Xét nghiệm COVID-19 lấy "giấy thông hành" là chưa đủ để đảm bảo an toàn

Sự kiện: Tin tức COVID-19

"Khi lưu thông, đi xe đường dài, di chuyển giữa vùng này vùng khác, dù có giấy xét nghiệm không nhiễm SARS-CoV-2 song điều quan trọng nhất là vẫn phải thực hiện biện pháp 5K" - PGS Trần Đắc Phu khẳng định trưa 6/7.

Hai ngày nay, người dân ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam chen chúc đi xếp hàng xét nghiệm lấy giấy chứng nhận âm tính COVID-19 để có thể về quê, đi lại giữa một số tỉnh, thành...

PGS.TS Trần Đắc Phu ngày 6/7 cho rằng ngành y tế đã yêu cầu đảm bảo giãn cách, song việc mọi người chen chúc nhau đi xét nghiệm như vậy "là không ổn".

Chia sẻ với PV Gia đình & Xã hội về giá trị của giấy xét nghiệm COVID-19, liệu tờ "giấy thông hành" này có đảm bảo an toàn, không lây nhiễm hay không, theo PGS Phu, tờ giấy này chỉ là chứng nhận tại thời điểm xét nghiệm về cơ bản một người không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây cho người khác.

"Nhưng tại sao tôi lại nói cơ bản vì nếu họ nhiễm 1, 2 ngày đầu thì xét nghiệm cũng không ra bệnh, hoặc trong xét nghiệm cũng có sai sót bởi không có xét nghiệm nào đạt chính xác 100%", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu

PGS.TS Trần Đắc Phu

Nhấn mạnh giấy này chỉ chứng nhận ở thời điểm xét nghiệm (nghĩa là không có thời hạn lâu dài) nên theo ông Phu sau xét nghiệm mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh để không bị nhiễm mới. Giấy xét nghiệm không thể có chứng nhận nào là một người không thể nhiễm mới.

"Khi lưu thông, đi xe đường dài, di chuyển giữa vùng này vùng khác, dù có giấy xét nghiệm không bị nhiễm song điều quan trọng nhất là vẫn phải thực hiện biện pháp 5K", PGS Phu lấy ví dụ một người vừa nhận kết quả âm tính SARS-CoV-2 nhưng nếu lên xe, tàu, hoặc gặp mặt người khác mà không tuân thủ 5K thì rất có thể nhiễm bệnh.

Trong biện pháp 5K, vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh "không tụ tập" đám đông với người lạ vì bất kỳ ai có thể là F0 và "khai báo y tế" bởi khi gần F0, nhà chức trách sẽ truy vết ra ngay.

Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với lãnh đạo TP HCM ngày 5/7, đại diện Bộ Y tế cho biết đơn vị này đã có Công điện số 973/CĐ-BYT ngày 30/6/2021 về việc tăng cường phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh trong đó có nội dung hướng dẫn lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế được giao nhiệm vụ bổ sung, làm rõ thời gian có giá trị đối với kết quả xét nghiệm.

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý về thực hiện hướng dẫn người dân khi đi lại phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Cuộc họp thống nhất việc những người đã được xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR để ra, vào những nơi, địa điểm yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không có nghĩa là tuyệt đối an toàn, mọi người dân phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.

Trước đó, bắt đầu từ 0h ngày 5/7, tỉnh Đồng Nai áp dụng quy định người dân từ TP.HCM đến phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào địa phương.

Giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 7 ngày, kể từ ngày có kết quả xét nghiệm, sẽ đủ điều kiện vào Đồng Nai. Sau khi xuất trình giấy xét nghiệm âm tính, lái xe được hướng dẫn khai báo y tế, lộ trình… rồi sau đó được qua chốt tiếp tục hành trình.

Tương tự, ngày 4/7, UBND TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cũng quyết định áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 5/7. Người từ TP.HCM, Đồng Nai muốn vào thành phố phải xét nghiệm âm tính.

Ngày 2/7, tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu tất cả các trường hợp đi/về từ các tỉnh, thành phố khác khi vào tỉnh Lâm Đồng cũng bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Trong đó, kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính có giá trị 5 ngày, kết quả xét nghiệm nhanh có giá trị trong thời hạn 3 ngày.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4) đến nay, giai đoạn đầu, TP.HCM mất 51 ngày để vượt ngưỡng 1.000 ca nhiễm (từ 27/4 đến 16/6). Cứ khoảng mỗi 4 ngày, số ca mắc lại tăng từ 2.000 lên 3.000, rồi 3.000 lên 4.000.

Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày từ 1-3/7, TP.HCM nhanh chóng vượt mốc 5.000 ca nhiễm. Đến trưa 6/7, số ca mắc ở TP HCM đã tăng lên 7.114 ca.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc số ca mắc COVID-19 ở TP HCM liên tục tăng nhanh trong những ngày gần đây có nhiều lý do.

Nguyên nhân thứ 1 được ông nhắc đến là do tính chất của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, đây là biến chủng có khả năng lây lan rất nhanh đặc biệt khi tiếp xúc gần.

Thứ 2, TP HCM có tập trung mật độ dân ở khu chợ, hoặc khu đông dân cư nên có ca bệnh sẽ lây lan nhanh.

Thứ 3 đây là địa bàn có những nhà máy lớn đông công nhân, khu công nghiệp. Do đó, một công nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng đi vào làm việc cũng có khả năng lây lan cho cả một quần thể người lao động.

Thứ 4, nhờ công tác tổ chức xét nghiệm diện rộng phát hiện được không chỉ người trong khu cách ly, phong toả mà kể cả ở các khu cộng đồng dân cư cũng nhanh chóng phát hiện người dương tính.

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ trưởng Bộ Y tế: Yêu cầu tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa

Thứ trưởng yêu cầu cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm chéo giữa người cách ly và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN