Tiêm lại vắc xin Quinvaxem: 81 trẻ bị phản ứng

Trong hơn 200.000 trẻ được tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem tại 15 tỉnh thành phố, Bộ Y tế đã ghi nhận 81 trẻ có phản ứng sau tiêm, trong đó 60 trường hợp được theo dõi tại cơ sở y tế, số còn lại có phản ứng nặng hơn (tím tái, sốt cao, khó thở).

Thông tin được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết ngày 7/11.

Theo Cục Y tế dự phòng, các phản ứng sau tiêm trẻ gặp phải như sốt, quấy khóc, sưng tấy tại chỗ. Tuy nhiên, tất cả 81 trẻ sau đó hồi phục và bình thường.

Theo Cục Y tế dự phòng, đây là những dấu hiệu phản ứng nhẹ sau tiêm chủng.  Những ghi nhận này thể hiện quá trình theo dõi sát sao của các cơ sở y tế, cũng như sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ hơn của các bà mẹ nhằm phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm để kịp thời đưa trẻ đến theo dõi và chăm sóc tại cơ sở y tế. Đối với những trường hợp xảy ra các phản ứng phụ này, các cơ sở tiêm chủng sẽ theo dõi chặt chẽ.

Tiêm lại vắc xin Quinvaxem: 81 trẻ bị phản ứng - 1

Bác sĩ khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vắc xin 5 trong 1

Tại Hà Nội, đến hết ngày 6/11, theo thống kê củaTrung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sau 2 ngày tiêm vắc xin Quinvaxem đã có 33.000 trẻ được tiêm, đạt 50% so với số dự kiến ban đầu.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội  cho biết, trong ngày đầu tiêm chủng, Hà Nội không ghi nhận ca phản ứng nào. Tuy nhiên,  đến ngày thứ 2, ghi nhận 3 trường hợp ở quận Hà Đông bị phản ứng phụ sau tiêm. Hiện nay, tình trạng sức khỏe của trẻ đã ổn định, được xuất viện.

Ông Cảm còn cho biết, đợt tiêm chủng này, TP Hà Nội có hơn 65.000 trẻ tiêm vắc-xin Quinvaxem, trong đó khoảng 15.000 trẻ tiêm mũi đầu.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kế hoạch trong tháng 11/2013, tất cả các địa phương còn lại sẽ triển khai tiêm Quinvaxem cho trẻ em.

Được biết, vắc xin Quinvaxem đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ, dùng để phòng các bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Loại vắc-xin này được sử dụng ở 34 quốc gia trên thế giới, tiêm cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Để giảm thiểu phản ứng sau tiêm, các chuyên gia khuyến cáo các bà mẹ nên theo dõi chặt trẻ sau tiêm để kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường (sốt cao, co giật, tím tái… và đưa ngay đến cơ sở y tế nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường.

Trước đó, ở Tiền Giang có 32 trẻ phải nhập viện để theo dõi sốt sau khi tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem. Về 32 trường hợp phản ứng sau tiêm tại Tiền Giang, các chuyên gia khẳng định đại đa số các trường hợp đều có phản ứng phụ nhẹ gồm: phản ứng sốt nhẹ, sưng nóng đỏ đau, kích thích.

Tới đây, Bộ Y tế sẽ đề nghị các địa phương tiêm bổ sung vắc xin Quinvaxem cho những trẻ quá 12 tháng tuổi chưa được tiêm đủ vắc-xin do hơn 5 tháng tạm ngừng. Hiện ngành y tế đang tập trung tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi và trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi.

Những ngày qua sau khi triển khai tiêm vắc- xin Quinvaxem một số địa phương chỉ thực hiện tiêm vắcxin Quivaxem cho trẻ dưới 1 tuổi, tuy nhiên với những trẻ đã được tiêm mũi 1 hoặc 2 mũi, Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương tiêm đủ 3 mũi văc xin  cho trẻ,  để đảm bảo trẻ có đáp ứng miễn dịch tốt.

(Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN