báo, dù đồng Yên giảm giá có thể sẽ giúp ích cho lợi nhuận của các công ty Nhật, ảnh hưởng của sự giảm giá đồng tiền này có khả năng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Theo Moody’s, động thái của BoJ và sự suy yếu của đồng Yên “chỉ giúp Chính phủ Nhật có thêm thời gian để thúc đẩy một chương trình cải cách cơ cấu đáng tin cậy hơn”.