Việt Nam đối diện nguy cơ HIV/AIDS bùng phát trở lại

Nnguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế cho phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang bị cắt giảm dần dần và khả năng đến 2017, nguồn viện trợ này sẽ bị cắt hoàn toàn.

Người mắc bệnh tăng hàng năm

Tại lớp tập huấn về công tác phòng chống HIV/AIDS vừa được tổ chức tại TPHCM, TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, 5 tháng đầu năm 2015, trên cả nước ghi nhận 3.204 người nhiễm HIV mới, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS là 1.326, số người nhiễm HIV đã tử vong là 438. 

Lũy tích sau 25 năm Việt Nam đã có hơn 300.000 người nhiễm HIV/AIDS, số bệnh nhân hiện còn sống là hơn 227.000 người. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được báo cáo, rất nhiều người bị nhiễm HIV nhưng không đi xét nghiệm, dự đoán con số này khoảng 270.000 người.

Hiện nay, 100% tỉnh thành phố đã có dịch HIV; 98,9% số huyện có người nhiễm, 80,3% số phường xã có người bệnh và số người nữ mắc bệnh đang ngày một tăng. Nhóm tuổi nhiễm HIV/AIDS chủ yếu tập trung từ 20 đến 40 tuổi. 

Đây là nhóm tuổi lao động giữ trụ cột trong sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống gia đình và xã hội; độ tuổi có nhu cầu quan hệ tình dục cao; tuổi có nhiều người tiêm chích; tuổi sinh sản ở nữ giới. Việc nhiễm bệnh trong độ tuổi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội và chất lượng nòi giống.

Việt Nam đối diện nguy cơ HIV/AIDS bùng phát trở lại - 1

Tình dục đồng giới nam là nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV

Con đường lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang ngày một tăng cao, vượt qua lây truyền bằng đường máu. Điều này đã khiến dịch lan rộng ra cộng đồng, khả năng khống chế rất khó vì để thay đổi được hành vi đảm bảo an toàn trong quan hệ tình dục của người dân là một thách thức vô cùng to lớn.

Giám sát trọng điểm cho thấy, cứ 5 gái mại dâm thì có 1 người nhiễm HIV, 10 người nghiện chích ma túy có 1 người nhiễm, đồng thời có đến 20% người nhiễm vừa là mại dâm vừa sử dụng ma túy và có 6,7% tình dục đồng giới nam nhiễm HIV.

Khả năng bùng phát dịch và kháng thuốc ARV

TS.BS Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam nhưng mức độ bao phủ của dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế. Số bao cao su, bơm kim tiêm sạch mới đáp ứng 50% nhu cầu; cai nghiện bằng methadone mới đạt 22% chỉ tiêu và mới quản lý hồ sơ được 15% số người nghiện. Tại miền núi, vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận với các dịch vụ này.

Khoảng 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam là viện trợ từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Toàn cầu, PEPFAR, World Bank…; 100% tiền thuốc methadone và 95% tiền thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) là từ viện trợ.

Tuy nhiên, một số dự án viện trợ đã kết thúc, một số dự án còn lại đang giảm mạnh kinh phí (Quỹ Toàn cầu ngừng viện trợ đến 2016, PEPFAR đến 2017). Trong khi đó, ngân sách nhà nước đã cắt giảm nghiêm trọng kinh phí cho chương trình này, từ 245 tỷ năm 2013 xuống còn 83 tỷ năm 2014. 

Chính vì thế, chương trình can thiệp bao cao su và bơm kim tiêm sạch đang giảm nghiêm trọng: Năm 2014 đã phát 30 triệu bơm kim tiêm sạch cho nhóm tiêm chích ma túy, 30 triệu bao cao su nhưng 5 tháng đầu năm 2015 mới phát được hơn 3 triệu bơm kim tiêm, 1,7 triệu bao cao su do không có kinh phí.

Năm 2015, chỉ tiêu điều trị cai nghiện bằng methadone phải đạt 80 nghìn người nhưng đến tháng 6/2015 cả nước mới chỉ có hơn 30 nghìn bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này. Sau thời gian được uống miễn phí, đến nay người bệnh đang phải chi trả khoảng 10 nghìn đồng mỗi ngày cho việc uống thuốc. Bên cạnh đó, vì rất nhiều lý do như sợ vỡ quỹ, thủ tục phức tạp…, hiện nay bảo hiểm y tế vẫn chưa chấp nhận chi trả cho việc xét nghiệm và điều trị HIV.

TS.BS Hoàng Đình Cảnh cho biết, trong bối cảnh các tổ chức quốc tế cắt viện trợ mà ngân sách nhà nước không đầu tư thì chắc chắn dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại. Thiếu thuốc ARV, nguy cơ lây nhiễm của những người mang bệnh ra cộng đồng là rất cao, người nhiễm sẽ chết, hoặc bị kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Nhiên (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN