Doanh nghiệp chưa rõ Luật Cạnh tranh

Có tới 30,6% DN được khảo sát chưa từng biết đến Cục Quản lý Cạnh tranh cho tới khi được hỏi.

Báo cáo Khảo sát doanh nghiệp và phỏng vấn chuyên gia về pháp luật cạnh tranh Việt Nam do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) mới công bố cho thấy có tới 92,8% trong số 500 DN được khảo sát “chưa hiểu rõ” về Luật Cạnh tranh, số DN “hiểu rất rõ” chỉ chiếm 1,6%. Đó là chưa kể một lượng lớn DN đã được loại bỏ ra khỏi cuộc khảo sát do “không biết gì”, không sẵn sàng trả lời các câu hỏi hoặc từ chối tham gia khảo sát.

Ngại vận dụng luật

Để đánh giá mức độ vận dụng pháp luật cạnh tranh tại DN, đơn vị khảo sát đã xem xét một số hoạt động như thành lập bộ phận phụ trách riêng đối với việc tuân thủ Luật Cạnh tranh; phát hiện các hành vi có khả năng vi phạm Luật Cạnh tranh, khiếu nại hoặc cung cấp thông tin về hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh cho các cơ quan chức năng...

Cụ thể, có tới 73,2% DN không có bộ phận pháp chế nói chung, chỉ 26,8% có đơn vị riêng phụ trách việc tuân thủ pháp luật, bao gồm Luật Cạnh tranh.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản Út Xi, cho biết: “Lúc nào vướng phải cạnh tranh thì nhờ đến Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam hỗ trợ tìm luật sư, chuyên gia thôi”. Hiện công ty của ông cũng không hề có bộ phận pháp chế riêng về Luật Cạnh tranh.

Cũng theo khảo sát, số lượng DN đã từng nhận thấy dấu hiệu hành vi vi phạm còn ít hơn so với số DN có bộ phận pháp chế riêng. Phần lớn các DN (75,6%) chưa bao giờ nhận ra hành vi kinh doanh có khả năng vi phạm Luật Cạnh tranh, còn lại không biết về các hành vi đó. Thậm chí một số DN nhầm lẫn dấu hiệu của hành vi bán phá giá (trong phòng vệ thương mại) với hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh.

Chẳng hạn, một số DN ngành tiêu dùng nói có biết Luật Cạnh tranh nhưng không nắm rõ lắm vì chưa bị ảnh hưởng bởi hàng ngoại nhập. Một DN trong ngành hóa mỹ phẩm nói điều DN lo lắng nhất là siêu thị ưu ái nhãn hàng riêng của mình hơn sản phẩm của DN nên hàng hóa của DN khó cạnh tranh lại. DN không biết điều này có nằm trong quy định của Luật Cạnh tranh không? Nếu có thì không biết cơ quan nào hỗ trợ DN được? (Có tới 30,6% DN được khảo sát chưa từng biết đến Cục Quản lý Cạnh tranh cho tới khi được hỏi).

Theo ông Ngô Phước Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phần lớn DN Việt Nam chưa bao giờ nhận ra hành vi kinh doanh có khả năng vi phạm Luật Cạnh tranh hoặc DN không hề biết về các hành vi đó. “Ít DN nói được rõ hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh. Và vẫn có nhiều DN nhầm lẫn với các vụ việc phòng vệ thương mại do Cục Quản lý Cạnh tranh thực thi theo pháp lệnh chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, mà không phải căn cứ theo Luật Cạnh tranh” - ông nói.

Biết nhưng ngại khiếu nại

Kết quả khảo sát còn cho thấy mặc dù nhận biết được dấu hiệu vi phạm nhưng chỉ có 3,2% DN từng nghĩ đến việc đệ đơn khiếu nại hoặc cung cấp thông tin về vụ việc cho cơ quan chức năng. Trong khi đó đến 96,8% chưa từng nghĩ đến việc khiếu nại vụ việc cạnh tranh đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ông Ngô Phước Hậu nhận định, qua bảy năm thực thi, sự lan tỏa Luật Cạnh tranh vào trong cộng đồng DN còn hạn chế, đặc biệt là với DN nhỏ và vừa. Do chưa nhận thức đúng nên DN ngại va chạm, ngại can dự vào các vấn đề liên quan đến pháp lý, dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả công cụ Luật Cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ nhiệm Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng dù biết DN kia vi phạm Luật Cạnh tranh nhưng đa số DN ngại kiện. Họ cho rằng hành vi đó không gây thiệt hại trực tiếp hoặc có gây thiệt hại nhưng không đáng kể. Một lý do khác đáng chú ý là thủ tục khiếu nại phiền phức hoặc ngại làm việc với cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong tương lai. Yêu cầu này có thể nói là vượt quá khả năng của các DN vừa và nhỏ, vì để thu thập được thông tin từ các cơ quan chức năng không dễ. Phí khởi kiện đối với các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh là 10 triệu đồng, với các hành vi hạn chế cạnh tranh là 100 triệu đồng cũng làm DN e ngại.

Rõ ràng DN Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm một cách đúng mức đối với pháp luật cạnh tranh, một đạo luật lẽ ra phải được coi là xương sống của nền kinh tế thị trường.

Quy định chặt hơn về độc quyền của DN nước ngoài

DN trong nước tố DN nước ngoài độc quyền về thị trường thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhưng họ vẫn chứng minh được sự trong sạch vì… thực hiện đúng Luật Cạnh tranh, có được con số thị phần chiếm dưới 18%. Qua đó cũng cho thấy sự hiểu biết của DN trong nước về Luật Cạnh tranh còn thấp. Luật Cạnh tranh cần có những quy định chặt chẽ về sự độc quyền của DN nước ngoài tại thị trường Việt Nam mới giúp được phần nào cho DN”.

Ông PHẠM ĐỨC BÌNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy - Anh Thi (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN