Doanh nghiệp minh bạch, NH “mời” vay vốn

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), từ đầu năm đến nay NHNN Việt Nam đã 5 lần điều chỉnh lãi suất, đây là động thái tích cực. Về phía DN, để tiếp cận được nguồn vốn các DN cũng đang chủ động nâng cao năng lực bằng cách minh bạch hóa báo cáo kinh doanh, quản trị tài chính, quản trị rủi ro. Trên thực tế, những DN này đã có thể tiếp cận nguồn vốn vay nhanh, với mức lãi suất thấp so với mặt bằng chung.

Trong khi nhiều doanh nghiệp chấp nhận lãi suất cao nhưng vẫn không tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, thì không ít doanh nghiệp lại được ngân hàng mở “hầu bao” rộng rãi. Điển hình như công ty Tín Thành một doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TPHCM đã được các ngân hàng đến tận nơi mời chào vay vốn. Mức lãi suất ngân hàng đưa ra cũng khá ưu đãi, 14% cho những khoản vay trung và dài hạn, còn những khoản vay ngắn hạn mức lãi suất sẽ là 13%. Lý giải về điều nay, Ông Đinh Quang Hùng, TGĐ công ty Tín Thành cho rằng: Sở dĩ ngân hàng có  một phần do báo kinh doanh, báo cáo tài chính của công ty được minh bạch hóa, vấn đề quản trị rủi ro cũng được xây dựng bài bản.

Cũng theo ông Hùng, sổ sách minh bạch, tài chính lành mạnh thì ngân hàng sẽ không ngại cho vay. Đối với ngân hàng, sức khỏe của DN là một trong những yêu cầu rất quan trọng. Khi ngân hàng đánh giá doanh nghiệp tốt thì họ sẽ cho vay với mức lãi suất tốt và doanh nghiệp không mất công đi tiếp cận. Trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều ngân hàng đến các doanh nghiệp tốt để cho vay.

Doanh nghiệp minh bạch, NH “mời” vay vốn - 1

Hiện nay khoảng 65% vốn vay cũ đã được đưa về mức 15%, nhiều doanh nghiệp cho biết cũng đã tiếp cận được các khoản vay mới với lãi suất từ 13 đến 14% (Ảnh minh họa).

Để minh bạch hóa báo cáo kinh doanh, các doanh nghiệp cần quản lý chặt chẽ vấn đề hàng tồn kho. Tất cả thông tin về các lô hàng tồn kho như: ngày sản xuất, khối lượng, độ rủi ro…phải đưa vào sổ sách. Nhờ đó, các ngân hàng cũng yên tâm khi cho vay vốn và doanh nghiệp cũng có thể quản lý tốt tình hình kinh doanh của mình.

Trên thực tế, các ngân hàng cũng muốn đẩy nhanh quá trình cho vay vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay độ rủi ro rất cao nên các ngân hàng cũng thận trọng khi cho vay. Thậm chí, các ngân hàng có thể chấp nhận cho vay với mức lãi suất thấp nhưng phải đảm bảo được khả năng thanh toán.

Để có được niềm tin từ phía ngân hàng, doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ năng lực dựa trên nền tảng minh bạch hóa, đưa ra kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn để quản lý được độ rủi ro.

Theo Ông Phạm Linh – Phó TGĐ ngân hàng TMCP Phương Đông cho rằng: Doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thị trường rất rõ, rất chặt để biết đối tượng khách hàng của mình là ai và khả năng mở rộng thế nào để có thể mở rộng kinh doanh cũng như vay vốn. Chỉ có như vậy, công tác quản lý rủi ro mới an toàn được. Doanh nghiệp không thể chỉ quản lý rủi ro ở công tác bán hàng, mà phải quản lý từ lúc khảo sát thị trường đến khi triển khai. Đối với doanh nghiệp có công tác quản trị rủi ro, quản trị tài chính tốt thì khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng không khó khăn.

Việc minh bạch hóa sổ sách kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, quản trị tài chính không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, mà còn giúp quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Hiện nay khoảng 65% vốn vay cũ đã được đưa về mức 15%, nhiều doanh nghiệp cho biết cũng đã tiếp cận được các khoản vay mới với lãi suất từ 13 đến 14%. Các doanh nghiệp tiếp cận được với mức lãi suất trên đều có 1 điểm chung là sức khỏe tài chính tốt, hồ sơ năng lực minh bạch và chiến lược kinh doanh rõ ràng.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Chi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN