Bất động sản hết thời cắt lỗ?

Không còn hiện tượng cắt lỗ, đang ở giai đoạn hấp dẫn sau khi vừa “chạm đáy”… là những nhận định của giới chuyên gia địa ốc về thị trường bất động sản hiện nay.

Thị trường bất động sản (BĐS) từ đầu năm đến nay không còn hiện tượng cắt lỗ, thậm chí một số dự án đang hoàn thiện, vị trí đẹp còn bán giá chênh là nhận định của ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Cũng khá lạc quan, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho hay thị trường BĐS Việt Nam đang ở giai đoạn hấp dẫn sau khi vừa “chạm đáy” và có những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ.

“Trong khi Việt Nam đang ở điểm đáy của chu kỳ BĐS, nhiều thị trường khác ở Châu Á lại nằm ở đỉnh của chu kỳ, và có thể giảm trong vài năm tới. Do đó Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư muốn tận dụng sự hồi phục của thị trường, khi những thị trường khác bắt đầu nguội dần”, ông Neil MacGregor nhấn mạnh.

Theo đại diện Savills, BĐS gắn liền với đất hay các dự án phát triển khu đô thị mới là những mảng đầu tư tiềm năng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

“Tôi tin rằng Việt Nam là điểm đến quan trọng cho việc đầu tư BĐS tại khu vực Đông Nam Á và chúng tôi tiếp tục nhận thấy nhu cầu từ nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và các nơi khác. Một số khách hàng của chúng tôi cũng đang tập trung vào các dự án phát triển nhà ở dài hạn trên quy mô lớn hơn”, ông Neil MacGregor cho hay.

Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển bền vững cần có những chính sách đi kèm. Theo ông Vũ Văn Phấn, biện pháp lâu dài cần quy định chặt chẽ điều kiện được giao thực hiện dự án BĐS để bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng như bắt buộc chủ đầu tư phải ký quỹ khi được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án; chủ đầu tư phải có đủ năng lực về tài chính để thực hiện dự án… hay chhủ đầu tư phải có bảo lãnh thì mới được bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay: Chúng ta không dùng tiền ngân sách cũng như vay nợ nước ngoài mà dùng tiền từ Ngân hàng Nhà nước để phục hồi thị trường nên phải chấp nhận tốc độ phục hồi chậm để tránh lạm phát quay lại.

Hơn nữa, thị trường mua bán nợ của Việt Nam vẫn hình thành chậm, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào việc mua bán BĐS … hạn chế nên tốc độ phục hồi BĐS cũng không thể nhanh được.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Nghị định 69 về đánh thuế quyền sử dụng đất quy định thuế quá cao khiến giá thành nhà bị đội lên. Chi phí tăng nên người dân sẽ thấy giá nhà và đất chênh nhau rất nhiều. Đơn cử một ví dụ, nếu giá đất chỉ 400.000 đồng/m2 (đất nông nghiệp) nhưng sau khi cộng các chi phí (bao gồm thuế) thì giá nhà đã lên đến 6,4 triệu/m2.

“Do đó, cần điều chỉnh lại thuế quyền sử dụng đất. Việc đánh thuế này theo giá thị trường là đúng nhưng đánh 100% giá thị trường thì cần sửa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Song, theo vị chuyên gia kinh tế này thì điều hy vọng nhất hiện nay với thị trường BĐS ngoài chuyện phục hồi kinh tế, xử lý nợ xấu đẩy sản xuất kinh doanh tăng lên thì cơ chế tài chính, chính sách cho thị trường này cũng đã minh bạch hơn. Vì vậy, chúng ta có thể hy vọng vào sự phục hồi của thị trường với tốc độ vừa phải.

Chính phủ đã có những chính sách “tạo điều kiện” cho sự phát triển của thị trường BĐS như thành lập các ngân hàng “chuyên” về cho vay BĐS như: MHB, Habubank (đã sáp nhập với AHB), ngân hàng Xây dựng (VNBC)… Các ngân hàng khác cũng được phép phát triển tín dụng BĐS.

“Nếu trước đây, chính sách chỉ dừng ở mức tạo điều kiện thì khi gói 30.000 tỷ ra đời được coi là gói tín dụng đầu tiên thuộc về chính sách tín dụng cho BĐS của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, gói này đang có vướng mắc là không rõ ràng về đối tượng cho vay. Yêu cầu xác nhận xã phường về tình trạng nhà ở vừa gây khó khăn cho địa phương, vừa gây khó cho người vay vốn. Bởi thế, mức độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng hiện đang rất chậm. Chúng tôi đã có những kiến nghị điều chỉnh gói này”, ông Nghĩa cho hay.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cũng đã đưa ra gói tín dụng 4 nhà trong xây dựng. Ngân hàng xây dựng đã thực hiện thí điểm một gói độc lập là 50.000 tỷ đồng cho các dự án nhà đang xây dựng dở dang nếu hoàn thành có thể bán được… sắp tới có thể có thêm những gói tín dụng khác hỗ trợ cho thị trường BĐS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Lê (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN