Thở ô xy cũng... nguy hiểm

Việc thở ôxy nguyên chất kéo dài có thể gây xẹp phổi, hoặc mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, ù tai, với trẻ sơ sinh thì dễ bị bong võng mạc.

Ôxy đặc biệt cần thiết, thậm chí là cứu tinh với những người bị thiếu ôxy do các bệnh lý hoặc bị ngạt khí, ngộ độc do nhiễm độc hóa chất… Tuy nhiên, nếu sử dụng ôxy không theo chỉ dẫn của thầy thuốc, có thể gây hại cho sức khỏe.

Những người cần thở ô xy

Thiếu oxy là một quá trình bệnh lý phức tạp do cơ thể không được cung cấp oxy đầy đủ cho nhu cầu hoạt động bình thường của tế bào, hoặc do bệnh lý mà tế bào tổ chức không sử dụng được ô xy. Biểu hiện bệnh thiếu ôxy là khi thấy da người bệnh có màu xanh tím, máu có màu nâu đen, khó thở trầm trọng, tim đập nhanh, yếu.

Những người cần phải thở tăng cường ôxy là người bị mắc bệnh tim mạch, phổi, và máu làm giảm khả năng vận chuyển ôxy của máu dẫn đến thiếu ôxy. Các trường hợp giảm huyết áp, suy tim, sốc, mất máu nhiều, xẹp phổi, viêm phổi, u mạch máu, thông liên nhĩ, thông liên thất, thiếu máu gây giảm số lượng hồng cầu và lượng huyết cầu tố ảnh hưởng đến vận chuyển ôxy. Người bị nhiễm độc CO trong các trường hợp có khí than chưa đốt cháy hoàn toàn, bếp than để trong phòng kín gió, kém thoáng khí. Nhiễm độc các hóa chất như kaki chlorat, nitrobeenzol, phenylhydrazin, các hợp chất có As...; viêm phổi, đi tướt dai dẳng.

Thở ô xy cũng... nguy hiểm - 1

Thở ôxy tại BV Phổi TƯ. Ảnh: P.Ninh.

Ngoài ra, cũng có thể thiếu ôxy do rối loạn hô hấp tế bào. Nguyên nhân của suy hô hấp tế bào có thể là: thiếu ăn, đái  tháo đường, suy nhựơc gây thiếu sinh tố và thiếu men hô hấp tế bào; nhiễm độc các chất ức chế hô hấp tế bào như thuốc ngủ, CO, H2S, As, fluorua, cyanua, các chất độc tạo ra trong quá trình nhiễm khuẩn, nhiễm độc.

Phải dùng như thuốc

Theo tiến sĩ Vũ Đức Định, Bệnh viện E Trung ương, liệu pháp ô xy là một biện pháp cung cấp thêm ôxy cho cơ thể ở trên mức 21% bình thường nhằm sửa chữa tình trạng thiếu ôxy và cung cấp đủ ôxy cho các tế bào của cơ thể hoạt động. Ôxy nguyên chất sau khi được chiết tách khỏi không khí sẽ được chứa trong các hệ thống bình dưới dạng nén hoặc hóa lỏng. Từ đó sẽ có một hệ thống dẫn đưa tới cho bệnh nhân sử dụng.

Tuy nhiên, thở ôxy 100% kéo dài có thể gây xẹp phổi do ôxy đã thay thế hết nitơ trong phế nang. Việc thở ôxy kéo dài gây mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, ù tai. Thở ôxy cũng có thể gây bong võng mạc ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sơ sinh non tháng. Ngoài ra, thở loại khí này có thể làm giảm hoạt động các vi nhung mao đường hô hấp, giảm hoạt động bạch cầu, làm khô niêm mạc miệng, mũi họng, khí phế quản nếu không được làm ẩm tốt nên dễ gây viêm phổi, khô, tắc đờm và tạo cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Vi khuẩn cũng có thể lây lan theo hệ thống dây dẫn, bình chứa, bình làm ẩm sang người bệnh nhân. Khu vực có chứa ôxy luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu không được đảm bảo an toàn.

Để hạn chế tối thiểu các tác dụng không mong muốn do thở ôxy gây nên, nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ, cần theo dõi chặt chẽ và tuân thủ tuyệt đối những chỉ định về liều lượng, thời gian thở ôxy cho bệnh nhân.

Để phòng tránh thiếu  ôxy, không nên cho xe nổ máy trong nhà ở, phòng làm việc. Không đưa bếp than vào phòng ở, phòng ngủ hoặc đốt bếp trong các phòng kín gió kém thông khí. Đối với trường hợp thiếu ôxy do suy hô hấp tế bào, cần ăn uống đầy đủ các chất đạm, đường, mỡ, vitamin và khoáng chất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh An (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN