Tăng huyết áp: Kẻ giết người thầm lặng

Đau đầu, chóng mặt, nhiều người cho rằng mình chỉ mệt mỏi, làm việc quá sức. Tuy nhiên, đó lại là những cảnh báo về tăng huyết áp (THA) - kẻ giết người thầm lặng, nguy hiểm.

30 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim

TS-bác sĩ Dương Đức Hùng – Trưởng đơn vị tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) mới khám cho bệnh nhân Hoàng Quốc Hải (31 tuổi, trú tại Thanh Liêm, Hà Nam) với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở. Anh Hải cho biết, anh cao tới 1,8m, nặng 90kg, nhưng lại không khỏe, chỉ vận động một chút đã khó thở, có lúc chỉ muốn ngất xỉu. Theo bác sĩ Hùng, anh Hải bị THA, tắc động mạch vành, nếu không có can thiệp sớm sẽ rất dễ xảy ra các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Hải cho biết, mấy năm gần đây, do bán được ít đất, anh mở trang trại, cho khách đến câu cá, ăn uống, hát hò. Bạn bè, người quen đến ủng hộ khá đông, do đó, anh Hải phải ăn nhậu thường xuyên. Chỉ trong vòng 2 năm anh đã tăng gần 20kg. Càng ngày anh càng ít vận động, hay mệt mỏi, đau đầu. Tuy nhiên, anh không thể ngờ mình lại mắc bệnh người già như vậy.

Tăng huyết áp: Kẻ giết người thầm lặng - 1

Tăng huyết áp rất nguy hiểm đến tính mạng. (Ảnh minh họa).

GS-TS Nguyễn Lân Việt - Giám đốc Dự án phòng chống bệnh THA cho biết, chưa bao giờ ông thấy nhiều bệnh nhân tim mạch đến vậy. Cách đây 10 năm, Viện Tim mạch chỉ có 1 bệnh phòng với vài chục giường, nhưng nay đã “nở” đến 9 phòng mà bệnh nhân vẫn phải nằm ghép. Bệnh nhân điều trị tại Viện cũng thường xuyên có khoảng 400 người, mỗi ngày lại có 80-100 người đến khám tại Viện. Hiện mỗi ngày, viện phải cấp cứu 20 ca bị nhồi máu cơ tim, bằng số ca bệnh cả năm của 15 năm trước.

“THA đồng nghĩa với các bệnh tim mạch khác, nguy cơ đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng là rất lớn, ngoài ra, sức lao động cũng bị giảm sút” – GS Lân cho biết.

Ăn nhiều, lười vận động

Theo bác sĩ Hùng, bệnh tim mạch như tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, huyết áp cao… xưa nay vẫn được coi là bệnh của người già, do quá trình xơ vữa động mạch diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, nhiều người trẻ hiện nay lại bị “già hóa” tim mạch là do những thói quen ăn uống không khoa học, nhiều thịt, ít rau, ngồi nhiều, ít luyện tập và nghiện bia rượu, thuốc lá, bị béo phì, stress… “Thậm chí ở người trẻ, do quá trình xuất hiện huyết khối diễn ra rất đột ngột dẫn đến việc mạch máu không kịp thích nghi nên bị hoại tử nhanh chóng” – bác sĩ Hùng chia sẻ. Điều kiện vật chất đầy đủ khiến nhiều người ở thành thị dễ bị mắc bệnh tim mạch hơn. Tuy nhiên, ở nông thôn, tỷ lệ người dân mắc bệnh “người giàu” cũng ngày một gia tăng. Người dân có thể ăn ít thịt nhưng nhiều người lại nghiện rượu, nghiện thuốc lá, ăn mặn… do đó nguy cơ xơ vữa động mạch cũng rất lớn.

"Qua điều tra những người bị THA, có tới 52% không biết mình bị mắc bệnh, 30% số người biết bị bệnh nhưng không điều trị và có tới 64% số người biết bị tăng huyết áp đã được điều trị nhưng không đạt huyết áp mục tiêu”. GS Nguyễn Lân Việt

GS Lân Việt chia sẻ, THA là dấu hiệu sớm nhất để cảnh báo về sức khỏe của con người. Ngoài các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, THA đột ngột còn có thể dẫn đến mù lòa, biến chứng lên thận, tim mạch. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều lơ là, chủ quan với các dấu hiệu THA của mình. THA thường có các dấu hiệu đau đầu, ù tai, chóng mặt… nhưng mọi người đều cho rằng mình mệt mỏi, nghỉ ngơi sẽ hết. Thậm chí, đã đến mức méo miệng, nói ngọng – những dấu hiệu đột quỵ nhưng - lại nghĩ mình bị trúng gió, chỉ đánh gió, giải cảm.

Ngay cả những người đã phát hiện THA, bác sĩ kê đơn thuốc nhưng chỉ uống một thời gian, thấy huyết áp ổn định là bỏ, đồng thời vẫn duy trì lối sống thiếu khoa học như trước. “THA là kẻ giết người thầm lặng, nếu phát bệnh cũng vô cùng tốn tiền. Người dân cần lưu ý đề phòng để tránh được nguy hiểm cho sức khỏe và bảo vệ cả gia đình mình khỏi đói nghèo bị bệnh trọng” – GS Lân Việt khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Kiệt (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN