Vô sinh vì giới tính giả

Do di truyền, có những đứa trẻ mới lọt lòng mẹ không may đã rơi vào tình trạng không xác định giới tính.

Những trường hợp được điều trị kịp thời đã may mắn trở lại giới tính thực. Nhưng cũng không hiếm trường hợp phải phẫu thuật chuyển giới theo "giới tính giả" và chấp nhận vô sinh.

7 tuổi mọc râu, vỡ giọng, có cơ bắp

Lật giở lại những trang hồ sơ bệnh án, TS Nguyễn Thị Hoàn, Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi T.Ư chỉ cho chúng tôi trường hợp cháu Nguyễn Văn H., 7 tuổi ở Thái Bình. Cháu mắc chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh thể nam hóa đơn thuần, bộ phận sinh dục ngoài bất thường như hai môi lép, dính nhau, hình dáng nhăn nheo gây lầm tưởng là bìu của trẻ trai, nhưng bên trong không sờ thấy tinh hoàn.

Mới 7 tuổi nhưng H. đã có râu, lông nách, lông mu, vỡ giọng, mặt già hơn so với tuổi, tay chân có cơ bắp đàn ông. Bác sĩ kết luận H. là con gái. Kết hợp điều trị bằng thuốc nội tiết, H. còn phải trải qua nhiều lần phẫu thuật để tạo hình bộ phận sinh dục ngoài.

Như các bệnh nhân khác, sau khi phẫu thuật, cháu H. vẫn phải duy trì chế độ khám theo dõi định kỳ tại bệnh viện. May mắn cho cháu là cơ thể H. tương tác thuốc tốt, cháu phát triển chiều cao tương đương với trẻ bình thường, da, tóc, cơ bắp và ngoại hình phát triển bình thường, bộ phận sinh dục nữ đã chỉnh hình không to trở lại.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Hoàn cũng cho biết, có những trường hợp trẻ không được may mắn như cháu H. Sau thời gian phẫu thuật, trẻ vẫn bị lùn, da sạm, cơ bắp và ngoại hình vẫn phát triển theo xu hướng nam, bộ phận sinh dục đã chỉnh hình phát triển to trở lại.

Vô sinh vì giới tính giả - 1

Các trẻ sơ sinh mắc bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh cùng nhập viện năm 2008.

Phẫu thuật thành "chuẩn con trai"

Trong hồ sơ bệnh nhân mà TS Nguyễn Thị Hoàn lưu trữ từ cách đây 7 năm, chúng tôi chú ý đến trường hợp Nguyễn Ngọc B., 20 tuổi ở Nam Định. Nhìn những tấm ảnh B. với mái tóc cắt cua, mặc áo phông trắng hiệu CK, quần âu nam màu đen, đi giầy, khó ai hình dung được đằng sau vẻ bề ngoài nam tính ấy, B. lại là con gái.

Bệnh án của B. cho thấy bệnh nhân này không có tinh hoàn, dương vật nhỏ. Vì xấu hổ B. không dám nói với ai ngay cả những người thân trong gia đình, nhưng em đã trải qua tuổi thơ một cách khó khăn, đầy tổn thương khi mỗi lần đi vệ sinh lại bị các bạn trêu chọc vì... đái ngồi. Cho đến khi lớn, B. cũng chỉ biết "tự vệ" bằng cách chờ các bạn đi vệ sinh xong, ra ngoài hết, thì mới đến lượt mình.

20 tuổi, biết mình là "phận nữ nhi", B. đau khổ, hoang mang tột cùng nhưng quá trình nam tính hóa ở não đã "nhận diện" cơ thể B. là nam, em mang tính cách nam, cơ bắp nam, ngay cả thói quen ăn mặc với quần đùi và áo may ô, giờ đây muốn quay về giới tính nữ sẽ rất khó, không thể chuyển sang mặc váy, đánh phấn tô son, điệu đà như con gái.

Mặt khác, do hormon nam ức chế tuyến vú, ức chế luôn cả buồng trứng, nên B. không thể là con gái mà lại không có "ngực" và mỗi tháng không "đèn đỏ" một lần. Chưa kể, 20 năm nay, cả gia đình, làng xã, bạn bè, đều quen với B. là một nam thanh niên khoẻ mạnh, giờ bỗng nhiên phẫu thuật chuyển giới thành nữ thì sao tránh khỏi sự kỳ thị, điều tiếng này khác.

Vậy là sau khi cân nhắc một loạt các yếu tố nên hay không nên, B. đã quyết định phẫu thuật chuyển giới theo "giới tính giả". Ngặt nỗi gia đình em lại quá nghèo, không đủ tiền để trang trải chi phí. Thương hoàn cảnh của B., các bác sĩ lúc đó đã quyết định đặt mua đôi tinh hoàn từ nước ngoài với giá 15 triệu đồng để phẫu thuật cho em. Qua hai lần phẫu thuật, B. đã có được bộ phận sinh dục ngoài "chuẩn nam giới" và phần nào tự tin với giới tính của mình để có thể ổn định cuộc sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN