Nhiễm khuẩn BV: Nguy cơ “nằm cạnh” bệnh nhân

Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang là một thách thức lớn cho các bệnh viện trên toàn thế giới vì tỷ lệ mắc và sự kháng kháng sinh (KS) ngày càng cao. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, làm chậm tiến triển của bệnh dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí chăm sóc người bệnh. Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao hạn chế được NKBV nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh, nhân viên y tế và cho toàn xã hội.

Các yếu tố dẫn đến nhiễm khuẩn bệnh viện

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV). Yếu tố hàng đầu là do không khí trong môi trường BV bị NK, NKBV lây lan theo chất bẩn, hơi nước hoặc các hạt bụi lơ lửng trong không khí. Gần đây, người ta còn chú ý tới vai trò của các máy điều hòa nhiệt độ trong việc lây truyền vi khuẩn legionella pneumophila gây viêm phổi. NKBV cũng có thể do thực hiện nhiều thủ thuật xâm nhập (tiêm truyền, phẫu thuật, thở máy, thủ thuật thai sản…); do dụng cụ y tế, thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm khuẩn; do nhân viên y tế, đặc biệt là tay nhân viên y tế trước và sau khi chăm sóc bệnh được xem là nguyên nhân quan trọng nhất trong việc phát tán vi khuẩn gây bệnh. NKBV có thể do sự lây lan từ BN này sang BN khác trong thời gian nằm viện.

Nhiễm khuẩn BV: Nguy cơ “nằm cạnh” bệnh nhân - 1

Vi khuẩn legionella gây nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Đôi khi cũng có thể do những người nhà thăm nuôi BN vì họ có thể là những người đang nhiễm khuẩn, những người đang trong thời kỳ ủ bệnh hoặc là người lành mang khuẩn. Những người tham gia chăm sóc BN cũng góp phần vào việc lan truyền vi khuẩn từ BN này sang BN khác nếu không tuân thủ chặt chẽ các qui định về vệ sinh an toàn chống NK trong BN.

NKBV cũng có nguy cơ từ những khoa điều trị đặc biệt phải sử dụng nhiều loại kháng sinh dẫn đến sự tồn tại kéo dài hoặc phát sinh mới những chủng VK kháng thuốc. Nguy cơ tiềm ẩn ở chỗ các đơn vị này không được thay đổi vị trí thường xuyên dẫn đến sự tồn tại các “ổ vi khuẩn” kháng thuốc trong BV.

Phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện được không?

Có thể dự phòng được NKBV nếu tuân thủ đúng và đủ các bước như: Xây dựng quy trình chống NK và các thủ thuật, tiêm truyền cần phải thực hiện nghiêm ngặt; Sử dụng thuốc kháng sinh đúng qui chuẩn; Có chiến lược chống NKBV và cuối cùng là nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhân viên y tế cũng như cho BN và người nhà BN về NKBV.

Các loại nhiễm khuẩn và chủng vi khuẩn gây bệnh

Hầu như tất cả các cơ quan của cơ thể đều có nguy cơ mắc NKBV tuy có mức độ khác nhau. NK huyết là rất thường gặp (gặp ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, người có các bệnh mạn tính như COPD, suy tim...). Tác nhân thường gặp là Staphylococcus aureus, Enterococci... NK đường hô hấp, điển hình là viêm phổi (ở người lớn tuổi, những BN dùng máy thở, mổ lồng ngực, chấn thương ngực kín, tràn khí, tràn dịch màng phổi…). Tác nhân thường gặp là vi khuẩn gram (-), trực khuẩn mủ xanh, Acinetobacter B, tụ cầu vàng, nấm. NK tiết niệu (gặp ở người lớn tuổi, phụ nữ, BN nặng tại các khoa hồi sức tích cực phải đặt sonde tiết niệu, BN sau làm thủ thuật như nội soi, tán sỏi bàng quang, niệu quản, thận… ).

Các vi khuẩn thường gặp

Gram (-), gram (+), Candida sp, E.coli, trực khuẩn mủ xanh, acinetobacter B… NK vết mổ là một NKBV rất thường gặp, đặc biệt là ở các BN được mổ cấp cứu (do điều kiện vô khuẩn không thể tốt như mổ có kế hoạch). Tác nhân chủ yếu là vi khuẩn gram (-), gram (+) chủ yếu là S.aureus, Enterococci và các vi khuẩn khác. NK thần kinh đặc biệt hay gặp ở khoa phẫu thuật sọ não (BN chấn thương sọ não hở), loại NK này rất nguy hiểm nếu nhiễm các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. BN viêm não thất do trực khuẩn mủ xanh hoặc Acinetobacter gần như chắc chắn tử vong. Các NK đường tiêu hóa cũng thường gặp ở các BN nặng tại các khoa HSTC. Ở các đối tượng BN này thường có liệt ruột, tưới máu ruột kém, dùng các thuốc giảm tiết dịch vị (chống loét do stress) dẫn đến tăng xâm nhập của VK vào lớp niêm mạc đường tiêu hóa gây tổn thương.

Thường gặp là viêm ruột do vi khuẩn kỵ khí, tụ cầu, các cầu khuẩn đường ruột, vi khuẩn gram (-). Các NK ngoài da, viêm tĩnh mạch do tiêm truyền không đảm bảo vô khuẩn, do lưu kim luồn lâu, do đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cũng thường gặp và chiếm khoảng 2 - 15% các NKBV nói chung. Tác nhân hay gặp nhất là tụ cầu (25%). Loại NK này có thể gây viêm tắc tĩnh mạch dẫn đến tắc mạch phổi cấp. Các NK cơ, xương khớp cũng chiếm khoảng 3% tổng số các NKBV. Tác nhân viêm thường do tụ cầu.

Các thủ thuật xâm lấn như tiêm nội khớp dễ dẫn đến NK cơ, xương khớp.

Vi khuẩn lan theo đường máu hoặc tại chỗ trong khi làm các thủ thuật xâm nhập như tiêm bắp, tiêm nội khớp… Viêm nội tâm mạc NK mặc dù ít gặp nhưng rất khó điều trị nếu nhiễm các chủng vi khuẩn đa kháng. Vi khuẩn thường vào theo đường tĩnh mạch trong khi tiêm truyền hoặc vào theo các tĩnh mạch lớn trong khi làm thủ thuật: đặt catheter TMTT, đặt máy tạo nhịp, phẫu thuật tim, lồng ngực. Các NK sản khoa: thường do vi khuẩn gram (-). NK sản khoa rất thường gặp do can thiệp thủ thuật nhiều, vị trí dễ bị NK và khó chăm sóc. Vi khuẩn thường gặp là gram (-), nấm.

Xử trí nhiễm khuẩn bệnh viện như thế nào?

Trước hết, phải tuân thủ nguyên tắc dùng kháng sinh: Không dùng kháng sinh tràn lan tùy tiện. Dùng kháng sinh tập trung vào các loại vi khuẩn hay gặp như trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, vi khuẩn gram (-), Acinetobacter, nấm, kỵ khí. Dùng kháng sinh đủ liều, nên dùng kháng sinh đường tiêm truyền. Loại bỏ tác nhân NK và các yếu tố nguy cơ. Dùng theo kháng sinh đồ nếu kết quả nuôi cấy đáng tin cậy và phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng.
Một số phác đồ cụ thể dùng kháng sinh như: Trực khuẩn mủ xanh sử dụng ceftazidim, cefepim, amikacin, inmipenem...; Tụ cầu: rifampicin, vancomycin, vi khuẩn gram (-) (E.Coli, cầu khuẩn gram (-) đường ruột...): amikacin, cifrofloxacin, rifampicin, kháng sinh chống nấm nếu nhiễm nấm.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TS.BS. Vũ Đức Định (Sức khỏe đời sống)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN