Bán nợ xấu, NH không được mặc cả

Nhiều khả năng, phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tuần này sẽ đưa ra những quyết sách xử lý nợ xấu của nền kinh tế.

Nhà nước định giá

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nợ xấu trong những tháng qua tăng nhanh, với tỷ lệ 8 - 9%/tháng. Do đó, việc xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách, không thể đình hoãn.

Tuy chưa có đề án xử lý nợ xấu nào được đưa ra, song theo các chuyên gia kinh tế, với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, thành lập công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) là giải pháp duy nhất. Chỉ có AMC mới đủ công cụ dọn nợ xấu và khi đó, vốn mới thực sự chảy ra nền kinh tế.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, AMC sẽ được thành lập ở dạng công ty cổ phần hay 100% vốn nhà nước, các khoản nợ xấu sẽ được định giá ra sao?

Một chuyên gia kinh tế tiết lộ, theo định hướng của Chính phủ, AMC sẽ là một công ty, mà trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối (không dưới 50%), hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Về giá nợ xấu, Chính phủ (thông qua AMC) sẽ đứng ra định giá hoàn toàn. Đây là kinh nghiệm mà Trung Quốc đã xử lý thành công. Dĩ nhiên, sẽ có ngân hàng không đồng tình, vì họ thà để lại những khoản nợ hoàn toàn mất khả năng thu hồi trên sổ sách để tiếp tục tính lãi, làm đẹp lợi nhuận “ảo”, còn hơn chấp nhận mất lãi thật. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có cách để các ngân hàng phải tuân thủ việc bán nợ theo định giá của AMC.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trong trường hợp các ngân hàng thương mại trây lỳ không chịu bán nợ theo giá mà AMC đã định, NHNN có thể áp dụng các biện pháp, như buộc tăng dự trữ bắt buộc, tăng trích lập dự phòng rủi ro, buộc áp dụng chuẩn kế toán mới (nợ xấu có thể sẽ bị trừ vào vốn tự có của ngân hàng…).

“Tôi ủng hộ phương án AMC có quyền định giá nợ xấu, song tôi cũng tin rằng, Chính phủ sẽ có cách định giá thích hợp để hai bên có thể chấp nhận được”, ông Nghĩa cho biết.

Hiện tỷ lệ nợ xấu theo thông báo của NHNN là hơn 200.000 tỷ đồng. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, AMC chỉ mua với giá cao nhất bằng 50% tổng nợ xấu, nghĩa là chỉ khoảng 100.000 tỷ đồng (Hàn Quốc đã từng mua lại toàn bộ nợ xấu với giá bình quân chỉ khoảng 36% tổng nợ xấu).

Về số vốn thành lập AMC, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Nhà nước chỉ cần khoảng 10.000 tỷ đồng. Nếu có sự tham gia của các ngân hàng thương mại, thì chỉ cần 20.000 tỷ đồng. Tất nhiên, đây chỉ là vốn điều lệ, bởi để giải quyết được số nợ xấu trên thị trường, AMC sẽ phải phát hành trái phiếu để huy động.

Cân nhắc cho nước ngoài mua nợ

Một lãnh đạo của Bộ Tài chính cho hay, hiện có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề muốn được mua lại nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, cần phải cân nhắc.

“Đúng là, mua nợ hiện nay thì doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực hơn doanh nghiệp trong nước. Để xử lý nhanh nợ xấu, chắc chắn phải cho phép doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, vấn đề sở hữu tài sản đang gây nhiều vướng mắc. Hơn nữa, nếu không cẩn thận, nhiều ngành trọng yếu sẽ bị nước ngoài thâu tóm”, vị lãnh đạo trên nói.

Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất dự án 50 năm, không có quyền sở hữu. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho biết, nếu mua nợ, họ sẵn sàng chấp nhận không có quyền sở hữu, mà chỉ được quyền thuê 50 năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đề nghị được làm thủ tục chuyển từ sổ đỏ sang thuê đất 50 năm ngay tại AMC. Theo quy trình hiện nay, để làm được điều này, mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn với sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành tại các địa phương.

“Hiện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhòm ngó thị trường mua, bán nợ Việt Nam, nhưng lại vướng thủ tục sở hữu tài sản. Để giải quyết vướng mắc, trong nghị định hướng dẫn về AMC sắp tới, phải có quy định về vấn đề này”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Tâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN