Chuyện khởi nghiệp VN: Đừng "hỗ trợ ngược" cho DN nữa!

Năm 2016 được kỳ vọng là một năm mà kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ dựa trên sự hội nhập sâu rộng, trong đó Việt Nam được kỳ vọng sẽ bắt đầu hòa vào dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu.

Chuyện khởi nghiệp VN: Đừng "hỗ trợ ngược" cho DN nữa! - 1

Tuy nhiên sau khi 3 tháng đầu năm trôi qua, có vẻ như chúng ta lại đang đi trên một con đường ngược lại với xu thế chung của toàn thế giới. Trên khắp thế giới, làn sóng khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thì ở Việt Nam – một nước có tỷ lệ doanh nghiệp/người dân thấp nhất thế giới, lại đang đi ngược lại trào lưu này. Và nhất là trong khi cả thế giới đều đang chọn cách gỡ các rào cản để làn sóng khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn thay vì hỗ trợ vốn, thì Việt Nam cũng lại đang làm ngược lại: hỗ trợ vốn thay vì hỗ trợ môi trường đầu tư. Muốn phát triển, Việt Nam hãy đừng hỗ trợ ngược cho các doanh nghiệp nữa.

Đã có quá nhiều những lời kêu gọi và đề xuất cởi trói và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp trước thời điểm năm 2016 bắt đầu. Lần đầu tiên, nghị quyết đại hội Đảng cũng công nhận kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế Việt Nam, và đồng nghĩa với việc cam kết những cải cách mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khi năm 2016 đã diễn ra được 1/4, thì dường như không có gì được cải thiện mà mọi chuyện có vẻ còn đang tiếp tục xấu đi là đằng khác.

Những con số thống kê đang minh chứng cho điều này, khi mà theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong quý I năm nay số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động và giải thể lên đến trên 20.000, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới cũng chỉ đạt 23.767. Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động vì thế bằng 84% so với thành lập mới. Đây là một tín hiệu đáng báo động khi mà trong giai đoạn 2007-2011 khi nền kinh tế Việt Nam khủng hoảng và các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động hơn bao giờ hết, thì số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động chỉ bằng 15-20% số doanh nghiệp mới thành lập mà thôi.

Lý giải cho thực trạng đáng báo động này, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do môi trường kinh doanh ít được cải thiện hơn, và đang gây nhiều sức ép hơn bao giờ hết lên doanh nghiệp. Vì một thực tế rất rõ ràng là từ đầu năm 2016 đến nay các hỗ trợ về mặt chính sách đối với cộng đồng doanh nghiệp là cực ít, trong khi đó các rào cản và điều kiện ràng buộc thì lại ngày một nhiều lên. Điển hình là lãi suất tăng, các chi phí về lao động, bảo hiểm, công đoàn và nhiều khoản thuế như thuế môn bài tăng mạnh; chưa kể phí môi trường, chi phí vận tải cũng tăng. Thậm chí các dấu hiệu của chính sách “tận thu” đối với doanh nghiệp cũng đã bắt đầu xuất hiện, khi có những khoản trước đây không thu thì giờ đây lại thu. Nếu như trước đây tỷ lệ thuế phí/doanh thu của các doanh nghiệp tại Việt Nam vào khoảng 39-40%, thì sau giai đoạn tăng mạnh các khoản thu vừa qua chắc chắn tỷ lệ này sẽ còn tăng cao hơn nữa. Nói cách khác, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam không những không được cải thiện như những gì cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng trong năm 2016 để nắm bắt cơ hội do hội nhập đem lại, mà còn đang trở nên xấu đi hơn bao giờ hết.

Nói cho công bằng, thì thực tế là Chính phủ cùng các bộ ngành cũng đã có những hỗ trợ nhất định đối với cộng đồng doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, nhưng tính đến thời điểm hiện tại tất cả đều khá nhỏ giọt và bị đánh giá là lạc lõng và thiếu hiệu quả. Điểm qua những hỗ trợ chủ đạo nhất từ phía Chính phủ và các bộ ngành mà chúng ta thấy trong các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ hay nông nghiệp, thì chủ yếu là những hỗ trợ về vốn. Chẳng hạn như các quy định hỗ trợ 70% về vốn cho các dự án đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, hay mới đây nhất là quy định hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng các trang trại nông nghiệp miễn là không quá 2 tỉ đồng. Những quy định hỗ trợ này là những động thái đáng ghi nhận từ phía Chính phủ và các bộ ngành, chỉ có điều là nó quá ít và thiếu hiệu quả, và đang cho thấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ đang vận hành theo một hướng đi ngược lại với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.

Trong các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp của hầu hết các quốc gia trên thế giới, thì hỗ trợ về vốn chỉ được xem là thứ yếu. Những hỗ trợ được cộng đồng doanh nghiệp và giới khởi nghiệp đánh giá cao nhất và quan trọng nhất là về chính sách, pháp luật và các điều kiện khởi nghiệp cũng như môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Các yếu tố này tác động trực tiếp tới sự thành công của các dự án đầu tư và khởi nghiệp, và khi các dự án này thành công thì việc gọi vốn đầu tư từ bên ngoài là điều rất dễ dàng mà không cần Nhà nước và Chính phủ hỗ trợ. Không chỉ có các ngân hàng mà rất nhiều các quỹ đầu tư và nhà đầu tư sẽ ngay lập tức cung cấp vốn cho các dự án thành công này ở một quy mô thậm chí lớn hơn mức vốn mà Chính phủ có thể hỗ trợ rất nhiều.

Có thể thấy, Việt Nam đang đi ngược lại với xu thế chung của thế giới. Chúng ta vẫn đang đưa ra những hỗ trợ về vốn thay vì cải thiện môi trường đầu tư thông qua điều chỉnh chính sách và pháp luật, chưa kể những hỗ trợ về vốn này còn rất nhỏ giọt. Không khó để dự đoán được những hỗ trợ hời hợt này sẽ chẳng đi đến đâu, vì thực chất là chúng ta vẫn đang trong tình trạng "chữa cháy" chứ không phải là tái cơ cấu và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như vẫn thường ngộ nhận. Nhất là trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang gặp khó khăn nghiêm trọng như hiện nay, thì việc Chính phủ hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp lại càng là việc không nên làm. Thay vào đó nếu như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua điều chỉnh chính sách và pháp luật, thì đó sẽ là một mũi tên trúng hai đích, vừa giảm áp lực cho ngân sách mà vừa giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn hết.

Nhìn lại giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã trải qua quá đủ những bi kịch khi thử nghiệm những tư duy kinh tế đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới với giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2011 vẫn còn rất nóng hổi. Bài học lớn nhất mà chúng ta rút ra được qua cuộc khủng hoảng vừa rồi là những hậu quả nghiêm trọng chắc chắn sẽ đến nếu như tiếp tục những chính sách kinh tế phiêu lưu và thiếu cẩn trọng dựa trên những tư duy đi ngược lại với thế giới và với thời đại. Việt Nam không thể một mình một đường. Và vì thế, đừng hỗ trợ ngược cho doanh nghiệp nữa vì nó không chỉ không có hiệu quả mà còn gây ra hậu quả không kém phần nghiêm trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhàn Đàm (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN