Vụ sản phụ tử vong: GĐ BV Nhi T.Ư lên tiếng

“Tại sao cứ lật báo ra là thấy chỗ này sản phụ chết, chỗ kia sản phụ có vấn đề? Đào tạo 6 năm rồi “thả” làm sao người bác sỹ có thể làm tốt được. Nghề y khác với những nghề khác, 6 năm đào tạo mới là hết sức đại cương…”

Cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hằng (SN 1992), ở Văn Nội – Phú Lương – Hà Đông – Hà Nội tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa qua khiến dự luận hoang mang và nghi ngại về nguyên nhân dẫn đến cái chết là do sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của y bác sỹ trong kíp trực. Một vấn đề nữa được đặt ra cũng khiến dư luận quan tâm không kém, phải chăng năng lực người bác sỹ quá yếu kém, xử lí tình huống quá thụ động dẫn đến sự cố thương tâm nói trên?

Tòa soạn đã nhận được những chia sẻ thú vị và sâu sắc của GS. Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương xung quanh vấn đề năng lực người thầy thuốc và vấn đề đào tạo đội ngũ y bác sỹ hiện nay.

Vụ sản phụ tử vong: GĐ BV Nhi T.Ư lên tiếng - 1

GS. Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh Thu Hòe)

Đào tạo bác sỹ 6 năm là hết sức đại cương…

Mở đầu những chia sẻ của mình, GS. Nguyễn Thanh Liêm nói: “Tại sao cứ lật báo ra là thấy chỗ này sản phụ chết, chỗ kia sản phụ có vấn đề? Đào tạo 6 năm rồi “thả” làm sao người bác sỹ có thể làm tốt được. Nghề y khác với những nghề khác, 6 năm đào tạo mới là hết sức đại cương… Đào tạo bác sỹ của ta đang tồn tại rất nhiều vấn đề nan giải.”

Theo GS. Nguyễn Thanh Liêm, trên thực tế có rất nhiều nơi không tuyển được bác sỹ nhất là những bác sỹ giỏi. Thực trạng này xảy ra hầu hết ở các tỉnh, huyện miền núi, miền trung và ngay cả đồng bằng. Không những thế, chất lượng đội ngũ y bác sỹ của ta hiện nay cũng không như mong muốn, chất lượng không đồng đều, có chênh lệch quá lớn giữa các bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với các tuyến địa phương. Hiện nay, rất nhiều bệnh viện tuyến huyện hoạt động không hết công suất… Sự chênh lệch quá xa cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp đẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

GS. Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh: “Chất lượng khác nhau là kết quả nhãn tiền của quá trình đào tạo, phản ánh thực trạng của cả một hệ thống đào tạo nhiều rối rắm, chưa khoa học và hiệu quả.”

Sau 6 năm đào tạo, một sinh viên y khoa ra trường có thể trở thành bác sỹ, làm việc trong các bệnh viện, cơ sở y tế. Mỗi năm có hàng trăm sinh viên y khoa ra trường. Trong số những sinh viên y khoa ra trường, một bộ phận rất nhỏ được đào tạo nội trú, nội khóa. Con số này chỉ đủ cung cấp cho các trường ĐH, các Bệnh viện tuyến Trung ương còn lại đại bộ phận bác sỹ khi mới tốt nghiệp về làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, các cơ sở y tế xã, phường, tư nhân…

Vụ sản phụ tử vong: GĐ BV Nhi T.Ư lên tiếng - 2

Di ảnh sản phụ Hằng tử vong tại BV Phụ sản T.Ư

“Nếu bác sỹ mới ra trường về được các bệnh viện tuyến Trung ương thì còn có “thầy” để học hỏi và được đào tạo thêm. Nếu các bác sỹ về tuyến tỉnh, tuyến huyện thậm chí là tuyến xã làm việc sau khi ra trường thì không có thầy hướng dẫn. Họ sẽ phải tự bươm chải, tự mày mò, tự tìm hiểu.

Anh làm đúng, anh làm sai không ai bảo và cũng chẳng nhận thức được. Cái sai nguy hiểm nhất không phải là những cái sai cụ thể mà sai về phương pháp tư duy, phương pháp phân tích vấn đề, phương pháp giải quyết vấn đề. Tác phong làm việc, phương pháp làm việc, lề lối làm việc đã sai thì rất khó sửa…”, GS. Nguyễn Thanh Liêm phân tích.

Bệnh nhân đang không có lòng tin vào bác sỹ cấp huyện, cấp tỉnh

Giải thích rõ hơn về tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, GS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng: “Hệ thống y tế của các nước phát triển khác nước mình rất nhiều. Họ không có tình trạng quá tải như ta. Có hai nguyên nhân khiến y tế của các nước phát triển không quá tải là số bệnh viện nhiều hơn, cơ sở vật chất tốt, số giường bệnh nhiều hơn; bệnh nhân không đổ dồn vào các bệnh viện ở thủ đô. Nhiều bệnh nhân tìm đến các bác sỹ gia đình. Từ bác sỹ gia đình, người bệnh được giới thiệu đi bệnh viện nào tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh tình.

Trong khi đó ở Việt Nam, người bệnh cứ bệnh là có tâm lí đến thẳng các bệnh viện lớn. Tại sao lại có sự khác biệt đó? Không phải là vì chỗ nằm. Ngay như nhiều bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội chỗ nằm rất thoải mái. Do trang thiết bị cũng không hẳn vì các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã và đang được đầu tư rất nhiều, tương đối khang trang, hiện đại.

Nguyên nhân sâu xa nhất là từ người thầy thuốc. Lòng tin vào thầy thuốc. Người bệnh đang không có lòng tin vào trình độ của các bác sỹ tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã và bác sỹ gia đình. Bởi lẽ, chất lượng bác sỹ phân cấp khác nhau, không đồng đều và đảm bảo…”

Đào tạo Y khoa nhiều bất cập, ngắt quãng, không liên tục…

Theo GS. Nguyễn Thanh Liêm, đào tạo bác sỹ ở Việt Nam hiện nay chưa tốt về chất lượng, chưa ổn về phương pháp, chưa sâu về chuyên môn. Đào tạo còn tồn tại quá nhiều bất cập. Quá trình đào tạo bị ngắt quãng, không liên tục… Đây cũng là nguyên nhân chính để xảy ra những sự cố, lúng túng trong giải quyết các tai biến bất thường gặp phải trong quá trình điều trị.

GS. Liêm cho biết: “Ở Việt Nam đang tồn tại thực trạng, bác sỹ ra trường làm việc thực tế 3-4 năm rồi mới quay lại học chuyên khoa 1 trong 2 năm. Kết thúc 2 năm học chuyên khoa 1, các bác sỹ lại quay lại bệnh viện làm việc 3-4 năm rồi tiếp tục học chuyên khoa 2 trong 2 năm nữa. Đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện người ta cần những người làm thực hành, chẩn đoán, mổ xẻ, làm điều trị. Do đó, hệ đào tạo này là rất đúng và cần thiết. Tuy nhiên, đào tạo của chúng ta lại đang bị ngắt quãng. Chất lượng học hiện nay chưa tốt. Quá trình đào tạo không liên tục…”

Quá trình đào tạo bị ngắt quãng, không liên tục… Đây cũng là nguyên nhân chính để xảy ra những sự cố, lúng túng trong giải quyết các tai biến bất thường gặp phải trong quá trình điều trị dẫn đến những hậu quả đau lòng (Ảnh Thu Hòe).

Bằng kinh nghiệm thực tế, GS cũng chỉ rõ sự khác biệt trong đào tạo y khoa của Việt Nam và các nước trên thế giới.

GS cho biết: “Ở Pháp, sinh viên y khoa phải học 6 năm lấy bằng cử nhân về y khoa sau học nội trú. Nội trú tùy thuộc thời gian 3-5 năm. Sau 3-5 năm đó là một quá trình chuyển tiếp, đi học được trả lương trong khoảng 2 năm. Kết thúc quá trình chuyển tiếp này mới có thể làm việc độc lập. Như vậy quá trình đào tạo là một quá trình liên tục, không ngắt đoạn với tổng thời gian là 13 năm. Tất cả đều phải qua hệ thống đào tạo quy củ và nghiêm ngặt như vậy. Do đó, chất lượng đào tạo là như nhau. Người dân có niềm tin, không có tâm lí đổ xô về những bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến Trung ương như Việt Nam.

Điểm khác biệt thứ 2 là đầu vào. Các nước quanh ta như Philipin… đầu vào không khó. Tốt nghiệp Trung học, điểm số tương đối thì ghi danh vào học. Học hết năm thứ nhất bắt đầu thi. Hết năm thứ nhất 70% rụng. Hết năm thứ 2, 10% rơi rụng đến khi tốt nghiệp thì chỉ còn khoảng 20%. Chọn lọc rất cặn kẽ. Trong khi đó ở mình vào bao nhiêu gần như ra từng ấy. Quá trình chọn lọc không có nhiều.

Ngành Y cần bác sỹ giỏi chuyên môn hơn là thạc sỹ, tiến sỹ

Chia sẻ về sự phân tầng trong đào tạo y khoa, GS. Nguyễn Thanh Liêm chi sẻ: “Ở việt Nam, bác sỹ tuyến huyện cũng làm thạc sỹ thậm chí là tiến sỹ. Đào tạo bác sỹ cho bệnh viện các tuyến tỉnh, huyện phải đào tạo ra những người giỏi tay nghề chứ không phải đào tạo để nghiên cứu. Nghiên cứu về huyện sao mà nghiên cứu được. Đấy là những bất cập cần phải thay đổi.

Thay đổi ở phạm vi vĩ mô trên cả nước. Đào tạo liên tục đảm bảo phải có kinh phí. Ở các nước, bắt đầu vào nội trú Nhà nước đã phải trả lương. Đồng lương có thể không cao nhưng ít nhất phải đủ sống. Có như vậy mới đào tạo được ra đội ngũ y bác sỹ tốt, có trách nhiệm. Đào tạo 6 năm rồi “thả” người ta thì làm được gì cho nghề? Nghề y khác với những nghề khác. Đào tạo 6 năm mới là hết sức đại cương, sơ đẳng…”.

Theo GS, các trường ĐH Y phải có phòng tiền lâm sàng tốt, có đủ tất cả các loại máy móc, trang thiết bị. Những cái gì làm trên người thật thì phòng tiền lâm sàng phải có. Hiện nay, các phòng tiền lâm sàng của ta quá đơn giản, quá thiếu thốn…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hòa (Giáo dục Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN