Phụ nữ Việt Nam: 10% mắc bệnh sau sinh
Bộ Y tế vừa công bố ước tính khoảng 5-10% số phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi từ 40-60 bị mắc bệnh sa sinh dục, són tiểu... Hầu hết họ đều âm thầm chịu đựng, và đánh mất cả hạnh phúc.
Mất chồng vì “sa sút”
Chị Nguyễn Thị Hà (Xuân Trường, Nam Định) năm nay mới 41 tuổi nhưng đã sinh 5 lần. Gia đình nghèo, đông con, ngoài làm ruộng, chạy chợ, những lúc nông nhàn, chị theo đội thợ xây đi làm phu hồ. Công việc cực nhọc, mang vác nặng, cách đây 2 năm, chị bắt đầu thấy đau tức bụng dưới, một khối u lớn lồi ra ở vùng kín.
Điều này khiến chị xấu hổ, giấu chồng, không cho chồng gần gũi. Lúc đầu, chồng chị tưởng vợ có người khác về nhà chê chồng nên dằn hắt, giận dỗi. Nhưng sau phát hiện ra “sự kỳ dị” của vợ, anh quay ngoắt chê bai, dè bỉu vợ. Anh cũng công khai đi cặp bồ với một bà góa làng bên vì “vợ không phải là đàn bà”.
Do khối sa quá lớn, đi lại khó khăn nên chị cũng không còn sức lao động, chỉ lom khom ở nhà dọn dẹp, cũng không dám đi đâu vì xấu hổ, ngượng ngùng.
Lao động nặng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
“Lúc đầu khối u nhỏ thì xấu hổ không dám đi chạy chữa, giờ khối sa lớn, tính đến chuyện phẫu thuật tốn nhiều tiền, tôi cũng không dám đi. Giờ chỉ biết “thắt lưng buộc bụng” cho chặt” – chị Hà nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức – Giám đốc Viện Chăm sóc sức khỏe sinh sản và gia đình, những phụ nữ đẻ nhiều, đẻ quá sớm, lao động nặng, không được đỡ đẻ an toàn và đúng kỹ thuật đều dễ mắc bệnh sa sinh dục. Các đối tượng này cũng chủ yếu là phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Cá biệt một số ít phụ nữ còn mắc bệnh sa sinh dục từ hồi 25-30 tuổi do bẩm sinh cơ yếu.
Chị em thường ngượng ngùng xấu hổ nên giấu bệnh hoặc cũng không được cung cấp kiến thức, không biết chạy chữa ở đâu nên âm thầm chịu đựng. Họ không chỉ đánh mất hạnh phúc hôn nhân mà còn chịu đựng nhiều bệnh tật, đau đớn do vùng kín luôn bị viêm nhiễm, khó chịu. Thậm chí, nhiều chị em còn không dám nói, cười, đi lại “rón rén” vì chứng són tiểu khi các cơ bàng quang bị sa.
Cần can thiệp sớm
Theo PGS-TS Vũ Bá Quyết – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, trước đây, để điều trị bệnh sa sinh dục, các bác sĩ thường dùng phương pháp cắt tử cung, khâu treo bàng quang, làm lại thành trước và sau âm đạo hoặc phẫu thuật bịt âm đạo. Như vậy, đồng nghĩa với việc loại bỏ người bệnh khỏi “cuộc chơi yêu đương”, khiến người phụ nữ luôn mặc cảm, đánh mất đi hạnh phúc làm vợ, làm mẹ của họ. Ngoài ra, phương pháp này cũng dễ gặp các biến chứng như chảy máu, thủng bàng quang, nhiễm trùng mỏm cắt… Nhiều chị em khi đi bệnh viện khám, nghe bác sĩ tư vấn đều sợ hãi, không dám phẫu thuật.
"Khi chị em bị đau lưng, tức nặng vùng sinh dục, són tiểu nhiều thì nên đi khám ngay để được điều trị và tư vấn các bài tập nâng đỡ cơ. Chế độ ăn nhiều xơ, tránh táo bón, khi làm việc cần tránh gây tăng áp lực ổ bụng. Thường xuyên luyện tập thể dục để giúp tăng cường sức cơ vùng sàn chậu”. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức |
PGS-TS Quyết cũng cho biết, hiện tại trung tâm điều trị cho những bệnh nhân bị sa sinh dục, bệnh nhân són tiểu (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) đã có nhiều phương pháp mới khắc phục được nhược điểm của kỹ thuật cũ.
Kỹ thuật mới giữ nguyên tử cung, đồng thời “treo nâng” các cơ quan như bàng quang, trực tràng, tử cung lên, đưa chúng trở lại vị trí ban đầu. Người bệnh vẫn giữ được tử cung, vẫn thoải mái trong chuyện “yêu đương” đồng thời có khả năng mang thai, sinh nở bình thường. Thời gian điều trị và nằm viện chỉ khoảng 3 ngày. Người bệnh càng điều trị sớm càng tốt.
Tuy nhiên, bà Đức lại cho rằng, kỹ thuật mới chỉ thực hiện được ở các bệnh viện lớn, chi phí cũng không nhỏ, vì thế không phù hợp với chị em nông thôn, vùng sâu vùng xa. Vì vậy vẫn cần tuyên truyền để phụ nữ biết về tình trạng của mình, không nên sinh đẻ quá nhiều, khi sinh cũng nên đến các cơ sở y tế tin cậy để được đỡ đẻ đúng cách...