TPHCM lên kế hoạch diệt chuột

Ngày 22-11, bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết Trung tâm Y tế dự phòng sẽ có kế hoạch diệt chuột tổng thể trên toàn TP.HCM.

Ngày 15-11, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã gửi văn bản cho giám đốc trung tâm y tế dự phòng các quận huyện để yêu cầu những nơi này lên danh sách những trọng điểm cần diệt chuột, dự trù lượng hóa chất, kế hoạch tổ chức... Trung tâm Y tế dự phòng TP sẽ tổng hợp và trình một kế hoạch tổng thể diệt chuột trong toàn TP cho Sở Y tế và UBND TP.

TPHCM lên kế hoạch diệt chuột - 1

Chuột cống thường xuất hiện tại các chợ TP.HCM (ảnh chụp tại chợ Tân Định) - Ảnh: T.T.D.

Chú ý diệt bọ chét

Riêng tại P.9, Q.3, nơi đã xảy ra hai trường hợp bị chuột cắn, trong đó một trường hợp dương tính với virút Hanta, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Q.3 tổ chức chiến dịch bẫy chuột đồng loạt tại khu vực này. Song song với diệt chuột sẽ phun thuốc diệt bọ chét.

Bọ chét sống trên mình chuột nên khi chuột bị diệt hàng loạt, bọ chét sẽ bám trên tường, cắn vào người, lây bệnh cho người. Bọ chét thường gây bệnh dịch hạch. Đến nay bệnh này rất hiếm gặp, tuy nhiên vẫn cần phải phòng ngừa. Ngay cả khi không gây bệnh thì bọ chét cắn người cũng gây ngứa ngáy, khó chịu.

Người dân sẽ được thông báo cụ thể về kế hoạch thu gom chuột chết để được tiêu hủy theo đúng quy định khi chiến dịch diệt chuột bắt đầu. Sau một đêm diệt chuột, tùy từng địa phương sẽ có lực lượng đến từng nhà thu gom xác chuột hoặc người dân sẽ nộp xác chuột cho trạm y tế địa phương. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng TP đang bàn với Trung tâm Y tế dự phòng Q.3 để có ngày ra quân chiến dịch diệt chuột sớm nhất trong P.9, Q.3.

BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết trước đây TP vẫn có nhiều chuột nhưng qua những đợt khảo sát về mầm bệnh thì chưa có gì đáng chú ý.

Chuột đông như “đi chợ”

Tại khu phố 5 (P.11, Q.3) là khu vực có nhiều người bán thức ăn dọc hai bên đường Trần Văn Đang nên ban đêm chuột hay đến quậy phá. Bà Nguyễn Thị Năm, người dân ở đây, cho biết: “Ở đây ban đêm chuột đi từng đàn như đi chợ, chuột cống có những con to như con mèo! Nhiều đêm tui không ngủ được vì chuột phá phách rất dữ. Sáng nào ngủ dậy cũng thấy mấy bịch rác bị chuột cắn tanh bành”.

Mặc dù chuột hành hoành từ nhiều năm nay nhưng chỉ đến khi nghe tin về trường hợp suy thận do bị chuột cắn, bà Năm và mọi người trong gia đình mới bắt đầu thật sự lo lắng.

“Nếu thành phố có chiến dịch giúp dân diệt bớt chuột thì tốt quá, chứ hiện nay mọi người ở khu vực này hết cách rồi vì chúng sinh sôi dữ quá”- bà Năm nói.

Cũng trong tâm trạng mong muốn TP có chiến dịch diệt chuột, bà Lê Thị Đáng ở khu phố 4, P.9, Q.3 - nơi có bệnh nhân nhập viện vì chuột cắn - nói: “Biết là nguy hiểm nhưng bây giờ không có cách nào để diệt cho hết được, đặt bẫy thì chuột đã lờn, còn đánh thuốc thì nó chui vô hang rồi mới chết thì ô nhiễm môi trường lắm. Hôm trước thấy có mấy chiếc xe của thành phố xuống bắt chuột, tui và bà con hi vọng sắp tới sẽ có chiến dịch diệt chuột”.

Bác sĩ Đặng Thế Hệ, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.8, cho biết cách đây ba tháng trung tâm đã tiến hành một chiến dịch diệt chuột ở khu vực Rạch Ụ Cây vì chuột rất nhiều, phá cả đường ống nước. Hiện nay Trung tâm Y tế dự phòng Q.8 cũng đang đi khảo sát trên địa bàn toàn quận để lập những điểm “nóng” có chuột.

Bác sĩ Lâm Sanh Hùng, quyền giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.5, cho biết đang khảo sát tại các chợ và những khu vực nhiều chuột để lên kế hoạch dự trù.

Một số bệnh nhân viêm hạch do chuột cắn

Bác sĩ Võ Minh Quang, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn gặp những bệnh nhân bị chuột cắn phải nhập viện điều trị vì nhiễm trùng vết thương và một số ít trường hợp bị viêm hạch. Người bị nhiễm virút Hanta từ chuột có thể bị hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận.

Các triệu chứng bao gồm nhức đầu, đau lưng, đau bụng, sốt, lạnh run, nôn ói, có thể có tình trạng mặt ửng đỏ, viêm đỏ kết mạc mắt, phát ban ngoài da. Sau đó bệnh nhân có thể bị huyết áp thấp, sốc, thoát huyết tương (tương tự sốt xuất huyết Dengue), đồng thời xuất hiện suy thận cấp. Hiện tại chưa có văcxin dự phòng đối với virút Hanta. Ngăn ngừa chủ yếu bệnh này là diệt chuột... Khi xuất hiện những triệu chứng trên người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Về chuyện một bạn đọc thắc mắc thấy đại diện Viện Pasteur TP.HCM khuyên người dân thấy xác chuột thì báo cho y tế địa phương nhưng khi bạn đọc này báo thì trạm y tế địa phương trả lời chưa thấy chỉ đạo gì về việc này, ông Lê Hoàng San, viện phó Viện Pasteur TP.HCM, cho biết về mặt phòng dịch thì Viện Pasteur khuyên người dân như vậy, nhưng tùy vào lực lượng hiện nay mà Trung tâm Y tế dự phòng sẽ có kế hoạch cụ thể.

T.DƯƠNG

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÙY DƯƠNG - NGỌC NGA (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN