Nỗi buồn bảo hiểm y tế

Chuyện tiêm đau và không đau nếu ai đó đi khám chữa bệnh bằng sổ BHYT tưởng là chuyện đùa nhưng là sự thật phũ phàng.

Trong phiên họp sáng 11/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết khi khám bệnh, không chìa thẻ BHYT thì thôi, chìa ra còn bị tiêm đau hơn và ông kết luận: “Thà không đưa thẻ BHYT ra còn hơn!”.

Lâu nay, người đóng BHYT đều biết những chuyện quá nhiêu khê khi khám chữa bệnh bằng BHYT. Nhiều bệnh nhân nhập viện phải “ém” sổ BHYT để được chữa bệnh tốt hơn. Thực tế, bệnh nhân là cán bộ hưu trí hoặc người nghèo mới phải chìa sổ BHYT ra, còn đa số những người có tiền thì chọn lựa cách khác.

Thực trạng đó cho thấy sổ BHYT kém hấp dẫn đối với người dân như thế nào. Mặc dù với nhiều đợt vận động toàn dân tham gia BHYT nhưng đến nay, tỉ lệ dân số đóng BHYT trên toàn quốc chỉ 66,8%. Ở nhiều tỉnh, thành tỉ lệ này chưa đến 50%.

Nỗi buồn bảo hiểm y tế - 1

Chờ khám BHYT tại bệnh viện. Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Năm trước, tại hội thảo “Xây dựng đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ta thán: “Khám bệnh BHYT từ 5 giờ sáng đến 11 giờ mà người già vẫn chưa được khám. Không thể để như thế được! Sao mà khổ thế cơ chứ!”. “Cái khổ” đó xuất phát từ việc bệnh nhân phải qua đến 14 công đoạn mới lấy được thuốc.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách (Bộ Y tế), người dân khám bệnh bằng BHYT phải chờ từ 5-7 giờ, cá biệt có những người phải chờ cả ngày. Điều vô lý này kéo dài nhiều năm Bộ Y tế mới nhận thấy và đưa ra hướng dẫn cải tiến quy trình khám chữa bệnh không được vượt quá 4 bước. Tuy nhiên, đến nay, nhiều bệnh viện vẫn không thực hiện nổi quy trình này, bệnh nhân vẫn phải chờ trong mệt mỏi, bức xúc.

Khám chữa bệnh bằng BHYT từ lâu đã rất xấu xí trong mắt người dân. Xấu xí không chỉ ở quy trình mà cả chất lượng điều trị. Một bác sĩ bày tỏ: Cấp thuốc cho bệnh nhân có BHYT rất khổ tâm, thay vì chỉ chú tâm vào điều trị tốt nhất thì bác sĩ lại phải tìm xem loại thuốc có trong danh mục được BHTY chi trả hay không. Đó là chưa kể có nhiều loại thuốc kém chất lượng tìm cách “chui” vào bệnh viện; người bệnh bị kê thuốc loại đắt tiền, làm các xét nghiệm không cần thiết; các bệnh viện tuyến dưới tìm cách giữ bệnh nhân để được thanh toán BHYT...

Đến khi nào người khám bệnh bằng BHYT được đối xử bình đẳng, điều trị hiệu quả thì người dân mới mặn mà. Bộ Y tế đang trình Quốc hội những nội dung sửa đổi Luật BHYT. Theo đó, sẽ thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân. Nhưng làm sao buộc được người dân đóng tiền BHYT khi chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh không cải thiện?

Thêm vào đó, tình trạng công - tư lẫn lộn trong các bệnh viện công hiện nay biểu hiện ở việc bệnh viện công nhưng hạch toán theo cơ chế thị trường, coi bệnh nhân là nguồn thu... thì còn lâu sổ BHYT mới có giá trị thực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LƯU NHI DŨ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN