“Đã có kịch bản giải cứu bất động sản”

“Hiện kịch bản giải cứu cho nền kinh tế, cho bất động sản chúng tôi đã có trong tay rồi. Bất động sản sẽ được cứu bằng giải pháp tài chính”.

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Tp.HCM và các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, ngày 15/12.

Mục đích của buổi gặp gỡ này là nhằm tìm ra giải pháp thích hợp, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn và đầu ra cho các doanh nghiệp bất động sản tại Tp.HCM.

Hàng loạt kiến nghị, đề xuất đã được các doanh nghiệp đưa ra tại buổi làm việc, từ việc bơm vốn cho thị trường, miễn giảm thuế, cho xây căn hộ diện tích nhỏ (25m2) đến việc cho phép và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công năng các dự án dở dang thành bệnh viện, trường học, văn phòng... để tăng cơ hội tìm kiếm đầu ra cho hàng tồn…

“Đã có kịch bản giải cứu bất động sản” - 1

"Muốn phá băng thị trường bất động sản thì trước hết phải làm cho thị trường ấm lên"

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Vương Đình Huệ, cho biết hiện Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu để đề xuất Chính phủ và Quốc hội phê duyệt theo thẩm quyền về những giải pháp tài chính để hỗ trợ thị trường, kích thích tăng trưởng, qua đó giải quyết tồn kho và nợ xấu cho lĩnh vực bất động sản.

“Tôi đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tp.HCM, khảo sát trực tiếp một số tỉnh ở miền Trung, miền Bắc và có nhiều buổi làm việc nữa về chuyên đề thị trường bất động sản để hoàn tất đề án giải cứu thị trường bất động sản, báo cáo lên Thủ tướng. Hiện kịch bản giải cứu cho nền kinh tế, cho bất động sản chúng tôi đã có trong tay rồi. Bất động sản sẽ được cứu bằng giải pháp tài chính”, Bộ trưởng Huệ cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, muốn phá băng thị trường bất động sản thì trước hết phải làm cho thị trường ấm lên. Phá băng bất động sản phải bằng một giải pháp tổng thể như minh bạch từ giá bán, tạo niềm tin để giúp thị trường hồi phục. Theo Bộ trưởng, việc này tuy khó nhưng cách làm có thể là kích thích ấm từng phân khúc, từng khu vực của thị trường.

Tuy nhiên, sau khi xem các báo cáo về thị trường bất động sản Tp.HCM, Bộ trưởng Vương Đình Huệ lại hoài nghi: “Dư nợ cho vay bất động sản trên 66.000 tỷ đồng trong khi tồn kho chỉ có 30.000 tỷ đồng thì số tiền kia chạy đi đâu? Chưa kể vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư còn bỏ tiền ra nữa”.

“Theo tôi biết, hiện nay doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 30%, đi vay 70%, sau 2 năm làm bán không được nhà coi như mất hết. 66.000 tỷ đồng vốn vay, cộng vốn chủ sở hữu nữa, phải trên 100.000 tỷ đồng, như vậy nói tồn kho 30.000 tỷ đồng thì 70.000 tỷ đồng chạy đi đâu. Số liệu này có chính xác hay không? Nếu nợ xấu chỉ có 4.145 tỷ đồng là không đáng lo vì quá nhỏ. Do đó cần xác định chính xác, nếu không đánh giá đúng thì khó bắt bệnh được”, Bộ trưởng Huệ nói tiếp.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã thống nhất với đề xuất giảm thuế để tăng thu cho doanh nghiệp. Các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và cả vật liệu xây dựng sẽ được Bộ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Những doanh nghiệp dưới 200 lao động sẽ đóng mức thuế này là 20% với thời gian dự kiến áp dụng từ 1/1/2014, tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ áp dụng sớm hơn.Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

Liên quan tới gói tài chính cứu bất động sản, Bộ trưởng Huệ cho biết, Chính phủ sẽ cân nhắc dựa trên tham mưu của nhiều bộ ngành và các chuyên gia.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ trưởng Huệ cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ đưa từ mức 25% hiện tại xuống còn 20-23% cho tất cả các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp dưới 200 lao động sẽ đóng mức thuế này là 20% với thời gian dự kiến áp dụng từ 1/1/2014, tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ áp dụng sớm hơn.

Riêng với nhà ở xã hội sẽ được hưởng thuế ưu đãi là 10%. Tiền thuê đất tiếp tục cho giảm 50%. Đồng thời cũng sẽ thống nhất tiếp thu việc cho phép nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Không phải đến giờ Chính phủ mới đặt vấn đề mà nghị quyết Quốc hội đã đặt vấn đề giải quyết nợ xấu và tồn kho bất động sản. Trách nhiệm thuộc Chính phủ nên Thủ tướng sẽ làm việc với các địa phương, nhất là Hà Nội và Tp.HCM về nợ đọng, tồn kho bất động sản bởi thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, có mối quan hệ mật thiết với các ngành tài chính, vật liệu xây dựng, lao động, liên quan đến vấn đề tăng trưởng, thu ngân sách...”, Bộ trưởng Huệ khép lại buổi làm việc. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Anh (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN