12 dự án "đắp chiếu" ngành Công thương: Ai sẽ trả khoản nợ 55.000 tỷ đồng?

Sự kiện: Kinh Doanh

Phương án xử lý 12 dự án đắp chiếu ngành công thương đã chính thức được phê duyệt. Tuy nhiên, điều này chỉ vẽ ra được đường hướng sẽ đi, không đồng nghĩa với vấn đề đã được xử lý.

Số phận các dự án sẽ ra sao, khi xử lý xong thiệt hại sẽ là bao nhiêu và những ai phải chịu trách nhiệm về khối tài sản gần 64 nghìn tỷ đồng nguy cơ đổ sông đổ biển này sẽ phải đợi đến 2020 may ra mới có câu trả lời.

Có ít nhất 4 dự án được tính đến phương án phá sản

Tại quyết định phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số công trình, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng ký với tư cách Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xử lý các dự án này, lộ trình được đặt ra là giải quyết dứt khoát các dự án này vào năm 2020.

Với các dự án “trầm trọng” nhất, trừ Nhà máy Tinh bột giấy Phương Nam được tiếp tục đấu giá, bán thanh lý; có ít nhất 4 dự án được tính đến phương án xấu nhất là phá sản. Đó là Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) - ưu tiên chọn bán dự án thông qua đấu giá, nếu không thành công sẽ cho phá sản; dự án xơ sợi Đình Vũ được xác định ưu tiên khởi động lại, thoái vốn, bán dự án, và nếu không thành công cũng tính đến phương án phá sản; dự án ethanol Phú Thọ ưu tiên thoái vốn trước, nếu không được sẽ tính đến tiếp tục triển khai và không được nữa sẽ là một kết quả khó tránh – phá sản; ethanol Bình Phước cũng ưu tiên khởi động lại trước khi thoái vốn hoặc bán, nếu thất bại sẽ cho phá sản.

7 dự án còn lại, 4 dự án phân bón của Vinachem được tái cơ cấu, phục hồi sản xuất trước khi thoái vốn; TISCO giai đoạn 2 cũng tái cơ cấu và thoái vốn, nếu thất bại sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục góp vốn; Ethanol Quảng Ngãi – có triển  vọng nhất trong các dự án ethanol sẽ được ưu tiên khởi động lại, sau đó thoái vốn hoặc chuyển nhượng; chỉ riêng dự án mỏ Quý Xa và Công ty Gang thép Lào Cai là nhà nước không có phương án bán hoặc thoái vốn mà tái cơ cấu để tiếp tục sản xuất.

Dù đã đưa tin rải rác trước đó nhiều lần, nhưng tại đề án lần này, Bộ Công Thương đã đưa ra những con số chính thức về khoản nợ khổng lồ mà các dự án này đang gánh – hơn 55.000 tỷ đồng, trong đó có gần 4,3 nghìn tỷ đồng vay nước ngoài có Chính phủ bảo lãnh và 10,6 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) “sa lầy”, số còn lại của các ngân hàng thương mại. 

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối năm ngoái là hơn 16,12 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là hơn 13 nghìn tỷ đồng.

12 dự án "đắp chiếu" ngành Công thương: Ai sẽ trả khoản nợ 55.000 tỷ đồng? - 1

Có ít nhất 2 dự án ethanol được tính đến phương án phá sản.

Bộ Công an điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại các dự án này

Mặc dù thuộc nhóm các ngành khác nhau và được khởi công xây dựng, đưa vào khai thác ở những thời điểm khác nhau, nhưng các dự án này đều có chung 5 khó khăn, tồn tại: Tổng mức đầu tư đều phải điều chỉnh trong quá trình thi công, làm tăng giá thành sản phẩm hoặc làm cho dự án không còn khả thi, buộc phải dừng thi công thực hiện. Tiến độ kéo dài, có dự án chậm tiến độ 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, khiến cho tình trạng đội vốn càng trầm trọng. 

Trong quá trình thi công, hầu hết các gói thầu EPC đều phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Nhiều dự án, mặc dù đã kết thúc nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, chưa quyết toán được dự án. 

Đơn cử, nguyên nhân chính làm đình trệ dự án TISCO giai đoạn 2 là do TISCO đã ký thỏa thuận tách phần xây dựng – phần C của gói thầu EPC để giao cho các nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện và ký các phụ lục điều chỉnh hợp đồng EPC trong đó quy định: Áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Trung Quốc với việc xây dựng và lắp đặt các hạng mục dự án; MCC có thể yêu cầu thay đổi thiết bị gắn với điều chỉnh thiết kế do sai sót của các nhà thầu phụ Việt Nam và không chịu trách nhiệm đối với tiến độ hoàn thành dự án... làm cho TISCO bị động và yếu thế trong đàm phán thỏa thuận với MCC để giải quyết dứt điểm các tranh chấp.

Bên cạnh đó, tất cả các dự án khi đi vào vận hành đều gặp khó khăn về tài chính; tỷ trọng vốn vay lớn làm tăng chi phí vốn, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao làm dự án không hiệu quả, thua lỗ. Nhiều dự án gặp phải khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. 

Có 6 nguyên nhân chủ quan được xác định với rất nhiều từ ngữ, nhưng tựu chung lại là “yếu kém”, “hạn chế” ở tất cả các khâu: lập dự án dự báo thị trường, thẩm định, phê duyệt dự án, năng lực thực hiện, trách nhiệm quản lý dự án, đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài, quản lý, tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư...

Vậy yếu kém này là do vô tình hay cố ý, yếu kém thuộc về ai và họ sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao, tại đề án này chưa chỉ ra rõ địa chỉ. Tuy nhiên, đề án cũng có nội dung đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành và báo cáo kết quả thanh tra 12 dự án; Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo và báo cáo với Ban Chỉ đạo.

Đặc biệt, Bộ Công an được đề nghị tiến hành rà soát kết quả thanh tra, kiểm toán đã thực hiện đối với các dự án, doanh nghiệp để nắm tình hình, điều tra, xác minh làm rõ về các sai phạm, dấu hiệu vi phạm pháp luật tại các dự án; Chủ động phối hợp với các bộ, ngành nắm tình hình quá trình thực hiện, kịp thời phát hiện các vấn đề phức tạp về an ninh để kiến nghị Ban Chỉ đạo điều chỉnh trong quá trình thực hiện xử lý các dự án doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Hân (CAND)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN