Nhốt mẹ già trong nhà lầu: Cô đơn quá, hóa trầm cảm

Không tin rằng mình bị bệnh về tâm thần, bà Thỏa một mực không đi viện điều trị, không sử dụng bất cứ thuốc nào con cái mua cho. Bà chỉ dùng thuốc mà tự mua.

Quanh quẩn trong nhà, mẹ già hóa hoang tưởng

Bà Vũ Thị Thỏa, 64 tuổi, quê ở thị trấn Cồn, Hải Hậu, Nam Định được con cái đưa vào TP.HCM sống từ năm 2005. Từ khi vào với con cái, nỗi buồn tuổi già của bà ngày càng tăng lên mà không ai chịu hiểu. 

Ba người con trai của bà đều thành công. Có người còn làm giám đốc một chi nhánh của công ty nước ngoài ở Việt Nam. Người ở quê, ai cũng ghen tị với vợ chồng bà Thỏa vì được nhờ con cái, được lên thành phố với con cái. Còn vợ chồng bà thì rơi vào ngày tháng khủng hoảng tinh thần tột độ.

Ông bà sống trong căn nhà hai tầng lầu cạnh sông Sài Gòn, quận 2, TP.HCM. Nơi đó, tĩnh lặng lắm. Hàng xóm không thân thiết và nhà nào cũng đóng cửa. Thói quen sang hàng xóm chơi cũng mất dần. Bà Thỏa và chồng ai ở phòng người ấy, không ai nói chuyện với ai. Các con bận bịu, hàng tháng chỉ đến đưa tiền cho ông bà một hai lần. Các cháu đều đi học trường xa nên việc trò chuyện cùng ông bà trở thành điều xa xỉ.

Từ một người phụ nữ hay nói, bà Thỏa trở nên lầm tính. Hàng ngày, bà không biết nói chuyện với ai ngoài cái ti vi. Có hôm, con cái bà về đến nhà nhìn thấy mẹ đang nói chuyện rôm rả. Lại gần hóa ra bà nói chuyện một mình. 

Nhốt mẹ già trong nhà lầu: Cô đơn quá, hóa trầm cảm - 1

Bệnh hoang tưởng ảo giác ở người già tăng nhanh.

Để giải cơn sầu, bà gọi điện thoại cho người thân ở xa để buôn chuyện, kể về cuộc sống sôi nổi ở thành phố, kể về thành công của con cái… đủ các chuyện trên trời dưới bể. Người thân cũng dần chán nghe điện thoại của bà vì họ chẳng còn gì để nói. Bà khủng bố bằng tin nhắn. Ai không nghe điện thoại, bà nghĩ rằng người ta đã quên bà và coi như bà đã chết.

Rảnh rỗi, bà nghĩ ra đủ cảnh tượng người chồng già gần 70 tuổi cặp bồ với hàng xóm. Bất cứ người phụ nữ nào quanh nhà bà cũng nghĩ rằng người đó là nhân tình của chồng. Bà căm ghét họ và không trò chuyện với ai. Bà ra chợ tìm niềm vui rồi lại về nhà nằm nghĩ miên man. 

Với bà, con dâu là những con rắn độc nên bà kiên quyết không nhận tiền phụ cấp của ai. Có người lạ đi qua nhà, bà bắt gặp thì sẽ nghĩ ngay tới việc con cái thuê người đến theo dõi, hạ độc bà.

Cưỡng chế vào viện

Lúc nào cũng sợ con cái tìm cách sát hại, bà Thỏa tự đi mua xô lớn về chứa nước. Bà mua nước về dùng, không dùng nước sẵn có trong nhà. Con trai thuê bác sĩ tâm lý đến nhà nói chuyện với bà Thỏa nhưng không ăn thua. Bác sĩ còn khẳng định bà khỏe mạnh, không có bất cứ biểu hiện gì.

Chị Thảo, con gái của bà Thỏa cho biết: “Mẹ tôi nói chuyện lúc đầu rất bình thường, người lạ vào nhà hỏi han bà nói chuyện rất vui vẻ. Chỉ khi mọi người về hết bà mới sinh ra nghĩ ngợi rồi tưởng tượng ra chuyện này, chuyện khác. Con cái mời đi chơi hay đi khám bệnh bà đều không đồng ý.

Tháng trước, các con của bà Thỏa phải nói dối, mời bà đi thăm người thân ngoài miền bắc. Được người em đi cùng nên bà Thỏa vui vẻ ra đi. Lúc này, con cái đưa thẳng bà từ sân bay Nội Bài vào Bệnh viện Tâm thần trung ương I. 

Tại đây, nhiều lần bà Thỏa đòi bỏ chạy vì bà quả quyết mình không có bệnh. Sau vài ngày nằm viện, tâm lý bà khá hơn. Lúc này, bà tâm sự với bác sĩ về những con “rắn độc” đang đeo bám, về những người phụ nữ đang ngày đêm lẻn vào nhà ngủ cùng với người chồng già của mình. 

Về trường hợp của bà Thỏa, tiến sĩ, bác sĩ Tô Thanh Phương – bệnh viện tâm thần Trung ương 1 cho biết, bà Thỏa mắc triệu chứng bệnh trầm cảm lâu ngày sinh hoang tưởng. Trầm cảm ở người già ngày càng tăng, nhất là những trường hợp sống ở đô thị, người già bị cô độc, ít bạn bè. Có những cụ bị con cái khóa cổng chỉ còn biết bầu bạn với cái ti vi.

Trầm  cảm ở người cao tuổi không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận biết được. Các dấu hiệu quan trọng nhất của trầm cảm là những biến đổi về nhân cách. Người bị bệnh trầm cảm bắt đầu cảm thấy giảm sự quan tâm chú ý, mất đi các hứng thú đối với các hoạt động, các đồ vật, người thân yêu mà trước đây họ từng quan tâm, yêu quí. 

Những người cao tuổi trầm cảm dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc do tự ti. Họ thường cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm giác của mình thành lời, do vậy những người xung quanh không nhận ra được những bất ổn ở họ. 

Khi cố gắng diễn đạt những cảm giác của mình liên quan đến trầm cảm, họ lại thường tập trung vào các chủ đề khác. Chẳng hạn, họ than phiền về những nỗi lo về tài chính, vấn đề hoà thuận với các thành viên trong gia đình và thường nhất là các vấn đề về sức khoẻ, bệnh tật....

Một số người cao tuổi bị trầm cảm lại không hề nói gì về những cảm giác của mình. Có thể họ cho rằng cảm giác đau khổ là biểu hiện bình thường của quá trình già hoá. Vì vậy họ nghĩ chẳng có gì đáng để phàn nàn. Họ xem những cảm giác này là do bệnh nọ bệnh kia gây ra và chẳng có thể làm gì để thay đổi được.

Những người mắc bệnh ảo giác dễ sợ hãi, kích động, lo âu, thậm chí hoang tưởng nên rất nguy hiểm đến tính mạng vì vậy, BS Phương cho rằng, không nên để họ sống cô đơn, một mình. 

Những người già cần được quan tâm chăm sóc về mọi mặt, cả thể chất và tinh thần. Nếu cần có thể đưa những người này vào các trung tâm điều trị chuyên nghiệp hoặc được kiểm tra sức khỏe, cấp thuốc cũng như các khuyến cáo thường xuyên.

Tên của nhân vật đã được tòa soạn thay đổi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN