Doanh nhân Việt: Vài cái tên giàu nhất TG không phải là mục tiêu

Mục tiêu phát triển giới doanh nhân Việt không phải có được một vài tên tuổi giàu nhất thế giới mà hàng triệu doanh nhân có thể thâm nhập thị trường toàn cầu.

Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ về "sự trở lại" của đội ngũ doanh nhân Việt Nam sau "cơn bão khủng hoảng" nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Doanh nhân Việt: Vài cái tên giàu nhất TG không phải là mục tiêu - 1

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Vượt qua thời kỳ kinh doanh "ăn sổi", doanh nhân Việt Nam đang chờ đợi một thể chế, môi trường kinh doanh bình đẳng

Chỉ cần một triệu đồng cũng lập được DN...

Cộng đồng DN Việt Nam vừa qua đã có 10 năm thăng trầm, theo ông bài học xương máu rút ra đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam sau cuộc khủng hoảng vừa rồi là gì, thưa ông?

Làm kinh doanh thời kỳ trước đây như đi “trảy hội”, người người lao vào kinh doanh. Cơ hội kinh doanh lúc đó rất dễ dàng, làm gì cũng ra tiền, số lượng doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) tăng nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn. Thậm chí, chỉ cần một triệu đồng trong tay cũng có thể thành lập được doanh nghiệp.

Nhưng khi cơn bão khủng hoảng quét qua, ngay lập tức DNVN đã bộc lộ điểm yếu và hàng trăm ngàn DN đã không thể trụ vững sau “cơn bão” này.

Bài học xương máu mà các doanh nhân Việt rút ra sau bão, chính là sự phát triển bùng nổ, có phần dễ dãi và chạy theo trào lưu đầu tư sang các lĩnh vực không thuộc thế mạnh như bất động sản, ngân hàng ... mà quên “bám” vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Họ cũng quên rằng kinh doanh cũng là một nghề, cần sự cẩn trọng, bài bản và chuyên nghiệp. Những nền tảng này đối với doanh nhân Việt thời điểm đó gần như bằng 0.

Dư luận gần đây chú ý tới câu chuyện một trong những tập đoàn điện tử lớn như Samsung than phiền, không có DN ngành công nghiệp hỗ trợ nào của Việt Nam cung cấp nổi con đinh, ốc vít cho tập đoàn này.... Trước bối cảnh hội nhập, câu chuyện này gợi lên cho ông suy nghĩ gì về năng lực DN Việt? 

Phải nhìn nhận rất công bằng rằng, nhiều DNVN đã sản xuất được sản phẩm hỗ trợ cho các tập đoàn lớn trên thế giới, thậm chí những sản phẩm, chi tiết này còn phức tạp hơn cả sản phẩm cung ứng cho Samsung. 

Mỗi tập đoàn, hãng sản xuất lớn đều có tiêu chuẩn riêng của mình và DN cung cấp linh kiện sẽ làm theo “đơn đặt hàng” tiêu chuẩn của hãng đó. Có thể, DNVN sản xuất và xuất khẩu được ốc vít sang châu Âu nhưng chưa phù hợp với “đơn đặt hàng” của Samsung. Còn nếu chỉ nhìn một chiều rằng, DN công nghệ hỗ trợ không sản xuất được ốc vít cho Samsung mà vội vàng kết luận năng lực DNVN yếu là không đúng.

Hiện, DNVN chủ yếu là DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nên thâm nhập thị trường thế giới từ cái tăm, lọ tương ớt chứ không phải khi không sản xuất ra được bộ phận cho chiếc điện thoại mà đã vội vàng kết luận và phủ nhận hoàn toàn nền công nghiệp trong nước là không đúng.

Kỳ vọng ở thế hệ doanh nhân F2

Sau những sóng gió, bầu không khí kinh doanh liệu đã trở lại thời kỳ “hừng hực khí thế” như trước đây, thưa ông? 

Niềm tin DN đã quay trở lại, quá trình đầu tư của các doanh nhân đã cẩn trọng, bài bản hơn. Họ đầu tư bớt ồn ào, bớt “sóng trào” như giai đoạn trước và đi vào chiều sâu, thực chất.

Quá trình hội nhập tới đây sẽ mở ra không gian, cơ hội lớn, song khi dỡ bở hàng rào thuế quan thì với một thế giới phẳng thì lại có một hàng rào mới xuất hiện, đó là hàng rào kỹ thuật (trách nhiệm xã hội, vệ sinh an toàn hàng hoá...) trong từng sản phẩm.

Doanh nhân Việt: Vài cái tên giàu nhất TG không phải là mục tiêu - 2

Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam sau khủng hoảng đã quay trở lại

Như vậy, vấn đề với đội ngũ doanh nhân Việt trước quá trình hội nhập sâu rộng tới không phải là giá cả, không phải là chất lượng, chi phí mà yếu tố “chốt chặn” quyết định sản phẩm có vào được thị trường toàn cầu hay không lại là trách nhiệm xã hội của DN. Nghĩa là DN phải đổi mới công nghệ, quản trị và làm tốt trách nhiệm xã hội với từng sản phẩm.

Tôi vẫn nói với các doanh nhân rằng, đàm phán TPP, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, hay gần nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, thì cũng chỉ tạo ra cơ hội, mảnh đất màu mỡ để doanh nhân canh tác, nhưng không đảm bảo anh có được “mùa vàng” trên mảnh ruộng đó. Người làm kinh doanh bây giờ không giống thời kỳ chỉ cần mặc áo đẹp đi “trảy hội” trước đây, mà kinh doanh là phải “vác cày” trên mảnh ruộng, tận dụng cơ hội.

Chặng đường doanh nhân “bảy chìm ba nổi”, ông kỳ vọng gì vào một thế hệ doanh nhân mới?

Trải qua những thăng trầm và có được cho mình bài học xương máu, giờ chúng ta đang hình thành một thế hệ doanh nhân mới với sức trẻ, chuyên nghiệp, bài bản, tinh thần học hỏi và sáng tạo không ngừng.

Như tôi nói, chúng ta đang có một thế hệ doanh nhân làm ra thương hiệu VN với tinh thần yêu nước, dân tộc. Một thế hệ doanh nhân không ồn ào mà thực chất, đủ sức đương đầu với sóng gió của hội nhập.

Các doanh nhân trụ lại được tới thời điểm này họ đã rút ra cho mình bài học kinh doanh riêng. Cũng vẫn là những cái tên như Võ Quốc Thắng, Vũ Văn Tiền, Trương Gia Bình... nhưng 10 năm trước và hiện tại đã khác biệt. Họ đã trưởng thành hơn rất nhiều, độ bền bỉ cũng được tôi luyện, như người sau “cơn ốm” đã ngộ ra và thay đổi.

Không chỉ những thế hệ doanh nhân trước được trải nghiệm, tôi luyện qua thử thách, mà ngay cả thế hệ doanh nhân mới (thế hệ F2) hiện giờ cũng đã rắn rỏi hơn, được học hành bài bản hơn. Chúng ta rất kỳ vọng vào thế hệ doanh nhân F2 này.

Có tố chất, nhưng doanh nhân trẻ VN cần bệ đỡ vững chắc hơn để có thể thành công, theo ông bệ đỡ quan trọng nhất là gì?

Đúng vậy, quan trọng nhất với DN là môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng. Trước ngưỡng cửa hội nhập lớn quyết định số phận đất nước, nếu khuyến khích được lòng tự hào dân tộc qua từng thương hiệu, sản phẩm thì từng DN sẽ như những viên gạch xây dựng thành trì kinh tế VN.

Tôi vẫn nghĩ, mỗi thương hiệu sản phẩm DN là 1 bộ phận trong cơ thể kinh tế VN. Những cái tên như Bitis’s, Gạch Đồng Tâm... khi xuất hiện trên thị trường quốc tế không phải của riêng ông chủ DN, của riêng người lao động DN đó, mà đằng sau mỗi thương hiệu, mỗi sản phẩm là nguồn thu ngân sách, việc làm thu nhập người lao động và thể diện đất nước VN.

Nên khi sử dụng sản phẩm “made in Vietnam” chúng ta phải hiểu, trân trọng và phải nâng niu từng đó, coi đó như tài sản quốc gia, như màu cờ sắc áo của VN.

Muốn tận dụng được cơ hội hội nhập đem lại, thì ngoài bầu không khí của một môi trường kinh doanh mới, tự do, bình đẳng và một thể chế được cởi trói sẽ tạo nên sức bật, sức đẩy cho doanh nhân Việt Nam vươn xa.

Là người gắn bó và thấu hiểu cộng đồng DN VN, ông có niềm tin trong 5 – 10 năm nữa sẽ có thêm nhiều những cái tên doanh nhân thế hệ F2 của Việt Nam được vinh danh trong top doanh nhân giàu nhất thế giới?

VCCI cũng đề ra mục tiêu có 1 triệu doanh nhân hoạt động có hiệu quả trong 5-10 năm tới, có thương hiệu sánh vai với thương hiệu hàng đầu thế giới và khu vực. Nhưng vấn đề không phải có được một vài thương hiệu hay vài chục thương hiệu được nêu danh giàu nhất thế giới, mà cái chúng ta cần quan tâm tới hàng triệu doanh nhân đó phải là những người đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng thâm nhập thị trường toàn cầu. Giống như trong mỗi trận thi đấu bóng đá, muốn thắng cần sự đấu tranh và quyết tâm của cả 11 cầu thủ trên sân cỏ chứ không phải chỉ trông chờ vào một cầu thủ xuất sắc nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN