Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nợ đọng thuế đến ngày 30/9 là 73,9 nghìn tỷ đồng

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ trưởng Tài chính cho biết tổng số nợ thuế đến ngày 30/09/2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu hồi là 27.648 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng số nợ thuế.

Chiều 01/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình về 3 nội dung được các ĐBQH quan tâm gồm Thu ngân sách nhà nước (NSNN), chi NSNN, và bội chi NSNN.

Về thu NSNN, có ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến đạt 6,7%, vậy tại sao NSNN chỉ tăng thu 2,3% so với dự toán, vì sao tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến đạt 6,7%, nhưng dự toán thu NSNN chỉ tăng 6,4%?

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, mặc dù GDP năm 2017 dự kiến đạt 6,7%, nhưng theo báo cáo của Chính phủ, vẫn còn nhiều mặt hạn chế và yếu kém, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, năng suất lao động chưa cao, sản xuất của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Về bản chất, NSNN là thước đo quan trọng cho sự phát triển hiệu quả của nền kinh tế, vì vậy, kết quả thực hiện NSNN chịu sự tác động từ những yếu tố của nền kinh tế. Dự toán năm 2017 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế 6,7% và lạm phát 4%, trong khi thu ngân sách ước vượt 2,3% so với dự toán là tích cực.

Nếu so với năm 2016, thu NSNN năm 2017 có thể tăng 10,7%, trong đó thu nội địa từ SXKD tăng 14%, góp phần bù đắp cho tác động của việc cắt giảm các dòng thuế và nguồn thu từ dầu thô.

Tương tự, dự toán năm 2018 cũng là rất tích cực, tăng 8,6% so với thực hiện năm 2017, trong đó riêng từ hoạt động SXKD tăng 12,5%. Tổng thu NSNN năm 2018 dự kiến tăng 6,4%.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng mặc dù kinh tế có khởi sắc nhưng nhiều DN còn gặp khó khăn, việc cơ cấu lại DNNN và các tổ chức tín dụng còn chậm, tình hình SXKD của một số tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực sản xuất ô tô, khai khoáng, thủy điện, khí thiên nhiên vốn có đóng góp lớn vào NSNN thì năm nay gặp khó khăn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nợ đọng thuế đến ngày 30/9 là 73,9 nghìn tỷ đồng - 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội.

Đối với thu ngân sách từ dầu thô, dự kiến năm 2017 tổng thu ngân sách từ dầu thô chỉ chiếm 3,2% trong tổng thu NSNN, từ 20% trong giai đoạn 2006-2010. Thu từ cổ phần hóa DNNN đến hết tháng 9/2017 mới đạt 10 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng huy động NSNN/GDP của Việt Nam năm 2018 là 23,9% GDP, trong đó thu từ thuế chiếm 17%.

Về số nợ đọng thuế, Bộ trưởng Tài chính cho biết tổng số nợ thuế đến ngày 30/09/2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu hồi là 27.648 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng số nợ thuế. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế là 18.061 tỷ đồng. Nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nợ thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, hoặc đang thi hành án hình sự là 28.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,2% tổng số nợ đọng thuế, số này bao gồm 695.240 đối tượng, bao gồm 186.293 doanh nghiệp và 508.947 hộ kinh doanh và cá nhân. Nợ thuế có khả năng thu hồi tương đương 3% tổng thu NSNN, số thuế nợ đọng có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.

Về chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng dự toán chi NSNN đã tăng tỷ trọng thu nội địa lên 83%. Chi đầu tư phát triển tăng lên trong khi chi thường xuyên đã giảm.

Về 21 chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay có 12 chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có 7 chương trình chi thường xuyên, còn lại 9 chương trình chưa được phê duyệt.

Về bội chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết dự toán số thu NSNN năm 2018 mặc dù đã tính ở mức tích cực, nhưng so với nhu cầu chi tiêu vẫn thấp; đặc biệt là nhu cầu bảo đảm nguồn tăng chi đầu tư, thực hiện chế độ, chính sách, chi an ninh, quốc phòng... Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội dự toán bội chi NSNN năm 2018 ở mức 3,7% cho đầu tư phát triển.

Dự toán bội chi NSNN (204 nghìn tỷ) thấp hơn dự toán chi ĐTPT (399,7 nghìn tỷ), nghĩa là ngoài phần vay bội chi, trong cân đối chúng ta đã tiết kiệm và dành thêm một phần từ thu NSNN cho chi ĐTPT.

Đồng thời, để phù hợp với mục tiêu kiểm soát bội chi giai đoạn 2016-2020, Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm quốc gia 2018-2020, trong đó bội chi các năm sẽ giảm dần, năm 2018 là 3,7%GDP,năm 2019 là 3,6% và 2020 là 3,4%, bình quân 5 năm bội chi khoảng 3,9%GDP, đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Với mức bội chi như trên và kết hợp với các giải pháp siết chặt bảo lãnh, dự kiến dư nợ công đến cuối năm 2018 khoảng 63,9%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 52,5%; dư nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,6%GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN