Vì sao cho con bú có thể giảm nguy cơ mắc ung thư vú?

Sự kiện: Ung thư vú

Theo các chuyên gia về ung thư, phụ nữ không cho con bú, sống độc thân có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những phụ nữ có gia đình và cho con bú.

 

Vì sao cho con bú có thể giảm nguy cơ mắc ung thư vú? - 1

Cho con bú để tránh nguy cơ ung thư vú về sau

Căn bệnh ung thư phụ nữ hay gặp nhất 

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ, đặc biệt ở các nước phát triển. Tình trạng gia tăng ung thư vú dường như song hành với lối sống hiện đại. Các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi trước đây tỷ lệ mắc chỉ khoảng dưới 10/100.000 phụ nữ thì năm 2012 đã lên đến 20-30. Các nước ở Nam Âu, Đông Âu, Nam Mỹ vào khoảng 40-60; Úc, Tây Âu, Bắc Mỹ đạt tới 75-90/100.000. 

PGS Phạm Duy Hiển – Nguyên Phó Giám đốc BV K Trung ương cho biết, vú được cấu tạo nên bởi nhiều loại tế bào, tổ chức khác nhau nhưng chủ yếu là tế bào tổ chức tuyến vú. Các tế bào chế tiết sữa hoặc tế bào lót ống dẫn sữa bị biến đối thành tế bào ung thư do đột biến gen không sửa chữa bởi các yếu tố nguy cơ ngoại sinh và các yếu tố nội sinh. 

Những tế bào ung thư này tạo nên 2 thể thường gặp nhất là ung thư vú thể tiểu thuỳ và ung thư vú thể ống xâm nhập. 

Các tế bào ung thư này cũng như các tế bào ung thư các cơ quan khác, phát triển bằng phương pháp nhân đôi như tế bào lành nhưng không được kiểm soát, phát triển vô hạn độ, tế bào được sinh ra không thực hiện chức năng của tế bào lành mà lại tiết ra các chất có tác dụng kích thích tăng sinh mạch máu, các chất hoại tử u...; tế bào già nhưng không chết theo chương trình định sẵn; có khả năng xâm lấn hay xâm nhập vào các cơ quan tổ chức lân cận; và có khả năng tách khỏi khối u nguyên phát chui vào hệ thống tuần hoàn chung hoặc hệ bạch mạch đi đến định cư và phát triển ở một hoặc nhiều cơ quan khác trong cơ thể hoặc sang vú còn lại (di căn). 

Những yếu tố nội sinh gây ung thư vú chị em cần phải nắm. Theo PGS Hiển, phụ nữ có kinh nguyệt sớm (trước 13 tuổi với phụ nữ Việt Nam, trước 12 tuổi với phụ nữ Mỹ) và tắt kinh muộn (sau 50 và sau 55 tuổi tương ứng) có khả năng mắc ung thư vú cao hơn người khác. 

Cũng như vậy với phụ nữ có con đầu lòng sau 30 tuổi và không sinh con lần nào và phụ nữ không có con bú cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Chính vì thế, ngay cả các chuyên gia ung thư cũng khuyên chị em phụ nữ nên cho con bú để tự chống lại tế bào ung thư.

Lợi con, lợi mẹ

Bác sĩ Trần Thu Thuỷ - Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, các nghiên cứu chỉ ra, bé càng bú mẹ lâu bao nhiêu thì hiệu quả bảo vệ đối với các bệnh nhiễm trùng càng lớn bấy nhiêu. 

Bé bú mẹ hoàn toàn được bảo vệ tốt hơn nhiều đối với các bệnh đường tiêu hóa và đường hô hấp, trong khi bé bú mẹ một phần hoặc bú mẹ rất ít không được bảo vệ nhiều như vậy. 

Không chỉ lợi cho trẻ, giúp trẻ có những dưỡng chất quý giá chỉ sữa mẹ mới có mà việc cho con bú rất lợi cho chính bà mẹ. Khi con bú giúp mẹ bình phục nhanh hơn sau sinh, khiến kinh nguyệt xuất hiện trở lại muộn hơn, giảm nguy cơ mang thai trong cữ, giảm cân nhanh và giảm đáng kể nguy cơ ung thư vú thời kỳ tiền mãn kinh. Cho con bú giúp tử cung nhanh chóng trở lại tình trạng trước khi mang thai. Bú mẹ kích thích sản xuất hormone oxytocin, làm co tử cung và giảm nguy cơ chảy máu sau sinh.

Khi cho con bú, một loại protein kháng thể phức hợp trong sữa mẹ là e-lactabumin có thể bảo vệ bầu vú khỏi những tế bào ung thư vú. Thời gian sản xuất sữa của bầu vú càng dài và càng liên tục thì khả năng loại bỏ tế bào ung thư vú càng cao. 

Những phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư vú nhưng đã từng cho con bú mẹ đủ thời gian cần thiết có thể giảm đến 60% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thời kỳ tiền mãn kinh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Ung thư vú Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN